Thành phố Đà Nẵng bước vào "Năm Văn hóa-văn minh đô thị 2015"

Để thực hiện hiệu quả “Năm Văn hóa-văn minh đô thị 2015,” chỉ riêng trên lĩnh vực văn hóa, thành phố Đà Nẵng ưu tiên đầu tư với kinh phí khoảng 400 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2014.
Thành phố Đà Nẵng bước vào "Năm Văn hóa-văn minh đô thị 2015" ảnh 1Vẻ đẹp thơ mộng của ''Thành phố đáng sống'' Đà Nẵng bên sông Hàn. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Năm 2015, thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn, vững chắc hơn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2015 và kế hoạch 5 năm 2011-2015.

Thành phố tiếp tục tăng cường đầu tư cho văn hóa; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; tăng cường quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự đô thị và an toàn xã hội và chọn năm 2015 là “Năm Văn hóa-văn minh đô thị năm 2015".

Năm 2015, Đà Nẵng chọn 10 công trình trọng điểm để tập trung thực hiện, đó là nút giao thông ngã ba Huế; trục I Tây Bắc và hạ tầng kỹ thuật Khu số 2, Khu số 7 Trung tâm đô thị mới Tây Bắc; đường vành đai phía Nam (đoạn Hòa Phước-Hòa Khương) và đường vành đai phía Bắc (đường Nguyễn Tất Thành nối dài); các hạng mục quan trọng của Khu Công nghệ cao Đà Nẵng; trạm xử lý nước thải sông Phú Lộc và cải tạo, nâng cấp kênh thoát nước Phú Lộc; Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố; Nhà Văn hóa thiếu nhi thành phố; Trường trung học phổ thông Phan Châu Trinh; Trung tâm tim mạch-Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng; Bệnh viện Đa khoa quận Hải Châu và Bệnh viện Đa khoa huyện Hòa Vang...

Trên cơ sở tiếp tục đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, thành phố tập trung hoàn thành các công trình trọng điểm, sử dụng nguồn lực đất đai, tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả hơn; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; mở rộng, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia.

Theo ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, các nhiệm vụ chủ yếu năm 2015 được Ủy ban Nhân dân thành phố tập trung thực hiện phát triển kinh tế, gắn kết với các vấn đề xã hội, môi trường, đảm bảo phát triển thành phố bền vững trong xu thế hội nhập và phát triển; duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định và bảo đảm chuyển dịch cơ cấu kinh tế “dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp” theo chiều sâu và chuyển đổi cơ cấu nội bộ ngành theo hướng hiện đại.

Thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả 5 hướng đột phá đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX xác định là: Phát triển các ngành dịch vụ nhất là dịch vụ du lịch và thương mại, dịch vụ kho vận (logistic); phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ sinh học; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và thực thi các chính sách xã hội giàu tính nhân văn; phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính, huy động mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước nhằm cải thiện nguồn lực trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Thành phố cũng phát huy tối đa các nguồn lực và lợi thế về kinh tế biển, đặc biệt là cảng biển, tăng cường kết nối với thị trường bên ngoài để tạo thêm động lực mới, phấn đấu xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước; thực hiện hiệu quả các vấn đề an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, giảm nghèo bền vững… trong mối tương quan phát triển kinh tế; tăng cường củng cố quốc phòng-an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Để thực hiện hiệu quả chủ đề “Năm Văn hóa-văn minh đô thị 2015,” chỉ riêng trên lĩnh vực văn hóa, thành phố ưu tiên đầu tư với kinh phí khoảng 400 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2014.

Không chỉ chờ đến năm 2015 mà ngay từ quý 1/2014, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ đã chỉ đạo cần tăng cường đầu tư ngân sách, nguồn lực, phương tiện cho hoạt động văn hóa và các công trình văn hóa ngang tầm với sự phát triển của thành phố.

Ngành văn hóa nhanh chóng rà soát thực tế và lập những dự án đầu tư cụ thể và những đề xuất hợp lý đều được lãnh đạo thành phố thông qua.

Trước hết, thành phố phê duyệt nguồn kinh phí để cải tạo, nâng cấp 4 công trình trọng điểm, gồm Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

Những công trình khác như Bảo tàng lịch sử, Rạp Lê Độ, Nhà hát Trưng Vương, Công viên 29-3 cũng được bố trí vốn sửa chữa những hạng mục cần thiết.

Thành phố cũng có chủ trương xây dựng các công trình văn hóa quy mô lớn như Trung tâm Văn hóa thành phố, Nhà hát lớn.

Lãnh đạo thành phố quyết định “dọn dẹp” những khu vui chơi giải trí hoạt động không hiệu quả và có những điều chỉnh hợp lý những khu vui chơi giải trí khác, tạo điều kiện cho người dân dạo mát, vui chơi, thư giãn.

Kết quả, có 6 khu vui chơi giải trí giữ nguyên công năng và tiếp tục được đầu tư, 16 khu vui chơi giải trí chuyển đổi công năng sang 12 trung tâm văn hóa thể thao phường, xã; 11 khu vui chơi giải trí thành vườn đi dạo.

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ bản, thành phố chú trọng tôn tạo và trùng tu 9 di tích cấp thành phố đang bị xuống cấp với tổng quy mô đầu tư hơn 16 tỷ đồng, bao gồm đình Khuê Bắc, đình Hưởng Phước, đình Đại La, đình An Ngãi Đông, đình Phong Lệ Bắc, đình Phú Hòa, đình Thái Lai, đình Trúc Bầu, miếu Hàm Trung.

Ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng chia sẻ, ông hoan nghênh việc thành phố chọn chủ đề năm 2015 là “Năm Văn hóa-văn minh đô thị,” nhưng đây là phạm trù rộng, cần nghiên cứu kỹ và có các tiêu chí cụ thể để đi vào thực chất, tránh hình thức.

Hiện nay, thành phố có nhiều “Tuyến đường văn hóa văn minh đô thị" nhưng không thực chất, vẫn còn nhiều cảnh thiếu văn hóa như xả rác, tiểu tiện, đổ nước thải…

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng Nguyễn Đăng Hải đề nghị chỉ nên chọn một tuyến đường Bạch Đằng để thử nghiệm nhưng phải tập trung nguồn lực để làm “ra tấm, ra món,” xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm để nâng cao ý thức cho người dân...

Những năm qua, với nhiều bước đột phá, Đà Nẵng đã tạo nên một dấu ấn riêng của thành phố trẻ bên dòng sông Hàn. Tuy nhiên, để Đà Nẵng phát triển xứng tầm, thành phố cần tập trung đầu tư cho thiết chế văn hóa, xây dựng môi trường du lịch văn minh, lành mạnh.

Thời gian qua, thành phố đã xây dựng Chương trình "Thành phố 3 có" gồm có nhà ở, có việc làm ổn định và có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, nhưng đến nay, chỉ mới đạt được kết quả ban đầu ở "2 có" là có nhà ở và có việc làm ổn định.

Vì vậy, Đà Nẵng chọn năm 2015 là "Năm Văn hóa-văn minh đô thị" chính là để tạo nên sự phát triển toàn diện cho thành phố. Có như thế Đà Nẵng mới hoàn thành mục tiêu đề ra là xây dựng thành phố môi trường và phấn đấu với khẩu hiệu "Thành phố đáng sống"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục