Tây Ban Nha thực hiện điều kiện của gói cứu trợ từ EU

Tây Ban Nha chuẩn bị tư nhân hóa ngân hàng Bankia, với việc bán 7,5% số cổ phần của ngân hàng này thông qua quỹ hỗ trợ ngân hàng FROB.

Theo nguồn tin từ cơ quan điều phối thị trường chứng khoán CNMV hôm 27/2, Chính phủ Tây Ban Nha chuẩn bị tư nhân hóa ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước Bankia, với việc bán 7,5% số cổ phần của ngân hàng này thông qua quỹ hỗ trợ ngân hàng FROB.

Theo CNMV, các ngân hàng Deutsche Bank, Morgan Stanley và UBS sẽ có nhiệm vụ giao bán cổ phần của Bankia.

Trước đó trong trả lời phỏng vấn của Nhật báo ABC trong tháng 1, Giám đốc ngân hàng Bankia, Jose Ignacio Goirigolzarri, cho biết quá trình tư nhân hóa ngân hàng Bankia sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn trong thời gian từ 2-3 năm. Giá trị giao bán lần đầu cổ phần của Bankia sẽ nhỏ hơn những lần sau, có thể bắt đầu trong khoảng từ 5-10%.

Bankia là ngân hàng lớn thứ tư ở Tây Ban Nha và là biểu tượng của cuộc khủng hoảng tài chính của Tây Ban Nha khi ngân hàng này thua lỗ 19,2 tỷ euro (26 tỷ USD) trong năm 2012, nhưng lại lãi 608 triệu euro trong năm 2013.

Được thành lập cuối năm 2010 trên cơ sở hợp nhất của một số ngân hàng khu vực và niêm yết trên sàn chứng khoán Madrid tháng 7/2011, nhưng chỉ chưa đầy một năm sau đó, Bankia đã buộc phải quốc hữu hóa vào tháng 5/2012, để tránh bị sụp đổ do các khoản nợ xấu và mất giá liên tục.

Trong quá trình tái cơ cấu, Bankia đã phải đóng cửa hơn 1.000 chi nhánh và sa thải hàng nghìn nhân viên. Việc quốc hữu hóa này là điều kiện nằm trong gói cứu trợ trị giá 41 tỷ euro của các nước thuộc Khu vực đồng euro (eurozone) dành cho Chính phủ Tây Ban Nha để hỗ trợ cho toàn bộ hệ thống ngân hàng của nước này.

Theo điều kiện trong gói cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU), dành cho Tây Ban Nha năm 2012, đến năm 2017, Chính phủ Tây Ban Nha phải bán 68% số cổ phần của mình trong ngân hàng Bankia./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục