Thanh Hóa: Làng nghề bánh nhãn Hồi Xuân gia tăng sản xuất phục vụ Tết

Các loại bánh nhãn, kẹo nhãn Hồi Xuân, Thanh Hóa, chất lượng thơm ngon và luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên được nhiều người ưa chuộng, giúp nhiều người dân vùng cao có việc làm ổn định.
Thanh Hóa: Làng nghề bánh nhãn Hồi Xuân gia tăng sản xuất phục vụ Tết ảnh 1Sản phẩm bánh nhãn Hồi Xuân. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)

Tết Nguyên đán 2023 đang tới gần, nhiều hộ dân sống tại làng nghề bánh nhãn Hồi Xuân, huyện miền núi Quan Hóa và làng nghề kẹo nhãn huyện vùng cao Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa đang gia tăng sản xuất để có đủ hàng bán cho người dùng.

Bánh nhãn Hồi Xuân đã có từ lâu. Vào những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ 20, người dân huyện miền núi Quan Hóa (Thanh Hóa) đã làm ra loại bánh nhỏ nhỏ, xinh xinh giống hạt nhãn và được gọi tên là bánh nhãn để sử dụng mỗi khi Tết đến, Xuân về.

Bánh nhãn Hồi Xuân được làm từ gạo nếp nghiền thành bột trộn với trứng gà, nặn thành viên nhỏ rồi chiên nóng trong chảo dầu thực vật. Sau đó, bánh nhãn được vợt ra rổ có giấy thấm dầu, để nguội, đóng gói, bán ra thị trường.

Bánh nhãn Hồi Xuân có màu vàng nhẹ, thơm ngon và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên được nhiều người ưa chuộng. Nghề làm bánh nhãn đang giúp nhiều người dân có việc làm ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo tại vùng cao.

Để làm ra sản phẩm bánh nhãn này, người làm phải thật kiên trì bởi những công đoạn cho ra thành phẩm hoàn toàn bằng hình thức thủ công, chỉ có khâu nghiền bột được làm bằng máy. Hơn nữa việc chọn nguyên liệu phải thật kỹ lưỡng thì bánh mới ngon và giữ được hương vị đặc trưng.

Khi bắt đầu làm bánh, người làm cần chọn gạo nếp trắng, trứng gà và trộn vào nhau, sau đó nặn thành những hạt nhỏ giống hạt nhãn rồi cho vào từng chiếc mâm nhôm ăn cơm, sau đó cho vào chảo dầu nóng để chiên. Khi chiên phải đảo đều liên tục tránh bánh bị cháy. Sau khi bánh chín vàng đều, phải vớt bánh ra rổ có giấy thấm dầu và để thật nguội rồi mới đóng gói, bảo quản.

Theo thống kê, huyện Quan Hóa có khoảng 100 hộ dân làm bánh nhãn Hồi Xuân, sản phẩm đã được cung ứng ra thị trường trong tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh thành khác như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An…

[Quảng Trị: Làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh tất bật vào vụ Tết]

Còn tại huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa), từ lâu kẹo nhãn được xem là một trong những sản phẩm ẩm thực độc đáo của người dân. Nhờ độ giòn, hương vị thơm ngon, béo ngậy và giàu dinh dưỡng nên sản phẩm kẹo nhãn Lang Chánh đã trở thành đặc sản được khách hàng ưa chuộng.

Với nguyên liệu địa phương đảm bảo ngon và sạch, bột làm bánh được làm từ nếp nương, nếp cái hoa vàng được làm sạch, ngâm với nước một thời gian khi nào gạo nở tỏa ra mùi hương thơm phức thì nghiền thành bột, bột được trộn với vừng, trứng gà tạo thành một hỗn hợp mịn. Từ xưa mọi công đoạn từ việc lựa chọn nguyên liệu, sơ chế đến sản xuất, đóng gói đều được lựa chon một cách chu đáo tỉ mỉ để đảm bảo chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thanh Hóa: Làng nghề bánh nhãn Hồi Xuân gia tăng sản xuất phục vụ Tết ảnh 2Kẹo nhãn Châu Lang, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)

Với cách làm sáng tạo, thông minh, với bàn tay khéo léo của những người thợ đã tạo ra những viên kẹo tròn đều, không dính nhau, được chiên giòn bởi mỡ lợn, khi kẹo có màu vàng tỏa ra mùi thơm ngậy lúc đấy những viên kẹo tròn vàng óng được vợt ra, bao đường, để nguội và đóng gói. Chính vì những bí quyết, nguyên liệu, cách chiên, đóng gói bảo quản một cách khoa học, kẹo nhãn Lang Chánh trở thành sản phẩm thương hiệu nức tiếng gần xa.

Để đặc sản quê hương được nhiều người biết đến, trở thành sản phẩm truyền thống, Ủy ban Nhân dân huyện đã đưa ra nhiều cơ chế chính sách để cho sản phẩm phát triển, với quy mô lớn, có mặt trên thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Huyện đã tạo điều kiện, khuyến khích các hộ sản xuất đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành để đủ sức cạnh tranh thị trường.

Hiện nay, các làng nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn đang tập trung sản xuất để bán trong dịp Tết. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các ban, ngành, lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, làng nghề về thực phẩm. Qua đó, giúp người dân được sử dụng nguồn hàng an toàn, đảm bảo sức khỏe để đón Tết an khang, thịnh vượng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục