Tết cơm mới-nét văn hóa độc đáo của dân tộc Cao Lan

Cộng đồng người Cao Lan ở Tuyên Quang còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc như hát sình ca và phong tục cúng cơm mới.

Dân tộc Cao Lan (còn gọi là Sán Chay) ở Tuyên Quang có khoảng 60.000 người sống rải rác ở một số thôn bản của ba huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên.

Cộng đồng người Cao Lan nơi đây còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc như các lễ hội, hát sình ca và phong tục cúng cơm mới (còn gọi là Tết cơm mới), được tổ chức vào tháng Tám hoặc tháng Chín Âm lịch khi thu hoạch vụ mùa đầu tiên trong năm. Lúc ấy người Cao Lan bắt đầu chọn ngày tốt và chuẩn bị các nhu yếu phẩm cho ngày Tết cơm mới này.

Tục lệ này có từ rất lâu đời và được truyền từ đời này sang đời khác.

Bà Lý Thanh Hà, Thạc sỹ nghiên cứu về văn hóa các dân tộc, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang cho biết: Sau khi thu hoạch vụ mùa, bà con dân tộc Cao Lan thường tiến hành tổ chức cúng cơm mới. Thời gian tiến hành lễ cúng cơm mới vào tháng Tám Âm lịch hàng năm, nhưng ngày tiến hành cụ thể phụ thuộc vào mỗi họ. Có dòng họ tổ chức vào ngày 10, có họ tổ chức vào ngày Rằm... tránh trùng vào các ngày mất của cha, mẹ. Cũng vào ngày này, các gia đình thường tổ chức và mời bà con họ hàng đến dự.

Chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Sen, dân tộc Sán Chay (nhóm Cao Lan), thôn Bẫu, xã Tuân Lộ, huyện Sơn Dương, được bà kể cho nghe về tục cúng cơm mới: hàng năm khi đến vụ thu hoạch, nhà ai có lúa chín sớm nhất và tiến hành gặt sớm nhất trong làng, gia đình đó sẽ mang một ít gạo mới đến cho ông trùm làng (người có uy tín được dân làng bầu, đại diện cho dân làng thực hiện một số công việc của làng) để trình Thành hoàng làng. Sau đó, mỗi gia đình trong làng mang một bát gạo cũ đến nhà gia đình gặt lúa sớm nhất đổi gạo mới về nấu ăn tượng trưng, là đã được ăn cơm mới.

Trước khi cả làng ăn cơm mới, ông trùm làng làm một lễ cúng Thành hoàng ở đình làng, xin Thành hoàng đồng ý cho bách tính được ăn cơm mới, phù hộ cho dân làng. Lễ vật dâng cúng gồm có xôi làm từ gạo mới, gà luộc, rượu, hương. Cũng vào thời gian này, nhà nào tiến hành ăn cơm mới thì làm cây nêu bằng ngọn tre, hoặc ngọn lau cắm ngoài cổng để báo hiệu khách lạ không được vào nhà.

Theo ông Nguyễn Việt Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Tuyên Quang, hiện nay Tết cơm mới vẫn được bà con Cao Lan duy trì và thực hành theo nghi lễ truyền thống. Tết cơm mới có vai trò không thể thiếu trong đời sống của người Cao Lan ở Tuyên Quang.

Vào ngày Tết là dịp để các gia đình làm lễ tạ ơn tổ tiên, đất trời đã phù hộ cho một mùa bội thu. Nhân dịp này, các thế hệ con cháu càng biết ơn công ơn tổ tiên cha ông, trân trọng hơn thành quả lao động một năm vất vả. Vì vậy cần có chính sách khuyến khích bảo tồn và phát huy phong tục độc đáo này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục