Chúng tôi đến bản mới Piêng Cu, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong (Nghệ An) vào những ngày cuối cùng của năm cũ.
Mùa Xuân như đến sớm hơn ở vùng núi rừng hùng vĩ này. Hoa mận, hoa đào đua nhau nở. Những mảnh ruộng bậc thang xanh mướt phủ khắp cả triền đồi. Những con suối len lỏi qua những góc núi ngày đêm róc rách chảy. Những nếp nhà sàn xinh xinh; những làn khói trắng bảng lảng lẫn với sương, mây.
Tết này bản Piêng Cu là điểm tái định cư đầu tiên trong 17 điểm tái định cư nằm trên địa bàn huyện được đón Tết sớm trên bản mới.
Chiều 30 Tết, trong lúc những gia đình khác đang tất bật với việc trang trí lại nhà cửa, mua sắm các vật dụng trong gia đình, lo thức ăn cho trâu bò thì gia đình ông Sầm Văn Pháp đang quây quần bên bếp nấu bánh chưng, bánh sừng trâu…
Gia đình ông Pháp là một trong 27 hộ gia đình thuộc bản Nong Đanh, xã Đồng Văn điển hình di dời đến điểm tái định cư đầu tiên của dự án là Piêng Cu làm lán ở tạm trước khi phương án được phê duyệt. Đây là các hộ gia đình tự nguyện di dời, đưa nhà cũ và vật liệu đến làm nhà ở tại điểm tái định cư.
Mùa Xuân không chỉ tràn ngập trên các vạt núi, cánh rừng, mùa xuân đã thực sự ập vào và ngự trị trong từng nhà của bản người Thái, người Khơ Mú này. Mới chuyển tới đây chưa được một năm nhưng cuộc sống mới của bà con khá ổn định. Họ được cấp gạo, cây con giống, tập huấn chuyển giao kỹ năng sản xuất, cần cù chịu khó; dần dà, những ngôi nhà sàn kiên cố, tivi, xe máy… nhà nào cũng có.
Tuy chưa được giao đất, giao rừng nhưng bà con tự vỡ đất ở những quả đồi màu mỡ gần nhà để tăng gia sản xuất. Vì thế, cùng với quà và kinh phí hỗ trợ của nhà nước, của huyện Quế Phong, Tết chưa đến mà nhà nào nhà ấy gạo đã đầy nồi, ngô đầy bồ, thịt treo gác bếp. Công việc đồng áng không còn, phụ nữ ở bản miệt mài ngồi may áo, váy mới để diện trong dịp Tết.
Ông Lương Văn Hùng, Bí thư, trưởng bản Piêng Cu hồ hởi khoe: “Vì dòng điện tương lai của Tổ quốc, chúng tôi sẵn sàng di dời nơi chôn rau cắt rốn để đến với bản mới Piêng Cu này. Đến nay, công tác bồi thường, hỗ trợ để các hộ ổn định cuộc sống ở quê hương mới được triển khai tốt. Các hộ đã dựng xong nhà, các công trình công cộng như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa đang dần hoàn tất, các hộ dân đã ổn định đời sống và tổ chức sản xuất kinh doanh.”
Tuy nhiên, sau Tết âm lịch, bà con ở bản mới Piêng Cu cũng đề nghị huyện Quế Phong và chủ đầu tư là Công ty cổ phần thủy điện Hủa Na hoàn chỉnh việc thi công và cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, đồng thời triển khai việc đo đạc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp và các loại đất công cộng (đất đồng cỏ chăn nuôi) để bà con yên tâm sản xuất.
Thủy điện Hủa Na là một trong những công trình thủy điện lớn của Bắc miền Trung và cũng là công trình có số hộ phải di dời tái định cư khá lớn, khoảng trên 1.300 hộ dân ở 14 bản thuộc hai xã Đồng Văn và Thông Thụ.
Theo chân Bí thư huyện ủy Quế Phong Lữ Đình Thi, chúng tôi đến thăm công trường thủy điện Hủa Na. Cả công trường khổng lồ vẫn đang hối hả, những chiếc cần cẩu cao vút vẫn ăn hàng đều đặn và những tiếng khoan, đập bê tông vẫn rền vang, rầm rập…; tất cả vẫn đang gồng mình cho giai đoạn nước rút, quên cả thời gian, quên cả mùa Xuân đang ập tới.
Theo kế hoạch, cuối năm 2012, nhà máy thủy điện Hủa Na sẽ chính thức phát điện. Có điện, có ánh sáng, đời sống đồng bào các dân tộc sẽ được nâng lên, chắc chắn Quế Phong sẽ “thay da đổi thịt.”
Tạm biệt Quế Phong, chúng tôi trở về với niềm tin mãnh liệt, rằng Quế Phong đã thực sự đổi mới, bắt nhịp được cùng với cả nước trong công cuộc xây dựng và phát triển. Những tiềm năng vẫn đang tiếp tục được khai phá và trỗi dậy, những bản nghèo, lạc hậu đã dần được xóa tên trong danh sách.
Quế Phong của hôm nay đã vậy, Quế Phong của ngày mai có thủy điện còn đổi mới và phát triển hơn nhiều. Và tương lai sẽ có nhiều, rất nhiều bản mới trù phú như Piêng Cu./.
