Thành lập Ban chỉ đạo về phân vùng rủi ro thiên tai, cảnh báo sớm sạt lở đất đá

Ban chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện các nhiệm vụ về phân vùng rủi ro thiên tai, cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ quét, do Thứ trưởng Lê Công Thành làm trưởng ban.

Điểm sạt lở nghiêm trọng xảy ra ở ven đường đèo Ô Quy Hồ đoạn thuộc địa phận tỉnh Lai Châu trong năm 2023. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Điểm sạt lở nghiêm trọng xảy ra ở ven đường đèo Ô Quy Hồ đoạn thuộc địa phận tỉnh Lai Châu trong năm 2023. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh vừa ký, ban hành Quyết định số 693/QĐ-BTNMT về việc thành lập Ban chỉ đạo và Cơ quan thường trực chung thực hiện các nhiệm vụ về phân vùng rủi ro thiên tai, cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét.

Theo quyết định trên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành được phân công làm trưởng ban ban chỉ đạo. Phó trưởng bản ban chỉ đạo là Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (cơ quan thường trực).

Ban chỉ đạo có 13 thành viên là đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, bao gồm: Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Khoa học và Công nghệ; Tổng cục Khí tượng Thủy văn; Cục Quản lý Tài nguyên Nước; Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; Cục Địa chất Việt Nam; Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường; Cục Biến đổi khí hậu; Cục Viễn thám quốc gia; Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu; Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản; Vụ Quản lý dự báo Khí tượng Thủy văn; Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Ban chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan thường trực là Tổng cục Khí tượng Thủy văn xây dựng kế hoạch thực hiện “Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn” (gọi tắt là chương trình 705); và Đề án “Cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi trung du Việt Nam” (đề án cảnh báo sớm) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngoài ra, ban chỉ đạo theo dõi tiến độ thực hiện, kịp thời xử lý, đề xuất xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình 705 và đề án cảnh báo sớm. Khi có vấn đề phát sinh, ban chỉ đạo tổ chức họp để bàn hướng giải quyết; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc có liên quan hỗ trợ nguồn lực để giúp các đơn vị thực hiện nhiệm vụ được giao...

Cơ quan thường trực chịu sự chỉ đạo trực tiếp của trưởng ban ban chỉ đạo; làm đầu mối phối hợp giữa các thành viên của ban chỉ đạo và giữa ban chỉ đạo với các cơ quan, đơn vị, cá nhân để thực hiện chương trình 705 và đề án cảnh báo sớm; đề xuất thành lập các tổ công tác giúp ban chỉ đạo rà soát, thống nhất nội dung thuyết minh và nghiệm thu các nhiệm vụ thuộc chương trình 705 và đề án cảnh báo sớm.

Ban chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về phân vùng rủi ro thiên tai, cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét sẽ chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi chương trình 705 và đề án cảnh báo sớm hoàn thành./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục