Thẩm phán Mỹ mở rộng danh sách "thoát" sắc lệnh hạn chế nhập cảnh

Thẩm phán liên bang ở Hawaii khẳng định chính phủ không được áp dụng sắc lệnh hạn chế nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump đối với nhóm đối tượng có quan hệ huyết thống.
Thẩm phán Mỹ mở rộng danh sách "thoát" sắc lệnh hạn chế nhập cảnh ảnh 1Hành khách đến từ Trung Đông tại Sân bay Quốc tế Los Angeles, Mỹ ngày 29/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 13/7, thẩm phán liên bang Derrick Watson ở Hawaii (Mỹ) đã ra phán quyết khẳng định chính phủ không được áp dụng sắc lệnh hạn chế nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump đối với nhóm đối tượng có quan hệ huyết thống, chẳng hạn như ông/bà, cô/dì, chú/bác với các công dân Mỹ.

Trước đó, bang Hawaii đã đệ trình một đề nghị khẩn cấp yêu cầu thẩm phán Watson làm rõ phán quyết của Tòa án Tối cao hôm 26/6, theo đó cho phép triển khai một phần sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump.

Một trong những nội dung của sắc lệnh mà tòa cho phép triển khai bao gồm việc đình chỉ nhập cảnh Mỹ lần lượt 90 ngày và 120 ngày đối với những cá nhân đến từ sáu quốc gia có đa số người Hồi giáo sinh sống và những người tị nạn trên thế giới không chứng minh được có "quan hệ thân thích thực sự" và "quan hệ có thật" với các cá nhân hay thực thể ở Mỹ.

Phía chính phủ diễn giải mối quan hệ này chỉ bao gồm các thành viên trong "gia đình hạt nhân" như cha/mẹ, chồng/vợ, anh/chị/em ruột, con đẻ, con dâu/con rể. Các mối quan hệ như ông/bà, cháu, cô/dì, chú/bác, anh/chị/em không được coi là mối quan hệ thân thích và do đó vẫn nằm trong diện bị cấm nhập cảnh.

Trong khi đó, bang Hawaii cho rằng định nghĩa của chính phủ về mối quan hệ "thân thích thực sự" là quá hẹp.

[Chính quyền Mỹ bảo vệ cách diễn giải sắc lệnh hạn chế nhập cảnh]

Trong phán quyết của mình, Thẩm phán Watson chỉ trích định nghĩa của chính phủ trái với đạo lý thông thường, đồng thời nêu rõ các mối quan hệ ông/bà hay cô/dì/chú/bác là quan hệ gia đình thân thích. Do đó, chính phủ không thể áp dụng sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với những nhóm đối tượng này.

Ngoài ra, thẩm phán Watson cũng tán thành những lập luận của phía bang Hawaii và các tổ chức tị nạn, khi cho rằng sự bảo đảm của các tổ chức tái định cư ở Mỹ trong việc cung cấp các dịch vụ cơ bản cho những người tị nạn mới đến nước này cũng cấu thành một mối liên hệ hợp lý giữa các thực thể Mỹ và người tị nạn.

Trước đó, chính phủ Mỹ loại trừ mối quan hệ giữa người tị nạn và các tổ chức tái định cư Mỹ trong tiêu chuẩn "quan hệ có thật," cho rằng những người lao động có thư mời làm việc của một công ty Mỹ và các sinh viên quốc tế về cơ bản khác với những người tị nạn nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức tái định cư Mỹ.

Sắc lệnh hạn chế nhập cảnh được Tổng thống Trump ký hôm 6/3 cấm công dân sáu nước có người Hồi giáo chiếm đa số gồm Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày và đình chỉ việc cho phép người tị nạn vào Mỹ trong vòng 120 ngày.

Sắc lệnh này được đánh giá là có nhiều điều chỉnh "mềm mỏng" hơn so với sắc lệnh trước đó công bố hồi cuối tháng Một. Tuy nhiên, giới chức tư pháp các bang của Mỹ cho rằng dù phạm vi đối tượng áp dụng theo sắc lệnh mới đã thu hẹp, nhưng về cơ bản văn kiện này vẫn là một thách thức đối với nền tảng Hiến pháp khi có sự phân biệt đối với một tôn giáo. Nhiều tòa án tại Mỹ đã liên tiếp ra phán quyết ngăn chặn việc triển khai sắc lệnh trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục