Thắt chặt quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản

Thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 9/1973, những năm qua, Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành đối tác ngày càng quan trọng của nhau trên nhiều lĩnh vực.
Thắt chặt quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản ảnh 1Lễ hội giao lưu văn hoá Nhật Bản 2018 tại Hà Nội. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Nhận lời mời của Nhà nước Nhật Bản, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản từ ngày 29/5 đến ngày 2/6.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp, thực chất, đạt nhiều bước vượt bậc, nhất là sau khi quan hệ giữa hai nước được nâng cấp thành Đối tác chiến lược sâu rộng vào năm 2014.

Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản phát triển mạnh mẽ

Việt Nam và Nhật Bản là hai dân tộc có mối quan hệ từ lâu đời với nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa, truyền thống, giá trị nhân văn. Thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 9/1973, những năm qua, Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành đối tác ngày càng quan trọng của nhau trên nhiều lĩnh vực.

Từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” (tháng 3/2014), quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất.

Nhật Bản là nước G7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đi thăm (năm 1995), nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009), nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (năm 2011), nước G7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng (tháng 5/2016).

Quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao.

Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Thủ tướng Nhật Bản thăm Việt Nam 10 lần, Chủ tịch Hạ viện thăm Việt Nam 2 lần, Chủ tịch Thượng viện Yamazaki thăm tháng 12/2015, Hoàng tử Nhật Bản Akishino thăm chính thức Việt Nam tháng 6/1999 và thăm với tư cách cá nhân tháng 8/2012, Hoàng Thái tử Nhật Bản thăm chính thức Việt Nam tháng 2/2009, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản thăm Việt Nam (28/2-5/3/2017). Lãnh đạo Việt Nam thăm Nhật Bản như Tổng Bí thư thăm chính thức Nhật Bản 4 lần, Chủ tịch nước thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản 2 lần, Thủ tướng thăm chính thức Nhật Bản 6 lần, thăm làm việc 9 lần, Chủ tịch Quốc hội thăm chính thức 2 lần.

Hai bên cũng đã thực hiện các cơ chế hợp tác quan trọng: Ủy ban hợp tác Việt-Nhật do hai Bộ trưởng Ngoại giao làm đồng Chủ tịch (từ năm 2007, đã họp 9 lần); Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản về ngoại giao-an ninh-quốc phòng cấp Thứ trưởng Ngoại giao (từ năm 2010, đã họp 6 lần); Đối thoại chính sách quốc phòng Việt-Nhật cấp Thứ trưởng (từ tháng 11/2012, đã họp 5 lần); Đối thoại An ninh cấp Thứ trưởng (từ tháng 11/2013, đã họp 5 lần); Ủy ban hỗn hợp về thương mại, năng lượng và nông nghiệp (từ năm 2014, đến nay đã họp 2 lần); Đối thoại Nông nghiệp cấp Bộ trưởng (từ 2014 đến nay đã họp 3 lần).

Hai bên hợp tác chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn đa phương như: Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á–Âu (ASEM)...

Đối tác kinh tế quan trọng

Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Về thương mại, hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999.

Năm 2017, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 33,4 tỷ USD (tăng 16,8% so với năm 2016). Trong 3 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 8,7 tỷ USD (tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2017).

Năm 2017, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam đạt mức kỷ lục 9,11 tỷ USD, đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Lũy kế tính đến cuối tháng 3/2018, Nhật Bản có 3.693 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 49,839 tỷ USD, đứng thứ hai trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Tính riêng từ đầu năm 2018 đến ngày 20/3, Nhật Bản có 96 dự án cấp mới, 42 dự án tăng vốn và 112 lượt góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đầu tư là 592,67 triệu USD, đứng thứ tư trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Đến nay, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng phó với biến đổi khí hậu và nhiều lĩnh vực khác, đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Từ năm 1992 đến hết tài khóa 2016 (31/3/2017), Nhật Bản đã cam kết khoảng 30,5 tỷ USD ODA vốn vay cho Việt Nam.

Năm 2017, hai bên ký kết các Công hàm trao đổi cho 5 dự án ODA vốn vay; 3 Hiệp định vay ODA; công hàm trao đổi cho 4 dự án viện trợ không hoàn lại; Nhật Bản cam kết thêm cho 2 dự án ODA vốn vay mới tài khóa 2017.

[Mong muốn Nhật Bản duy trì vị trí nước đầu tư số 1 tại Việt Nam]

Các lĩnh vực hợp tác tiến triển thực chất

Hợp tác trên các lĩnh vực an ninh-quốc phòng, nông nghiệp, giáo dục, đào tạo, lao động... đã đạt nhiều tiến triển thực chất. Các hoạt động giao lưu nhân dân, hợp tác văn hóa, du lịch phát triển mạnh mẽ.

Hợp tác nông nghiệp có bước đột phá, tháng 9/2015, hai bên đã ký kết "Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác Nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản" nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thực chất với việc Nhật Bản liên tục cung cấp ODA những năm gần đây cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Về hợp tác lao động, từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã cử nhiều tu nghiệp sinh sang Nhật Bản. Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về việc Nhật Bản tiếp nhận điều dưỡng viên, hộ lý của Việt Nam và Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng.

Quan hệ hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước đã phát triển dưới nhiều hình thức.

Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục, đào tạo của Việt Nam. Hai bên đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác như các Bản ghi nhớ về việc Nhật Bản giúp Việt Nam đào tạo 1000 tiến sỹ đến năm 2020; dạy tiếng Nhật tại Việt Nam; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực; chương trình chiến lược về hợp tác giáo dục; thỏa thuận khung về giảng dạy tiếng Nhật ở trường phổ thông Việt Nam.

Số lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản đến đầu năm 2018 khoảng 75.000 người. Nhật Bản đang hợp tác để nâng cấp 4 trường đại học của Việt Nam (Đại học Cần Thơ, Đại học Đà Nẵng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Nông nghiệp Hà Nội) đạt đại học chất lượng cao; đang hợp tác xây dựng Trường Đại học Việt-Nhật nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ, quản lý và dịch vụ; hỗ trợ Việt Nam dạy tiếng Nhật tại một số trường tiểu học, phổ thông cơ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2017, Nhật Bản đứng thứ ba về số lượng khách du lịch đến Việt Nam và xứ sở hoa Anh đào cũng là điểm du lịch hấp dẫn của du khách Việt Nam.

Trong 3 tháng đầu năm 2018, lượng khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam đạt 215.427 lượt, tăng 6,9% so với năm 2017, đứng thứ 3 (sau Trung Quốc và Hàn Quốc).

Nhật Bản đã mở Tổng lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh. Việt Nam mở Tổng Lãnh sự quán tại Osaka và Fukuoka. Tháng 6/2010, Việt Nam bổ nhiệm hai Tổng Lãnh sự danh dự tại thành phố Nagoya (tỉnh Aichi) và thành phố Kushiro (tỉnh Hokkaido).

Từ ngày 1/1/2004, Việt Nam đơn phương miễn thị thực cho người Nhật đi du lịch và kinh doanh vào Việt Nam trong vòng 15 ngày và từ ngày 1/7/2004, quyết định miễn thị thực nhập cảnh ngắn hạn cho mọi công dân mang hộ chiếu Nhật Bản.

Ngày 8/3/2005, hai bên đã trao đổi Công hàm miễn thị thực nhập cảnh cho công dân hai nước Việt Nam và Nhật Bản mang Hộ chiếu ngoại giao và công vụ trong thời hạn lưu trú không quá 90 ngày bắt đầu thực hiện từ ngày 1/5/2005.

Nhật Bản bắt đầu thực hiện việc nới lỏng quy chế cấp thị thực nhiều lần (từ ngày 30/9/2014 và nới lỏng hơn từ ngày 15/2/2016), thị thực một lần (từ ngày 20/11/2014) cho công dân Việt Nam.

Hợp tác giữa các địa phương hai nước ngày càng sôi động như Hà Nội- Fukuoka; Phú Thọ-Nara; Hưng Yên-Kanagawa; Hải Phòng-Niigata; Nam Định-Miyazaki; Thừa Thiên Huế-Kyoto; Quảng Nam-Nagasaki; Đà Nẵng- Sakai; Đà Nẵng-Yokohama; Thành phố Hồ Chí Minh-Osaka; Thành phố Hồ Chí Minh-Yokohama; Thành phố Hồ Chí Minh-Nagano; Đồng Nai-Hyogo; Bà Rịa-Vũng Tàu-Kawasaki; Cần Thơ-Hyogo…

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân lần này khẳng định Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, trong đó luôn coi trọng tăng cường Đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản.

Chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ gần gũi và sự tin cậy chính trị giữa Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam với Lãnh đạo cấp cao của Nhật Bản, góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục