Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xin cấp chứng nhận BIS của Ấn Độ

Bộ Công Thương đã đề nghị Đại sứ quán Ấn Độ trao đổi với các cơ quan liên quan sớm có biện pháp cụ thể nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc cấp Giấy chứng nhận BIS.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xin cấp chứng nhận BIS của Ấn Độ ảnh 1Doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn cao để đẩy mạnh xuất khẩu dệt may. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thời gian gần đây, Bộ Công Thương nhận được phản ánh của một số doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu sắt thép và giày dép của Việt Nam về khó khăn trong việc xin cấp mới và gia hạn Giấy chứng nhận tiêu chuẩn (BIS) của Ấn Độ. Một số doanh nghiệp đã hoàn tất việc nộp hồ sơ theo yêu cầu nhưng vẫn không nhận được chứng nhận BIS để tiếp tục hoạt động xuất khẩu sang thị trường này.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc, đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi thông tin ngày 28/9, Bộ Công Thương Việt Nam đã gửi công hàm tới Bộ Công Thương Ấn Độ thông báo về khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến việc xin cấp Giấy chứng nhận BIS từ Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ và đề nghị Bộ Công Thương nước bạn nhanh chóng giải quyết các yêu cầu liên quan nhằm duy trì môi trường giao thương thuận lợi, tránh làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa và ảnh hưởng tới thương mại song phương hai nước.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ làm việc với Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ để tìm hiểu vụ việc. Trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 18 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Ấn Độ tổ chức tại Hà Nội vào ngày 16/10, Bộ Công Thương đã trao đổi với phía Ấn Độ về khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam trong việc xin chứng nhận BIS và đề nghị phía Ấn Độ khẩn trương xử lý.

[Hướng dẫn doanh nghiệp về thủ tục cấp chứng nhận tiêu chuẩn của Ấn Độ]

Tiếp đến, ngày 18/10, tại trụ sở Bộ Công Thương, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi đã làm việc trực tiếp với Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, bày tỏ quan ngại về việc Cơ quan chức năng của Ấn Độ chậm cấp chứng nhận BIS cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam; đề nghị Đại sứ quán Ấn Độ trao đổi với các cơ quan liên quan của phía Ấn Độ và sớm có biện pháp cụ thể nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp Việt.

"Các quan ngại của phía Việt Nam đã được Tham tán Thương mại Ấn Độ tại Việt Nam ghi nhận và cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp," đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi cho hay.

Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến cấp mới, gia hạn Giấy chứng nhận BIS từ Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ liên hệ và cung cấp thông tin tới Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (số điện thoại: 024.2220.5430/024.2220.5479 hoặc Email: anhltm@moit.gov.vnhieudc@moit.gov.vn), để tổng hợp danh sách doanh nghiệp và tiếp tục làm việc với phía Ấn Độ để thúc đẩy xử lý vướng mắc.

Giấy chứng nhận tiêu chuẩn do Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ (gọi tắt là BIS) là chứng nhận bắt buộc phải có đối với nhà sản xuất trong và ngoài Ấn Độ để sản phẩm được phân phối, tiêu thụ tại thị trường này.

Danh sách các mặt hàng bắt buộc phải có chứng nhận BIS ngày càng được mở rộng ra nhiều loại hàng hóa như hóa chất, đồ chơi, thép, giày dép, lốp xe, sợi tổng hợp... Đây đều là các mặt hàng mà Việt Nam đang xuất khẩu sang Ấn Độ./.

Để được cấp giấy chứng nhận BIS, nhà sản xuất cần chuẩn bị các giấy tờ sau: Đơn đăng ký kèm phí đăng ký 1000 INR; giấy xác thực địa chỉ của nhà máy; danh mục máy móc sản xuất; danh sách thiết bị kiểm tra theo ISS và chứng chỉ hiệu chuẩn có liên quan, hướng dẫn sử dụng sản phẩm; danh sách nguyên liệu thô có chứng chỉ phân tích; sơ đồ bố trí nhà máy; lưu đồ quy trình sản xuất với các mô tả ngắn gọn và các điểm kiểm soát chất lượng trung gian; báo cáo thử nghiệm tại nhà máy cho tất cả các thử nghiệm có thể có theo Tiêu chuẩn Ấn Độ; giấy chấp nhận hướng dẫn sử dụng sản phẩm, phí đánh dấu (marking fee); thư đồng ý (nếu không có Cơ sở xét nghiệm hoàn chỉnh); thông số kỹ thuật liên quan đến sản phẩm (nếu có).

Thông thường, giấy chứng nhận được cấp lần đầu trong vòng 1-2 năm và sau đó có thể xem xét cho gia hạn với thời gian là 5 năm.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục