Điều hành tiền tệ thận trọng và linh hoạt

Thận trọng, linh hoạt trong điều hành tiền tệ năm 2014

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến về điều hành chính sách tiền tê.
Thận trọng, linh hoạt trong điều hành tiền tệ năm 2014 ảnh 1(Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)

Sắp kết thúc năm tài chính 2013, câu chuyện điều hành chính sách tiền tệ luôn nóng với những kết quả đã đạt được và mục tiêu, chiến lược cho năm mới.

Xung quanh câu chuyện này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến.

- Chính sách tiền tệ trong thời gian qua có vai trò dẫn dắt như thế nào đối với nền kinh tế, thưa Phó Thống đốc?

Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến: Có thể nói, chính sách tiền tệ là một trong những chính sách kinh tế vĩ mô và trong điều hành chính sách này, nếu không đưa ra được những thông điệp, cũng như không có những giải pháp để thực hiện một cách nhất quán, linh hoạt, kiên quyết các mục tiêu đó thì sẽ không đem lại kết quả. Chúng tôi nhận thấy trên một số khía cạnh, những chính sách của Ngân hàng Nhà nước, những thông điệp của chính sách đưa ra đều được thực hiện có kết quả và đem lại lòng tin nhất định.

Chẳng hạn như về lãi suất, trước đây chúng ta ở những thời kỳ lãi suất cho vay và huy động rất cao. Năm 2011, lãi suất cho vay trên 20%, thì ngay thời điểm đó Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu đến hết năm 2011 phải đưa lãi suất cho vay về mức 17-19%. Năm 2012, Ngân hàng Nhà nước cũng đặt mục tiêu đưa lãi suất về xoay quanh mức lạm phát và năm 2013 cũng vậy.

Với những định hướng và những giải pháp cụ thể trong điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, việc điều chỉnh các mức lãi suất, đưa ra các quy định về lãi suất tiền gửi, lãi suất tiền vay chúng tôi đã đạt được mục tiêu này.

Một vấn đề nữa là chính sách về tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra một thông điệp rõ ràng, điều hành linh hoạt nhưng theo xu hướng ổn định để góp phần kiểm soát lạm phát, khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, đồng thời tăng được dự trữ ngoại hối.

Để làm được điều đó, Ngân hàng Nhà nước đã kiên quyết thực hiện các giải pháp đề ra đồng thời điều hành linh hoạt trong mua bán, can thiệp thị trường ngoại tệ. Đặc biệt kể cả khi thị trường có những thông tin, những nhận định có xu hướng trái chiều hoặc bất lợi, tác động đến điều hành chính sách tỷ giá thì Ngân hàng Nhà nước vẫn điều hành một cách linh hoạt trong việc điều tiết thị trường, kết hợp những giải pháp về thông tin tuyên truyền và điều đó cũng đã đem lại kết quả.

Chúng ta thấy tỷ giá trong 2 năm vừa qua tương đối ổn định, dự trữ ngoại hối tăng lên rất nhiều, thị trường ngoại hối đã ngày càng ổn định và hoạt động của các ngân hàng cũng ổn định.

Bên cạnh đó, những công cụ khác như điều hành về vốn khả dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra những chủ trương điều hành, trong đó điều tiết thông qua các nghiệp vụ thị trường tiền tệ và thu, rút tiền, điều hành việc cung ứng tiền một cách phù hợp và đem lại những kết quả trong việc ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo thanh khoản cũng như kiểm soát lạm phát.

Chúng tôi cho rằng đó là những yếu tố tích cực thể hiện quá trình điều hành thận trọng, linh hoạt, phù hợp với định hướng mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã đề ra.

- Tỷ giá ổn định được đánh giá là thành công nổi bật trong điều hành chính sách tiền tệ 2 năm qua. Vậy theo Phó Thống đốc, chính sách điều hành tỷ giá sẽ được thực hiện như thế nào trong năm 2014?

Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến: Chính sách tỷ giá là một bộ phận của chính sách tiền tệ, do vậy, điều hành chính sách tỷ giá phải gắn với điều hành chính sách tiền tệ và các công cụ chính sách tiền tệ khác. Đồng thời, chính sách về điều hành tỷ giá luôn phải phù hợp với bối cảnh trong và ngoài nước.

