Giảm thiểu rủi ro thiên tai sạt lở: Cần phải cảnh báo và hành động sớm

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh để giảm thiểu rủi ro thiên tai sạt lở, việc quan trọng là cần phải cảnh báo sớm và các địa phương phải có hành động sớm đối với các điểm xung yếu.

Cần cảnh báo sớm, hành động sớm đối với các điểm nguy cơ xung yếu. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Cần cảnh báo sớm, hành động sớm đối với các điểm nguy cơ xung yếu. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Đánh giá cao nội dung loạt bài “Thảm họa khốc liệt từ thiên tai, sạt lở đất đá: Còn phá, còn đau” vừa được Báo Điện tử VietnamPlus đăng tải, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh loạt bài đã làm rõ nguyên nhân dẫn tới các loại hình thiên tai nguy hiểm như sạt lở đất, lũ quét trên cả nước. Thời gian tới, cùng với công tác cảnh báo sớm, các địa phương cần phải hành động sớm đối với các điểm nguy cơ xung yếu; kiên quyết di dời các công trình, nhà ở khỏi các điểm được đánh giá "tổn thương" cao do thiên tai.

Phóng viên Báo Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Đức Cường xoay quanh nội dung đáng chú ý trên.

Phản ánh toàn diện từ thực trạng tới giải pháp

- Thưa ông, sau khi theo dõi loạt bài “Thảm họa khốc liệt từ thiên tai, sạt lở đất đá: Còn phá, còn đau,” ông đánh giá thế nào?

Ông Hoàng Đức Cường: Theo sự phân công của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tôi đã đọc và rất ấn tượng với loạt bài về thiên tai sạt lở đất đá được Báo Điện tử VietnamPlus đăng tải. Loạt bài đã phản ánh rất toàn diện các vấn đề liên quan đến tác động của thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở Việt Nam trong thời gian qua; đặc biệt là phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, trực tiếp, gián tiếp đến các giải pháp chung, giải pháp riêng.

Từ đây có thể nói rằng để hạn chế tác động và rủi ro do thiên tai nói chung và lũ quét, sạt lở đất nói riêng không phải là trách nhiệm của riêng ai, mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tôi cho rằng chỉ thực hiện cảnh báo sớm không thì chưa đủ, mà cần phải có hành động sớm, trong đó phải thường xuyên rà soát các điểm nguy cơ, xung yếu và chính quyền địa phương cần kiên quyết di dời các công trình, nhà ở khỏi các điểm được đánh giá là "tổn thương" cao do lũ quét, sạt lở đất.

- Từ phương diện cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu, ông có thể thông tin rõ hơn về tình hình thiên tai cũng như mức độ ảnh hưởng của thiên tai, sạt lở trong những năm gần đây?

Ông Hoàng Đức Cường: Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Hàng năm thiên tai thường xuyên diễn ra trên khắp các vùng miền cả nước với xu thế ngày càng gia tăng và khốc liệt. Với 22 loại hình thiên tai đã được luật hóa thì bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất là những thiên tai gây thiệt hại lớn nhất.

Thống kê trong 10 năm qua (từ 2013-2022), trung bình mỗi năm thiên tai làm trên 220 người chết, mất tích, thiệt hại kinh tế khoảng trên 23.000 tỷ đồng.

Riêng lũ quét, sạt lở đất, đây là loại hình thiên tai xảy ra thường xuyên tại các tỉnh miền núi, gây thiệt hại nghiêm trọng nhất về người và tài sản của nhân dân. Thống kê cho thấy từ năm 2000 đến năm 2022, trên cả nước đã xảy ra hơn 446 trận lũ quét, sạt lở đất, làm chết và mất tích 1.129 người; phạm vi và mức độ thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra ngày càng gia tăng.

Bên cạnh đó, sạt lở bờ sông, bờ biển cũng đã và đang diễn ra rất phức tạp trên phạm vi cả nước và có xu thế ngày càng gia tăng cả về tần suất, phạm vi, mức độ nguy hiểm. Cả nước hiện có 2.358 điểm bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài trên 3.133 km, trong đó có 206 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 427km.

Về nguyên nhân gây ra lũ quét, sạt lở đất, chúng tôi đồng tình với các nội dung như Báo Điện tử VietnamPlus đã đề cập rất đầy đủ trong loạt bài. Trong đó các chuyên gia địa chất đã nhấn mạnh đến yếu tố tác động nhân sinh từ các hoạt động của con người như: Bạt núi để xây dựng công trình giao thông-dân dụng, khai thác-chặt phá rừng, khai thác mỏ, canh tác nông-lâm nghiệp,… đã làm thay đổi địa mạo, cấu trúc, làm mất ổn định mái dốc, giảm khả năng giữ nước là nguyên nhân gia tăng nguy cơ lũ quét, sạt lở.

ong nguyen duc cuong.jpg
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngoài ra, các trận mưa lớn kéo dài nhiều ngày, mưa lớn trong thời gian ngắn xuất hiện ngày càng nhiều cũng là yếu tố kích hoạt có thể làm tăng khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất nhiều nơi, nhất là ven các tuyến đường giao thông.

Cảnh báo sớm sạt lở, lũ quét khu vực miền núi

- Trước thực trạng trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã vào cuộc và đưa ra những giải pháp căn cơ gì để giảm thiệt thiệt hại về người và của do thiên tai (nhất là trượt/sạt lở đất đá) gây ra tại các địa phương trên cả nước, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Cường: Như tôi đề cập ở trên, hiện tượng sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét ở khu vực miền núi, trung du gây ra những thiệt hại rất lớn, đặc biệt là thiệt hại về tính mạng con người. Trong khoảng 5 năm gần đây, các thiên tai này xảy ra nhiều hơn. Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm vấn đề này.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hiện đại hóa mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn để nâng cao năng lực giám sát thiên tai trong bối cảnh thiên tai ngày càng phức tạp dưới tác động của biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” đảm bảo hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại, khả thi theo hướng tự động hóa cao. Quy hoạch đã có sự ưu tiên, tập trung trong việc quy hoạch mạng lưới trạm cho các vùng thường xuyên chịu tác động và rủi ro thiên tai do biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, ngành khí tượng thủy văn đang phát triển và hiện đại hóa công nghệ dự báo khí tượng thủy văn, nghiên cứu ứng dụng giải pháp công nghệ hiện đại trong dự báo, cảnh báo bão, mưa lớn, dông, lốc, sét, lũ, lũ quét, sạt lở đất; xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; xây dựng và thực hiện Quyết định số 1262/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam.”

Trong năm 2024, ngành khí tượng thủy văn sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ hóa việc thu nhận, xử lý, lưu trữ và truyền tin các loại số liệu đo đạc tự động (mưa, mực nước, các yếu tố khí tượng, thủy văn khác) với số liệu vệ tinh, rada thời tiết; đặc biệt chú trọng vào việc ứng dụng ước lượng mưa lớn từ radar, vệ tinh phân giải cao, mạng lưới quan trắc mưa tự động để cảnh báo chi tiết, dự báo nguy cơ tác động của mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất đến từng khu vực nhỏ, huyện, xã, vùng trọng điểm có nguy cơ cao.

Cũng trong năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ bắt đầu phối hợp với địa phương triển khai “Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam.” Đây là đề án lớn thực hiện trong 5 năm tới với kỳ vọng sẽ giải quyết được các vấn đề liên quan đến thiên tai lũ quét, sạt lở đất.

vnp_sat lo 3.PNG
Hiện trường vụ sạt lở đất đồi khiến 2 người tử nạn tại thôn Gốc Nhội, xã Yên Thái, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái vào hồi đầu tháng 10/2023. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Tuy nhiên để hạn chế rủi ro do lũ quét, sạt lở đất cần có các giải pháp, hành động tổng thể, thường xuyên với sự tham gia của các bộ ngành, địa phương.

Do vậy bên cạnh các giải pháp trên, trong thời gian tới, các địa phương cũng cần phải tăng cường hoạt động kiểm tra, đánh giá, rà soát, quản lý việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống tiêu thoát nước, khu hầm lò, khai thác mỏ, khu dân cư, khu vực ven sông, suối; đánh giá mức độ an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập trọng điểm, xung yếu để kịp thời ứng phó đối với tác động của thiên tai.

Sớm hoàn thành bản đồ phân vùng rủi ro sạt lở

- Theo giới chuyên gia, trong điều kiện kinh tế và biến đổi khí hậu hiện nay, các địa phương cần sâu sát hơn trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về “dấu hiệu nhận biết sạt lở đất và cách phòng tránh.” Vậy thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ làm gì để giúp cộng đồng, người dân nhận diện sớm sạt lở đất và chủ động phòng tránh?