Mùa Xuân như đến sớm hơn ở vùng núi rừng hùng vĩ này. Hoa mận, hoa đào đua nhau nở. Những mảnh ruộng bậc thang xanh mướt phủ khắp cả triền đồi. Những con suối len lỏi qua những góc núi ngày đêm róc rách chảy. Những nếp nhà sàn xinh xinh; những làn khói trắng bảng lảng lẫn với sương, mây.
Tết này bản Piêng Cu là điểm tái định cư đầu tiên trong 17 điểm tái định cư nằm trên địa bàn huyện được đón Tết sớm trên bản mới.
Chiều 30 Tết, trong lúc những gia đình khác đang tất bật với việc trang trí lại nhà cửa, mua sắm các vật dụng trong gia đình, lo thức ăn cho trâu bò thì gia đình ông Sầm Văn Pháp đang quây quần bên bếp nấu bánh chưng, bánh sừng trâu…
Gia đình ông Pháp là một trong 27 hộ gia đình thuộc bản Nong Đanh, xã Đồng Văn điển hình di dời đến điểm tái định cư đầu tiên của dự án là Piêng Cu làm lán ở tạm trước khi phương án được phê duyệt. Đây là các hộ gia đình tự nguyện di dời, đưa nhà cũ và vật liệu đến làm nhà ở tại điểm tái định cư.
Mùa Xuân không chỉ tràn ngập trên các vạt núi, cánh rừng, mùa xuân đã thực sự ập vào và ngự trị trong từng nhà của bản người Thái, người Khơ Mú này. Mới chuyển tới đây chưa được một năm nhưng cuộc sống mới của bà con khá ổn định. Họ được cấp gạo, cây con giống, tập huấn chuyển giao kỹ năng sản xuất, cần cù chịu khó; dần dà, những ngôi nhà sàn kiên cố, tivi, xe máy… nhà nào cũng có.
Tuy chưa được giao đất, giao rừng nhưng bà con tự vỡ đất ở những quả đồi màu mỡ gần nhà để tăng gia sản xuất. Vì thế, cùng với quà và kinh phí hỗ trợ của nhà nước, của huyện Quế Phong, Tết chưa đến mà nhà nào nhà ấy gạo đã đầy nồi, ngô đầy bồ, thịt treo gác bếp. Công việc đồng áng không còn, phụ nữ ở bản miệt mài ngồi may áo, váy mới để diện trong dịp Tết.
Ông Lương Văn Hùng, Bí thư, trưởng bản Piêng Cu hồ hởi khoe: “Vì dòng điện tương lai của Tổ quốc, chúng tôi sẵn sàng di dời nơi chôn rau cắt rốn để đến với bản mới Piêng Cu này. Đến nay, công tác bồi thường, hỗ trợ để các hộ ổn định cuộc sống ở quê hương mới được triển khai tốt. Các hộ đã dựng xong nhà, các công trình công cộng như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa đang dần hoàn tất, các hộ dân đã ổn định đời sống và tổ chức sản xuất kinh doanh.”
Tuy nhiên, sau Tết âm lịch, bà con ở bản mới Piêng Cu cũng đề nghị huyện Quế Phong và chủ đầu tư là Công ty cổ phần thủy điện Hủa Na hoàn chỉnh việc thi công và cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, đồng thời triển khai việc đo đạc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp và các loại đất công cộng (đất đồng cỏ chăn nuôi) để bà con yên tâm sản xuất.
Thủy điện Hủa Na là một trong những công trình thủy điện lớn của Bắc miền Trung và cũng là công trình có số hộ phải di dời tái định cư khá lớn, khoảng trên 1.300 hộ dân ở 14 bản thuộc hai xã Đồng Văn và Thông Thụ.
Theo chân Bí thư huyện ủy Quế Phong Lữ Đình Thi, chúng tôi đến thăm công trường thủy điện Hủa Na. Cả công trường khổng lồ vẫn đang hối hả, những chiếc cần cẩu cao vút vẫn ăn hàng đều đặn và những tiếng khoan, đập bê tông vẫn rền vang, rầm rập…; tất cả vẫn đang gồng mình cho giai đoạn nước rút, quên cả thời gian, quên cả mùa Xuân đang ập tới.
Theo kế hoạch, cuối năm 2012, nhà máy thủy điện Hủa Na sẽ chính thức phát điện. Có điện, có ánh sáng, đời sống đồng bào các dân tộc sẽ được nâng lên, chắc chắn Quế Phong sẽ “thay da đổi thịt.”
Tạm biệt Quế Phong, chúng tôi trở về với niềm tin mãnh liệt, rằng Quế Phong đã thực sự đổi mới, bắt nhịp được cùng với cả nước trong công cuộc xây dựng và phát triển. Những tiềm năng vẫn đang tiếp tục được khai phá và trỗi dậy, những bản nghèo, lạc hậu đã dần được xóa tên trong danh sách.
Quế Phong của hôm nay đã vậy, Quế Phong của ngày mai có thủy điện còn đổi mới và phát triển hơn nhiều. Và tương lai sẽ có nhiều, rất nhiều bản mới trù phú như Piêng Cu./.
Bích Huệ (TTXVN/Vietnam+)