Thái Lan đồng ý họp với Campuchia tại Indonesia

Thái Lan đồng ý dự cuộc họp Ủy ban biên giới chung với Campuchia tại Indonesia với điều kiện nước chủ nhà không tham gia thảo luận.
Báo chí Campuchia ngày 29/3 cho biết trong một động thái khá bất ngờ, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan, Tướng Prawit Wongsuwon, lại đồng ý tham dự cuộc họp Ủy ban biên giới chung (GBC) với Campuchia tại Indonesia, với điều kiện nước chủ nhà không được trực tiếp tham gia cuộc thảo luận.

Trước đó, Tướng Prawit tuyên bố từ chối tham dự cuộc họp, dự kiến diễn ra tại Bogor, Indonesia, từ 7-8/4 vì phản đối sự can dự của nước thứ ba trong vấn đề mà ông nhấn mạnh rằng vẫn có thể được giải quyết song phương.

Theo kế hoạch, Tướng Prawit và Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh sẽ đồng chủ trì cuộc họp.

Vấn đề mấu chốt của cuộc thảo luận giữa hai bộ trưởng là việc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cử các quan sát viên Indonesia tới khu vực biên giới hai nước đang tranh chấp gần đền Preah Vihear, nơi đã nổ ra một loạt các vụ giao tranh hồi tháng 2/2011.

Cùng ngày, tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, Quốc hội nước này đã quyết định hoãn việc bỏ phiếu thông qua ba văn kiện do Ủy ban hỗn hợp về phân định biên giới trên bộ Thái Lan-Campuchia (JBC) soạn thảo để chờ phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan về vấn đề nhạy cảm trên.

Giới chức Thái Lan cho rằng ba văn kiện này, là báo cáo của ba hội nghị JBC vào tháng 11/2008, 2/2009 và 4/2009, sẽ được coi như những hiệp định ảnh hưởng tới chủ quyền lãnh thổ của Thái Lan, cần được cả Thượng viện và Hạ viện thông qua. JBC không thể đơn phương thực hiện việc giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước mà trước tiên phải chờ Tòa án Hiến pháp Thái Lan xác định rõ tính hợp pháp của các báo cáo nêu trên.

Trước đó, 1.200 cảnh sát thành phố Bangkok đã được triển khai xung quanh tòa nhà Quốc hội Thái Lan - nơi diễn ra cuộc thảo luận của Thượng viện và Hạ viện về ba văn kiện của JBC.

Công tác an ninh được tăng cường nhằm đối phó với kế hoạch biểu tình của Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD), hay còn gọi là phong trào "áo vàng," để phản đối việc Chính phủ Thái Lan tán thành ba văn kiện nêu trên.

PAD cho rằng việc thông qua ba văn kiện sẽ làm Thái Lan mất phần lãnh thổ đáng kể cho Campuchia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục