Thanh Hóa: Nông dân không mặn mà với đồng ruộng

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa, vào lúc cao điểm trên toàn tỉnh có 1.037 hộ dân bỏ ruộng.
Những năm gần đây tình trạng người dân không còn mặn mà với đồng đất xuất hiện ngày một nhiều tại tỉnh Thanh Hóa.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa, vào lúc cao điểm trên toàn tỉnh có 1.037 hộ dân bỏ ruộng với diện tích lên tới 67ha. Trước thực trạng này, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đang tích cực tìm các giải pháp tháo gỡ.

Một trong nhiều nguyên nhân được người dân đưa ra là thu nhập từ đồng ruộng thấp, không hấp dẫn bằng việc đi làm thuê cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn hoặc đi làm xa.

Xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc những năm qua nổi lên với nghề rèn truyền thống. Sự năng động trong sản xuất kinh doanh của người dân đã góp phần thúc đẩy nghề này phát triển mạnh mẽ. Cùng với đó, từ năm 2010, nhà máy may Ivory Thanh Hóa đi vào hoạt động trên địa bàn đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.

Xã Tiến Lộc có 428,4ha đất sản xuất nông nghiệp thì có tới 41,1ha bị bỏ hoang, không trồng trọt trong nhiều vụ. Tiến Lộc cũng là địa phương có diện tích ruộng bỏ hoang nhiều nhất tỉnh.

Ông Hoàng Văn Đồng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tiến Lộc cho biết, tình trạng người dân bỏ ruộng diễn ra từ năm 2010 với diện tích 5,7ha của 150 hộ dân, đến đầu năm 2013 thì có tới 747 hộ dân không còn thiết tha với đồng ruộng. Nguyên nhân được xã Tiến Lộc đưa ra là lao động trong nghề nông phần lớn là những lao động chính trong các hộ nêu trên, khi có công việc và nguồn thu nhập khác cao hơn thì ắt họ sẽ tìm đến các công việc khác.

Ông Kiều Văn Sinh, chủ cơ sở rèn tại làng nghề truyền thống Tiến Lộc cho biết, hiện tại cơ sở thường xuyên thuê bốn lao động, đều là nam thanh niên với mức thu nhập 3 - 4 triệu đồng/tháng. Tuy công việc tại xưởng sản xuất vất vả, nặng nhọc nhưng họ vẫn chấp nhận làm bởi mức thu nhập như vậy ở khu vực nông thôn là tương đối cao.

Trong khu sản xuất tập trung của xã hiện có tới 60 hộ tham gia, bình quân mỗi cơ sở có 4-5 lao động, lúc cao điểm lên đến 10 lao động/cơ sở. Số lao động đến làm thuê tại đây lúc cao điểm lên đến 300 người.

Anh Kiều Văn Tú, 27 tuổi, trú tại làng Ngọ, xã Tiến Lộc, một trong những thợ chính của cơ sở sản xuất cho biết, gia đình anh có năm sào ruộng đã bỏ không cách đây ba năm, kể từ khi anh vào làm việc cho cơ sở sản xuất Kiều Văn Sinh.

Bố mẹ anh Tú cũng đi làm nghề cơ khí tại tỉnh Nghệ An đã hơn 10 năm nay. Gia đình anh Tú neo người, những lao động chính đều đi làm công việc khác nên diện tích ruộng của gia đình đang bỏ hoang. Anh Tú còn cho rằng, làm ruộng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết, sâu bệnh..., mặc dù những vụ gần đây năng suất lúa có tăng hơn, nhưng chi phí sản xuất đầu vào như giống, phân bón, vật tư đều tăng, trong khi đó giá nông sản lại thấp nên không thu hút được lao động.

Theo bà Nguyễn Thị Liên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hậu Lộc, hiện tượng người dân bỏ ruộng xuất hiện tại 11 xã trên địa bàn huyện, nhưng tập trung chủ yếu ở làng Ngọ và làng Sơn, xã Tiến Lộc.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Lộc đã phối hợp với chính quyền các xã rà soát, thống kê diện tích ruộng bị bỏ hoang, từ đó tuyên truyền, vận động người dân quay lại với đồng ruộng. Bên cạnh đó, Phòng đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc cấp giống cho người dân gieo cấy.

Xã Tiến Lộc cũng tiến hành dồn đổi ruộng đất, quy hoạch lại đất nông nghiệp, sắp xếp cho các hộ có nhu cầu quay trở lại tiếp tục sản xuất thành vùng. Ngoài ra, xã còn cho người dân ở các xã giáp ranh thuộc Lộc Sơn, Thành Lộc mượn ruộng, hỗ trợ thêm công cày bừa để thuận lợi hơn trong việc gieo cấy. Với những động thái tích cực trên, hiện nay diện tích ruộng được gieo cấy trở lại tại Tiến Lộc đạt 23ha, diện tích còn lại trên 18ha trong số ruộng bị bỏ hoang trước đây chưa có người gieo cấy do nằm trong khu vực xa khu dân cư, giao thông không thuận tiện, điều kiện canh tác khó khăn.

Hiện Thanh Hóa có 14 xã xuất hiện tình trạng nông dân bỏ ruộng, tập trung chủ yếu ở huyện Hậu Lộc (11 xã), Tĩnh Gia (3 xã) và Quảng Xương (1 xã). Rõ ràng, việc người dân bỏ ruộng đi làm công việc khác cho thu nhập cao hơn nếu đứng trên phương diện giải quyết bài toán kinh tế hộ gia đình là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, xét rộng hơn thì vấn đề này đang kéo theo một hệ lụy dẫn đến bất ổn trong nông nghiệp, nông thôn, gây lãng phí quỹ đất sản xuất.

Một nguyên nhân khác được chỉ ra là do điều kiện sản xuất quá khó khăn, như ở huyện Tĩnh Gia khó khăn về thủy lợi, sản xuất trông chờ vào nước mưa, đất lại xấu, năng suất vụ mùa bấp bênh; tại một số địa phương khác do đất đã được chuyển đổi mục đích sử dụng, nhưng chủ đầu tư chưa triển khai các dự án...

Trước vấn đề trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã tích cực chỉ đạo các địa phương dồn đổi ruộng đất, lập quy hoạch lại diện tích đất nông nghiệp, sắp xếp cho các hộ có nhu cầu quay trở lại tiếp tục sản xuất thành vùng, lập phương án chuyển đổi quy vùng cho các mô hình kinh tế trang trại hoặc cho các công ty thuê lại đất. Bên cạnh đó, Sở cũng đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân về điều kiện sản xuất để động viên người dân quay lại với đồng ruộng./.

Đức Phương - Duy Hưng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục