Thái Lan đề xuất các lĩnh vực hợp tác Mekong-Lan Thương

Thủ tướng Prayut đã nêu rõ bốn lĩnh vực hợp tác mà Thái Lan coi trọng, bao gồm quản lý nguồn nước, an ninh y tế, kết nối và hồi phục kinh tế trong giai đoạn hậu COVID-19 và phát triển bền vững.
Thái Lan đề xuất các lĩnh vực hợp tác Mekong-Lan Thương ảnh 1Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha phát biểu tại Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 24/8, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã tham dự hội nghị trực tuyến các nhà lãnh đạo Hợp tác Mekong-Lan Thương (LMC) lần thứ ba do Lào chủ trì.

Nhân dịp này, Thủ tướng Prayut đã nêu rõ bốn lĩnh vực hợp tác mà Thái Lan coi trọng.

Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho biết phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Prayut đã nêu rõ bốn lĩnh vực hợp tác mà Thái Lan coi trọng, bao gồm quản lý nguồn nước, an ninh y tế, kết nối và hồi phục kinh tế trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19 và phát triển bền vững.

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Prayut đánh giá cao những tiến bộ và quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ của LMC. Mặc dù được tổ chức thông qua hình thức trực tuyến, hội nghị vẫn thể hiện cam kết của tất cả các bên trong việc không ngừng mở rộng hợp tác trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang đặt ra nhiều thách thức.

Thủ tướng Prayut nhận định hội nghị trực tuyến lần này là diễn đàn để các nước cùng phối hợp hành động biến thách thức thành cơ hội nhằm tăng cường quan hệ hợp tác và đối tác.

[Tổ chức trực tuyến Hội nghị cấp cao Hợp tác sông Mekong-Lan Thương]

Thái Lan tin tưởng rằng Tuyên bố Vientiane sẽ nhấn mạnh cam kết tập thể của LMC trong việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực chính trị và an ninh, cũng như phát triển kinh tế và bền vững, và những lĩnh vực khác, nhất là Quỹ Đặc biệt LMC mà sẽ hỗ trợ 10 dự án đã được phê duyệt từ Thái Lan trong năm nay.

Ngoài ra, Thủ tướng Prayut còn nhấn mạnh sự sẵn sàng và quyết tâm mạnh mẽ của LMC trong việc cùng nhau giải quyết những thách thức do một số yếu tố khó lường gây ra, bằng cách biến khủng hoảng thành cơ hội để hợp tác mang tính xây dựng hơn. Điều này sẽ tạo ra một môi trường có lợi cho tăng trưởng, ổn định, thống nhất, cũng như đảm bảo phát triển bền vững và thịnh vượng cho mọi người dân để không một ai bị bỏ lại phía sau.

Hợp tác Mekong-Lan Thương với sự tham gia của sáu nước ven sông gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc là ý tưởng được Thái Lan đề xuất lần đầu tiên vào năm 2012.

Việt Nam đã tích cực tham gia vào LMC ngay từ quá trình thành lập và có nhiều đóng góp về nội dung, lĩnh vực hợp tác.

Trong năm 2020, Việt Nam cũng đã tham gia tích cực các hoạt động hợp tác của LMC như tổ chức hoạt động kỷ niệm Tuần lễ LMC lần thứ 3 năm 2020 tại Hà Nội; đăng ký thêm năm dự án của các địa phương Việt Nam sử dụng Quỹ Đặc biệt LMC năm 2021; tích cực trao đổi các văn kiện, kế hoạch hành động của các Nhóm Công tác LMC về kết nối, hợp tác kinh tế qua biên giới, hợp tác năng lực sản xuất, nguồn nước..../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục