Tết Nào pê chầu được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể

Ngày 16/12, tại bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên đã diễn ra lễ công bố và trao Chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tết Nào pê chầu của dân tộc H'Mông.
Tết Nào pê chầu được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể ảnh 1Trò chơi tù lu tại ngày hội của người H'Mông. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Ngày 16/12, tại bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên đã diễn ra lễ công bố và trao Chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tết Nào pê chầu của dân tộc H'Mông.

Hàng trăm đồng bào tại hơn 30 bản và các đại biểu lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền tỉnh Điện Biên đã tới dự buổi lễ.

Tết Nào pê chầu của người H'Mông đen thường được tổ chức vào tháng 12 khi đồng bào đã thu hoạch xong mùa màng.

Đây là một lễ hội tiêu biểu nhất về văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, là khoảng thời gian nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả. Các gia đình, thôn bản đoàn tụ để cùng nhau ôn lại và trao đổi kinh nghiệm sản xuất, qua đó thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng.

Đây cũng là dịp để các gia đình thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho mùa màng bội thu, người dân có sức khỏe, cuộc sống bình yên.

Trên đám ruộng lớn đã được dọn thành nơi tổ chức buổi lễ, những người dân trong bản Nậm Pọng thực hiện các nghi cúng đuổi ma-trừ tà, cúng tạ tổ tiên.

Đồng bào giã bánh dày, thổi sáo, múa khèn, ném pa pao tìm bạn đời, du xuân... người H'Mông quan niệm rằng vào ngày Tết, mọi thứ đều phải mới, từ ngoại vật đến lòng người.

Vì vậy trong những ngày gần Tết, ngoài việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm, đồ cúng, họ còn chuẩn bị cho mình những bộ trang phục thật mới. Họ kiêng không được nóng giận, cãi cọ nhau. Bất kể người H'Mông nào dù đi xa hay ở gần, dịp này cũng về với gia đình để cùng chung vui đón năm mới tốt đẹp và ý nghĩa.

Đây là nét văn hóa đặc sắc của người H'Mông trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm lịch sử.

Tại buổi lễ, đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nhấn mạnh: Trước sự hội nhập và giao thoa các nền văn hóa, hiện nay ở một số nơi Tết Nào pê chầu đang đứng trước nguy cơ mai một. Cùng với đó, số người có khả năng thực hành đúng các nghi lễ truyền thống không còn nhiều.

Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân phải chung tay góp sức để giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc H'Mông, duy trì tổ chức hằng năm theo đúng phong tục truyền thống, tạo điểm nhấn thu hút khách tham quan, góp phần phát huy giá trị của di sản văn hóa và bảo tồn lâu dài trong nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục