Thái Lan hủy mua xe tăng Ukraine để "tậu" tăng Trung Quốc

Theo trang tin Sputnik, Bộ Quốc phòng Thái Lan đã quyết định hủy bỏ hợp đồng mua vài chục chiếc xe tăng Ukraine với lý do chính quyền Kiev không thể giao hàng kịp tiến độ.
Thái Lan hủy mua xe tăng Ukraine để "tậu" tăng Trung Quốc ảnh 1Xe tăng được sản xuất tại nhà máy Malyshev của Ukraine. (Nguồn: Sputnik)

Theo trang tin Sputnik, Bộ Quốc phòng Thái Lan đã quyết định hủy bỏ hợp đồng mua vài chục chiếc xe tăng Ukraine với lý do chính quyền Kiev không thể giao hàng kịp tiến độ.

Năm 2011, Thái Lan từng ký hợp đồng trị giá 241 triệu USD với nhà máy Malyshev đóng ở Kharkov để mua 49 chiếc xe tăng chủ lực T-84 "Oplot". Những chiếc xe này sẽ trở thành xương sống lực lượng tăng thiết giáp của Thái Lan, thay thế đội xe M-41 do Mỹ sản xuất từ năm 1957 đã cổ lỗ và sẽ bị loại biên.

Tuy nhiên, sau khi mệt mỏi vì phải chờ đối tác chuyển hàng trong một thời gian dài, Thái Lan đã quyết định hủy hợp đồng. Phát biểu với báo chí Thái Lan, Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Prawit Wongsuwan, xác nhận hợp đồng với Ukraine đã trở thành một vấn đề gây đau đầu chính trong hoạt động hiện đại hóa quân đội Thái Lan.

Trong 5 năm kể từ khi hợp đồng được ký kết, nhà máy Malyshev mới chỉ cung cấp cho Thái Lan 20 chiếc T-84, dù thời hạn chót để giao toàn bộ lô hàng là năm 2014. Nhà máy Malyshev hiện vướng phải nhiều vấn đề nghiêm trọng, gồm việc thiếu nhân lực có trình độ. Năm 2015, nhà máy này không cho ra lò bất kỳ chiếc T-84 nào cả.

Để thay thế lô xe tăng bị hủy bỏ, Thái Lan dự định mua các xe VT-4, một loại tăng chủ lực thế hệ ba do công ty Norinco của Trung Quốc sản xuất. Bangkok đã ký hợp đồng với Bắc Kinh về việc mua 28 chiếc VT-4 và có thể mua thêm trong tương lai. Ngoài ra, Thái Lan và Trung Quốc còn đang xem xét một dự án sản xuất vũ khí, trang thiết bị quân sự ở nước này.

Quan chức Thái giải thích việc chọn vũ khí Trung Quốc thay vì vũ khí Mỹ và phương Tây là do phía Trung Quốc cung cấp vũ khí có tỷ lệ chất lượng/giá thành vượt trội so với đối thủ. Ngoài ra, Mỹ hiện đang triển khai nhiều hoạt động hạn chế bán vũ khí cho Thái Lan sau cuộc đảo chính diễn ra ở đất nước này hồi năm 2014.

Đây không phải là lần đầu tiên các công ty sản xuất xe tăng, thiết giáp Ukraine gặp vấn đề trong hợp đồng với khách hàng. Năm 2014, có tin Iraq cũng hủy hợp đồng mua xe thiết giáp chở quân BTR-4 của Ukraine và trả lại 42 chiếc đã mua do chất lượng hàn giáp quá tồi.

Theo Sputnik, sự xuống dốc của nhà máy Malyshev là một kết quả hết sức đáng buồn. Trong thời kỳ Thế chiến 2, nơi này nổi tiếng vì sản xuất vô số chiếc tăng T-34 huyền thoại. Trong thời Chiến tranh Lạnh, nhà máy sản xuất các xe tăng T-64 và T-80, được nhiều nhà phân tích phương Tây đánh giá là ưu việt hơn xe tăng T-72./​. 

Tin cùng chuyên mục