Trong thời gian tới, chính sách về tỷ giá cần được thực hiện nhất quán, đó là ổn định tỷ giá, thực hiện linh hoạt các biện pháp đối với thị trường ngoại hối, tích cực nâng cao dự trữ ngoại hối, giảm dần tình trạng đôla hóa cũng như vàng hóa nền kinh tế và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.

Với mục tiêu mà Quốc hội cũng như Chính phủ đề ra cho năm 2014, chúng ta thấy tăng trưởng kinh tế đã đạt mục tiêu phù hợp khoảng 5,8%, lạm phát sẽ kiểm soát ở mức 7%. Với điều kiện kinh tế trong nước và thế giới như vậy, tôi cho rằng chính sách tỷ giá cơ bản sẽ được điều hành một cách ổn định như trong thời gian vừa qua.


- Trước những áp lực mà ngành ngân hàng đang phải đối mặt, thưa Phó Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng trong điều hành chính sách tiền tệ của năm 2014 như thế nào?

Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến: Áp lực đối với ngành ngân hàng trong nhiều năm qua luôn luôn lớn. Trước hết, hoạt động ngân hàng có liên quan đến đời sống kinh tế, đời sống xã hội của doanh nghiệp, của người dân và nó là một bộ phận của chính sách kinh tế vĩ mô.

Nhưng trong bối cảnh mà nền kinh tế có rất nhiều khó khăn, chúng ta đang phải thực hiện những công việc như tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì chính sách tiền tệ càng được đặt ra như những nhiệm vụ nặng nề trong đó có cả những kỳ vọng quá mức về việc sử dụng chính sách tiền tệ gần như có thể thay thế cho những chính sách khác về kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã xây dựng và thông qua đề án tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có ba lĩnh vực then chốt là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

Đến nay, đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng là đề án được thông qua đầu tiên và cũng là đề án được triển khai sớm đồng thời mang lại những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, các lĩnh vực khác cần phải tái cơ cấu như đã đặt ra nếu không thực hiện đồng bộ thì cũng sẽ là khó khăn cho ngành ngân hàng.

Trong bối cảnh đó, ngân sách nhà nước cũng có những khó khăn và điều này sẽ tác động lên chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp luôn luôn cao nhưng lại rất trái chiều ở chỗ người dân thì mong muốn gửi tiền vào ngân hàng phải có lãi suất thỏa đáng còn doanh nghiệp muốn đi vay ngân hàng cũng với lãi suất thỏa đáng.

Các mục tiêu vĩ mô đôi khi cũng có tính chất trái ngược nhau. Ví dụ, chúng ta muốn ổn định vĩ mô thì khó đạt được mức tăng trưởng cao, hoặc muốn kiểm soát lạm phát thì cũng không thể đạt tăng trưởng tín dụng cao hay tín dụng nền kinh tế cao.

Tất cả những cái đó là những áp lực trong điều hành chính sách tiền tệ. Vì vậy, điều hành chính sách tiền tệ luôn đòi hỏi cách điều hành thận trọng, linh hoạt, bám sát diễn biến kinh tế thị trường, cũng như bám sát chủ trương của Quốc hội và Chính phủ.

Đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu trong điều hành chính sách tiền tệ vẫn phải tiếp tục thận trọng, linh hoạt, kiểm soát lạm phát, góp phẩn ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu cho năm 2014, trong đó tổng phương tiện thanh toán tăng từ 16-18%, tín dụng tăng trưởng từ 12-14%.

Lãi suất sẽ điều hành ở mức hợp lý và bám sát diễn biến lạm phát, lạm phát hiện nay khoảng trên 6%, lãi suất tiền gửi 6 tháng hiện nay đang là 7%, có nghĩa là đảm bảo lãi suất thực dương, còn các mức lãi suất cho vay cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, những biện pháp cơ cấu lại tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu cũng là những giải pháp sẽ đem lại sự lành mạnh và hiệu quả cho hoạt động ngân hàng.

- Xin cảm ơn Phó Thống đốc!

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục