Tham vấn chuyên gia về sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên 2005

Sáng 30/7, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên gia về việc sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên 2005.
Tham vấn chuyên gia về sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên 2005 ảnh 1Thanh niên tình nguyện tham gia tiếp sức mùa thi. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Sáng 30/7, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên gia về việc sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên 2005.

Khai mạc Hội thảo, Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Nguyễn Long Hải cho biết qua 9 năm thi hành Luật Thanh niên, đã bộc lộ những bất cập, thiếu tính khả thi về quyền và nghĩa vụ của thanh niên, các hành vi bị nghiêm cấm ...

Hơn nữa, Hiến pháp năm 2013 đã có những quy định mới về thanh niên, về quyền và nghĩa vụ công dân; đồng thời nhiều quy định của pháp luật về lao động, giáo dục, nghĩa vụ quân sự, hình sự có liên quan nhiều đến thanh niên đã sửa đổi, bổ sung.

Vì vậy, Luật Thanh niên cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ những bất cập đang hạn chế đến hiệu quả thi hành Luật. Việc sửa đổi này cũng nhằm thể chế hóa Hiến pháp 2013 và bổ sung, điều chỉnh các quy định để phù hợp, thống nhất với các luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam ...

Bàn về dộ tuổi của thanh niên, tiến sỹ Đỗ Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên cho rằng quy định độ tuổi thanh niên từ 16-30 tuổi là phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển về tâm sinh lý, xã hội, văn hóa của các nhóm tuổi thanh niên.

​Tiến sỹ Hà phân tích, hiện nay do gia tốc của sự phát triển mà giới hạn của tuổi thiếu niên được hạ thấp và tương ứng với nó tuổi thanh niên cũng được bắt đầu sớm hơn.

Tuy nhiên, theo tiến sỹ Hà, nội dung cụ thể của thời kỳ phát triển này được quyết định không đơn giản chỉ bởi tuổi, mà trước hết là những điều kiện xã hội như vị trí của thanh niên trong xã hội, khối lượng tri thức... Vì vậy, việc xem xét phạm trù thanh niên không đơn thuần dừng lại ở các yếu tố độ tuổi, đặc điểm tâm sinh lý mà quan trọng là phải xét thanh niên ở tính chất xã hội từ mối quan hệ xã hội mà nó làm chủ thể, chịu sự tác động và chi phối của các quan hệ xã hội...

​Giáo sư-tiến sỹ Trần Ngọc Đường, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng các quyền về kinh tế-xã hội mà Luật Thanh niên hiện hành chưa thể chế, cần được bổ sung trong dự án Luật Thanh niên đang soạn thảo. Đó là quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường, quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc, quyền tự do, kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm...

Các quyền và nghĩa vụ này là quyền kinh tế-xã hội có ý nghĩa thiết thực với mọi người, đặc biệt là thanh niên, vì vậy cần phải được thể chế để định hướng cho thanh niên sử dụng ngay khi còn trẻ...

Tại hội thảo, ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung làm sáng tỏ các vấn đề về quan điểm, hướng tiếp cận sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên; Bố cục của dự thảo Luật thanh niên (sửa đổi); Độ tuổi của thanh niên; quyền và nghĩa vụ của thanh niên; quản lý nhà nước về công tác thanh niên; cơ chế nhà nước về công tác thanh niên...

Các ý kiến từ hội thảo là cơ sở quan trọng để Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam tổng hợp nghiên cứu, phối hợp với Bộ Nội vụ để đề xuất với các cơ quan liên quan vào báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên 2005./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục