Các thi thể nằm la liệt. Máy bay trực thăng quân sự vần vũ trên bầu trời. Những người sống sót quấn mình trong các tấm chăn dã chiến ở những khu ẩn trú công cộng và các chính phủ nước ngoài hối thúc công dân của mình nhanh chóng rời đi. Nước Nhật như đang trong một bãi chiến trường thật sự.
Ở một trong những quốc gia giàu có nhất và hiện đại nhất thế giới, “tôi đã đương đầu với nhiệm vụ thách thức nhất trong sự nghiệp của mình”, nhà báo kỳ cựu của hãng tin AP Todd Pitman viết. Đó là một thảm họa tam trùng: sau trận động đất vào loại mạnh nhất lịch sử hành tình kèm theo sóng thần làm hơn 20.000 người thiệt mạng và hủy hoại một vùng bờ biển rộng lớn phía đông bắc nước Nhật là cuộc khủng hoảng hạt nhân đến bây giờ vẫn chưa kết thúc.
Những cảnh tượng u ám được Pitman so sánh với thời Thế chiến thứ hai, hay Lebanon năm 2006, khi những tên lửa của Israel tàn phá nhiều làng mạc và gây ra đợt di tản lớn nhất ở Trung Đông trong nhiều năm. “Khi tôi bước xuống máy bay ở Tokyo sau trận động đất, sân bay Narita hoàn toàn im lặng, những chiếc thang cuốn không hoạt động, các hành khách bị kẹt lại nằm trong những túi ngủ khắp nơi trong nhà ga”, Pitman mô tả.
Hành trình sau đó của ông cùng ba đồng nghiệp về vùng sóng thần gặp rất nhiều khó khăn. Hệ thống định vị bản đồ vệ tinh không hề biết rằng một số con đường đã không còn tồn tại, hoặc bị tắc nghẽn vì bùn đất, hoặc bị trận động đất dữ dội xé toang. Ông đã phải mất 14 giờ đồng hồ để đi quãng đường 300 km.
Ở một quốc gia công nghệ cao vào loại bậc nhất toàn cầu, nơi tổ chức những cuộc thi robot thế hệ mới nhất, cuộc khủng hoảng đã mang tới những hình ảnh khó tin: không điện đóm, không điện thoại, những hàng dài người đói và bị cô lập can đảm xếp hàng bên ngoài những cửa hàng tạp hóa cũng đã gần như trống rỗng để đợi thức ăn, những đám đông người mất nhà cửa vây quanh một đám lửa đốt lên bằng củi để sưởi ấm khi ngoài trời tuyết đang rơi, và những chiếc tàu đánh cá nằm trên nóc nhà.
Một chiếc tàu có trọng tải 175.000 tấn bị sóng thần đánh dạt lên bờ, đủ thấy sức tàn phá của sóng thần ghê gớm đến mức nào.
Hầu hết các thị trấn ven biển vùng đông bắc đã bị xóa sổ. Còn sâu trong đất liền, những nhà hàng, trung tâm mua sắm và giải trí, tiệm thuốc và các máy ATM, tất cả đều đóng cửa, vì mất điện. Mọi người phải tồn tại chủ yếu nhờ thức ăn đóng gói, đậu phộng, khoai tây chiên, khô mực, bánh mì và cà phê đóng hộp. Nhiên liệu là một vấn đề khác. Những hàng dài người cầm can ở các trạm xăng, có thể phải đợi đến 36 tiếng để mua theo hạn mức.
Tồi tệ hơn, cơn giận dữ của thiên nhiên chưa có vẻ gì đã kết thúc. Hầu như ngày nào sau trận động đất lớn cũng có những dư chấn xảy ra. Mối đe dọa tan chảy hạt nhân hoàn toàn ở nhà máy Fukushima Daiichi vẫn còn đó. Những người trực tiếp tham gia cuộc đua với thời gian hòng ngăn một thảm họa hạt nhân đã bị nhiễm xạ, còn các chính phủ nước ngoài đang hối thúc công dân rời khỏi Nhật Bản.
“Trải nghiệm này càng trở nên siêu thực khi AP cấp cho tôi một máy đo nồng độ phóng xạ cá nhân, một thiết bị giống như chiếc đèn pin dùng để kiểm soát mức phóng xạ xem có an toàn hay không, để bảo vệ tôi và các đồng nghiệp”, Pitman viết. Không còn chỗ nào để ở, Pitman cùng các cộng sự ngủ đêm luôn ở các trung tâm sơ tán, bên cạnh những gia đình mất nhà cửa, trên sàn gỗ của một sân bóng rổ trường học. “Khó mà không ấn tượng với sự tử tế của những người chúng tôi đã gặp dọc đường. Không đánh nhau, không la hét, chỉ có sự kiên nhẫn”, Pitman viết. Ông cùng các đồng nghiệp cũng được mời ăn súp đậu nành và cơm nắm, bởi những người giờ đã mất tất cả và còn chưa biết họ có bao giờ về được nhà hay không.
“Vẻ ngoài, có vẻ như ít cảm xúc, quá nhiều sự khắc kỷ, nhưng sự mất mát có thể thấy ở mọi nơi”, Pitman viết. “Tại Ishinoseke, một người đàn ông đã không gặp vợ từ trước trận sóng thần, nhưng khẳng định rằng vợ ông phải còn sống. Sau khi không thể tìm thấy bà ở bảy trung tâm sơ tán khác nhau, ông bắt đầu cuộc tìm kiếm tuyệt vọng ở những sân tập thể thao đã được biến thành nhà xác, nơi thi thể của 300 nạn nhân sóng thần được phủ kín bằng những tấm bạt xanh chờ được xác minh”.
Tại một nhà trung tâm sơ tán khác ở Shizugawa, Pitman thấy một ông cụ nói với những người sống sót rằng những ai mất tích có nghĩa là chưa chết. “Liệu đó là chối bỏ sự thật hay hy vọng thật sự, tôi cũng không biết”, Pitman viết./.