Thành phố Hà Nội quản lý chặt các lễ hội lớn dịp đầu năm 2023

Thành phố thống nhất chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện quản lý tốt các lễ hội trên địa bàn, trong bối cảnh số lượng du khách đến với lễ hội dự báo rất lớn sau 2 năm dừng tổ chức để phòng COVID-19.
Thành phố Hà Nội quản lý chặt các lễ hội lớn dịp đầu năm 2023 ảnh 1Du khách đi lễ chùa Hương ngày Tết Nguyên Tiêu năm 2022. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa có cuộc họp với các sở, ngành và các địa bàn có nhiều lễ hội như huyện Mỹ Đức, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và quận Đống Đa.

Thành phố thống nhất chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện quản lý tốt các lễ hội diễn ra trên địa bàn. Lễ hội chùa Hương được xác định là lễ hội lớn của quốc gia và thành phố Hà Nội, kéo dài trong ba tháng. Số lượng các phật tử tham gia hành hương và du khách đến với lễ hội dự báo rất lớn, bởi sau hai năm dừng tổ chức để phòng, chống dịch COVID-19.

Để chủ động trong công tác tổ chức lễ hội, Ban Thường vụ Huyện ủy Mỹ Đức đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức lễ hội, chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội và phân công các đơn vị phòng ban, Ủy ban Nhân dân xã Hương Sơn thực hiện nhiệm vụ được giao.

Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức cần chuẩn bị tốt công tác quản lý, tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2023 hiệu quả, đảm bảo đúng mục đích, nội dung, giá trị văn hóa, lịch sử của lễ hội; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tính nhân văn đối với xã hội và mỗi người dân; tăng tính hiệu quả trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc.

Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức cần tiếp thu ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành thành phố, rà soát, hoàn thiện quy trình và phân công lãnh đạo phụ trách, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.

Ủy ban Nhân dân huyện cần thông cáo báo chí về công tác tổ chức lễ hội năm 2023 để người dân, du khách được biết, ủng hộ và thực hiện nghiêm theo quy định; đồng thời công khai đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân và du khách trong quá trình diễn ra lễ hội, xử lý kịp thời không để xảy ra bức xúc trong dự luận.

[Hà Nội chuẩn bị cho một mùa lễ hội giàu bản sắc và lành mạnh]

Ủy ban Nhân dân huyện đẩy mạnh tuyên truyền nét đẹp văn hóa và ý nghĩa biểu trưng của các thực hành lễ hội; kịp thời động viên khen thưởng các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực cho công tác quản lý tổ chức lễ hội; thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các nhiệm vụ được giao và phát hiện xử lý, chấn chỉnh những trường hợp vi phạm.

Đặc biệt, huyện cần chú trọng xây dựng, triển khai các phương án đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho người dân và du khách trẩy hội; tổ chức các phương án về trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Khắc phục nhiều bất cập ở những năm trước, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo huyện Mỹ Đức kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm, các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để việc biến tướng tín ngưỡng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đặc biệt, lực lượng chức năng không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định, để thực hiện nếp sống văn minh.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau lễ hội được tăng cường. Công an thành phố Hà Nội và huyện Mỹ Đức chủ động động phối hợp, xây dựng tốt phương an đảm bảo an ninh, không để xảy ra chen lấn, xô đẩy lúc đông người.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cần rà soát, đánh giá các điểm, vị trí, điểm nút giao thông có nguy cơ gây mất an toàn trên các tuyến đường dẫn vào Lễ hội chùa Hương.

Trường hợp cần thiết, Sở bố trí lực lượng ứng trực tại các tuyến đường có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao; tăng cường quản lý an toàn đường thủy, kiên quyết xử lý, đình chỉ hoạt động các bến trái phép, phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, chở quá số người quy định, du khách không mặc áo phao theo quy định.

Đối với các lễ hội đền Hai Bà Trưng, đền Sóc, đền Cổ Loa, Ủy ban Nhân dân thành phố giao ủy ban nhân dân các huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh chủ động ban hành kế hoạch, tổ chức lễ hội truyền thống Xuân Quý Mão, thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng để người dân, du khách biết, ủng hộ và thực hiện nghiêm các quy định.

Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các huyện trên tăng cường tuyên truyền quy tắc ứng xử nơi công cộng, quy chế quản lý lễ hội để người dân, du khách biết thực hiện.

Thành phố Hà Nội quản lý chặt các lễ hội lớn dịp đầu năm 2023 ảnh 2Du khách lễ cầu may tại chùa trong động Hương Tích, đầu năm 2022. (Ảnh: TTXVN phát)

Sở chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra việc thực hiện công tác tổ chức và quản lý lễ hội, kết hợp với đoàn kiểm tra của địa phương thống nhất nội dung, chương trình tránh tình trạng chồng chéo, gây phiền hà cho cơ sở. Sở kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về tổ chức và quản lý lễ hội, kịp thời báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố xử lý nội dung vượt thẩm quyền.

Công an thành phố Hà Nội hướng dẫn các huyện xây dựng phương án đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn phòng, chống cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn; có giải pháp phòng, chống thảm họa và các tình huống phát sinh xảy ra tại các di tích, kịp thời ứng phó khi có yêu cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục