Ngày 13/10, Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố số liệu cho thấy thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong tháng Chín vừa qua tăng lên 28,08 tỷ USD so với 26,23 tỷ USD của tháng Tám.
Đây là mức thặng dư lớn nhất của Trung Quốc với Mỹ trong một tháng đơn lẻ tính từ năm 2008.
Theo thống kê, tổng thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong chín tháng đầu năm là 195,54 tỷ USD. Các số liệu này có thể sẽ tiếp thêm sức mạnh cho những lập luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người lâu nay vẫn phàn nàn về tình trạng mất cân bằng thương mại giữa hai nước khiến nền kinh tế Mỹ bị tổn hại.
Trong khi đó, trong tám tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch nhập khẩu dịch vụ của Trung Quốc tiếp tục lớn hơn tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ do nhu cầu trong nước tăng cao.
[Trung Quốc hối thúc Mỹ thay đổi các chính sách xuất khẩu]
Ngày 13/10, phóng viên TTXVN Bắc Kinh dẫn thông tin từ Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) cho biết trong giai đoạn này, tổng kim ngạch nhập khẩu dịch vụ của Trung Quốc là 2.130 tỷ nhân dân tệ (hơn 320 tỷ USD), tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xuất khẩu dịch vụ chỉ đạt 926,69 tỷ nhân dân tệ, đạt tốc độ tăng trưởng tương đối khiêm tốn ở mức 4,4%. Như vậy, tính gộp tám tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã thâm hụt 1.200 tỷ nhân dân tệ trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo MOC, những khu vực dịch vụ có lượng “nhập siêu” lớn nhất là du lịch, giao thông vận tải và các khu vực truyền thống khác. Trái lại, cán cân xuất nhập khẩu ở những ngành nghề dịch vụ mới nổi như công nghệ Internet lại khá cân bằng. Kim ngạch xuất khẩu của nhóm ngành này tăng 8,5% lên 458,23 tỷ nhân dân tệ, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trung Quốc thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thâm hụt cán cân thương mại dịch vụ bởi lĩnh vực dịch vụ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có sức cạnh tranh thấp hơn so với nhiều nền kinh tế khác trên thế giới.
Nhằm tạo dựng thêm những động lực tăng trưởng kinh tế mới, Chính phủ Trung Quốc thời gian qua đã và đang tích cực đầu tư lớn cho lĩnh vực dịch vụ và triển khai nhiều giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh của lĩnh vực này, trong đó có chính sách mở cửa từng bước đối với các thị trường tài chính, giáo dục, văn hoá và y tế./.