Ông Hoàng Đức Cường: Những năm vừa qua, Việt Nam đã từng bước tăng cường đầu tư công nghệ để nâng cao hiệu quả dự báo, cảnh báo thiên tai. Được sự hỗ trợ của quốc tế, Tổng cục Khí tượng Thủy văn cũng đã tiếp nhận và vận hành Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét Đông Nam Á.

Trong năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn triển khai đồng bộ một số giải pháp nhằm tăng cường mức độ chi tiết các bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất như: Tăng cường độ phân giải dự báo mưa định lượng lên 1-3km, sử dụng đồng hóa nhiều nguồn dữ liệu tạo bản đồ mưa nhằm xác định khu vực xuất hiện các tâm mưa lớn phục vụ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; triển khai Hệ thống thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực cung cấp trực tuyến.

Tuy nhiên, theo tôi, cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất không chỉ dừng lại ở phát triển công nghệ và truyền thông về thiên tai, mà cần sự vào cuộc sâu, rộng hơn cũng như cần đầu tư bài bản hơn của tất cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương, cơ sở.

Trước những vấn đề cấp bách nêu trên, được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu và trình Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam.” Nội dung của quyết định bao trùm và cơ bản toàn diện các công việc cần phải thực hiện, có tính đồng bộ, xuyên suốt và thể hiện sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và người dân nhằm đáp ứng mục tiêu: Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý phục vụ triển khai nhiệm vụ liên quan đến phân vùng và cảnh báo sớm thiên tai sạt lở đất, lũ quét.

Đến năm 2025, đề án đặt ra mục tiêu Việt Nam sẽ hoàn thành bộ bản đồ phân vùng rủi ro sạt lở đất tỷ lệ 1: 50 000 hiển thị trên nền thông tin địa lý tỷ lệ 1:25 000 cho 37 tỉnh miền núi, trung du và tỷ lệ 1: 10 000 và lớn hơn đối với 150 khu vực rủi ro cao với sạt lở đất, lũ quét.

vnp_sat lo 2.PNG
Điểm sạt lở ven đường ở gần đèo Ô Quy Hồ, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Cũng theo đề án trên, đến năm 2030, Việt Nam cơ bản hoàn thành bộ bản đồ phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ lớn cho những khu vực có nguy cơ rất cao; hoàn thiện hệ thống thông tin - cảnh báo sớm tổng thể kết nối liên thông với các bộ, ngành, địa phương, có sự phối hợp 2 chiều giữa các cơ quan quản lý, cơ quan cảnh báo, dự báo và người dân trong thu nhận, phân tích, xử lý thông tin dữ liệu,… cung cấp kịp thời thông tin cảnh báo sạt lở đất, lũ quét cho các tỉnh miền núi, trung du Việt Nam.

Có thể nói Quyết định số 1262/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” là kim chỉ nam để Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, địa phương chung tay triển khai các nhiệm vụ để giảm thiểu những thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét gây ra trong thời gian tới./.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Trước đó, tại Hội nghị “Tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của ngành Tài nguyên và Môi trường” diễn ra sáng 31/12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh thời gian tới cần phải có những giải pháp cụ thể, tuyệt đối không chủ quan trước thiên tai, biến đổi khí hậu.

“Biến đổi khí hậu là vấn đề lớn mang tính toàn cầu, toàn dân, hiện nay không chỉ nóng lên mà còn khốc liệt hơn,” Thủ tướng nói và nhấn mạnh thực tế này đã được Tổng thư ký Liên hợp​ quốc António Guterres tuyên bố trong khuôn khổ Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP 28) rằng: “Sức nóng khủng khiếp đang gây ra những tác động khủng khiếp tới nhân loại.”

Đáng chú ý, trong bài phát biểu bên lề Đại hội đồng Liên Hợp quốc, Tổng thư ký António Guterres đã đưa ra cảnh báo: “Nhân loại đã mở cánh cổng địa ngục” đồng thời mô tả cảnh tượng đau buồn của những người nông dân bất lực nhìn cây trồng bị lũ lụt cuốn trôi, sự xuất hiện của dịch bệnh do nhiệt độ tăng cao và cuộc di cư hàng loạt của người dân, người dân chạy trốn khỏi trận cháy rừng lịch sử. Từ đó, Tổng thư ký Antonio Guterres kêu gọi thế giới cần hành động khẩn cấp để có thể tránh được thảm họa khí hậu về lâu dài.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục