Thất nghiệp và những nguy cơ tiềm ẩn trong nền kinh tế Campuchia

Khoảng 100.000 công nhân Campuchia gần đây đã bị thất nghiệp vĩnh viễn hoặc tạm thời, và con số này có thể sẽ tăng lên trong những tuần và tháng tới.
Thất nghiệp và những nguy cơ tiềm ẩn trong nền kinh tế Campuchia ảnh 1Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Campuchia. (Nguồn: hrw.org)

Nhật báo Khmer Times số ra gần đây có loạt bài viết phản ánh tác động của dịch COVID-19 đến đời sống của công nhân thất nghiệp tại Campuchia và một số tác động đối với xã hội nước này như sau:

Hàng trăm nhà máy may ở Campuchia và châu Á đang phải đối mặt với các vấn đề tài chính nghiêm trọng vì các thương hiệu quần áo đã hủy đơn đặt hàng hoặc ngừng đặt hàng mới trong vài tuần qua. Các thương hiệu hàng dệt may cho biết họ không có lựa chọn nào khác, vì nhu cầu về quần áo đã giảm đáng kể do nhiều cửa hàng ở phương Tây đã đóng cửa do đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19.

Với lực lượng khoảng 750.000 công nhân, ngành dệt may đang là ngành sử dụng nhiều lao động nhất tại Campuchia. Song đã có tới 130 nhà máy nộp đơn yêu cầu Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia cho phép chấm dứt hoạt động hoàn toàn hoặc một phần.

Khoảng 100.000 công nhân Campuchia gần đây đã bị thất nghiệp vĩnh viễn hoặc tạm thời, và con số này có thể sẽ tăng lên trong những tuần và tháng tới.

Tương lai ảm đạm cho ngành dệt may Campuchia

Trong tình hình bình thường, một thợ may có kinh nghiệm sẽ có thể dễ dàng tìm được một công việc mới. Nhưng giữa bối cảnh dịch bệnh, nhiều nhà máy Campuchia hiện đang vật lộn để tồn tại.

Ông Khun Tharo, điều phối viên chương trình tại Trung tâm Liên minh Lao động và Nhân quyền (CENTRAL), cho biết hiện đang nổi lên những câu hỏi nghiêm túc về khả năng tài chính dài hạn của một số nhà máy.

Ông Khun Tharo cho rằng một số nhà máy thuộc sở hữu của các công ty đa quốc gia có thể sẽ "sống sót" qua đại dịch COVID-19. Nhưng khi CENTRAL bắt đầu xem xét một số nhà máy nhỏ hơn, nhất là các nhà máy của nhà thầu phụ, không có nguồn tài chính đủ mạnh từ các công ty lớn sẽ là một yếu tố rất đáng quan ngại đối với tương lai gần của ngành dệt may Campuchia.

Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc Campuchia (GMAC), đại diện cho hàng trăm nhà tuyển dụng, cũng nói rằng một số nhà máy có thể không tồn tại được trong cuộc khủng hoảng y tế đang diễn biến phức tạp, phần lớn là do tỷ suất lợi nhuận mà các công ty này hoạt động bị “co lại” xuống còn rất nhỏ.

Các nhà máy cũng rơi vào tình trạng khó khăn bởi một số thương hiệu quần áo lớn nhất thế giới hủy đơn hàng. Theo Tổ chức Quyền Công nhân (Worker Rights Consortium), một tổ chức giám sát các nhà máy trên toàn thế giới, đã có ít nhất 14 thương hiệu đã hủy đơn đặt hàng và từ chối thanh toán cho các đơn đặt hàng hoặc yêu cầu giảm giá.

Sau khi hứng chịu những chỉ trích dữ dội, một số thương hiệu gần đây đã tuyên bố rằng họ đang nỗ lực tìm giải pháp cho các nhà máy và công nhân của họ. 

Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, việc hủy bỏ hàng loạt đơn đặt hàng không chỉ ảnh hưởng đến các nhà máy Campuchia mà cả những nơi khác ở châu Á. Tại Bangladesh, hơn 1 triệu người có thể mất việc, tại Myanmar ít nhất 70.000 lao động đang bị đe dọa việc làm.

Tại Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự kiến xuất khẩu của nước này cũng sẽ giảm 15%.

Hồi đầu tuần này, Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia cho biết đã có 130 nhà máy may chấm dứt hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khiến khoảng 100.000 công nhân mất việc và ảnh hưởng đến 400.000 người phụ thuộc khác. Giới quan sát lo ngại bất ổn xã hội có thể trở thành một vấn đề trong lúc môi trường kinh tế đang gặp khó khăn.

Tình trạng thất nghiệp tăng cao

Ở Campuchia, cuộc khủng hoảng đặt ra một thách thức lớn đối với chính phủ. An sinh xã hội vốn đã ít ỏi ở quốc gia nghèo và nguồn lực để cứu trợ các nhà máy lại bị hạn chế. Chính quyền và các nhà máy đã đồng ý trợ cấp cho những người lao động bị mất việc 70 USD mỗi tháng, ít hơn 40% mức lương tối thiểu của Campuchia.

Điều phối viên Khun Tharo thuộc tổ chức CENTRAL cho rằng điều này sẽ đẩy người dân trở lại nghèo đói. Hiện nay, mức nghèo đối với người lao động ở thủ đô Phnom Penh và các khu vực đô thị khác lần lượt là 128 USD và 88 USD. Trong khi đó, các chủ nhà vẫn tiếp tục đòi tiền thuê hàng tháng cùng với chi phí tiện ích. 70 USD trợ cấp của Chính phủ chỉ có thể dành hoàn toàn cho chi phí cá nhân mà không tính đến thức ăn.

Tìm kiếm việc làm mới sẽ là thách thức khó khăn đối với hơn 100.000 công nhân dệt may Campuchia hiện đang mất việc làm. Phần lớn nền kinh tế của đất nước đã bị ảnh hưởng bởi sự bùng nổ của COVID-19 cùng với nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch và giải trí cũng bị đóng cửa.

[Đâu là tầm nhìn kinh tế của Campuchia trong năm 2020 sắp tới?]

Ông Khun Tharo cho hay câu trả lời cho những lao động người Campuchia không tìm được việc ở trong nước là ra nước ngoài tìm kiếm việc làm. Song trong bối cảnh biên giới đang bị đóng cửa và phần lớn thế giới đang phải đối mặt với viễn cảnh suy thoái kinh tế, đây cũng không phải là lối thoát đối với những công nhân thất nghiệp.

Mặc dù Chính phủ cam kết trả 20% và các nhà máy đã được yêu cầu chi trả 40% mức lương tối thiểu cho người lao động bị sa thải, nhưng nhiều nhà máy thông báo gặp trục trặc về nguồn tài chính do đơn hàng bị hủy nên số tiền trợ cấp cho công nhân có thể bị chậm thanh toán. Điều khiến người lao động và người phụ thuộc vào họ không thể chi trả cho các nhu yếu phẩm như thực phẩm và tiện ích hàng ngày.

Ông Van David, chuyên viên cao cấp tại thuộc tổ chức PLATFORM ImpACT cho biết, khu vực phi chính thức vốn chịu tác động tiêu cực nhất từ cuộc khủng hoảng COVID-19 không nên bị lãng quên. Ông lưu ý rằng đối với mỗi công nhân nhà máy may sẽ có khoảng năm hoặc sáu người phụ thuộc, từ những người bán thức ăn đường phố cho đến những lái xe hàng ngày chở công nhân đến các nhà máy.

Thất nghiệp cũng đồng thời xảy đến với những lao động trong lĩnh vực khác trên phạm vi toàn quốc. Du lịch - “ngành công nghiệp không khói” vốn đóng vai trò quan trọng trong đóng góp cho ngân sách quốc gia - là nơi đầu tiên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khi du khách vội vã rời khỏi đất nước.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội đại lý du lịch Campuchia, khoảng 630.000 người lao động trong ngành này đã bị ảnh hưởng, kéo theo khoảng 30.000 người thất nghiệp.

Trong khi đó, ngành xây dựng Campuchia cũng đang “quay cuồng” với việc mất 90.000 công nhân trong số 300.000 nhân công thuộc lực lượng lao động chính.

Ông Van David cho rằng các vấn đề xã hội có liên hệ trực tiếp tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Theo chuyên gia này, những vấn đề xã hội sẽ nảy sinh khi người lao động thất nghiệp và trở nên nghèo đói, khiến tỷ lệ tội phạm có thể tăng cao khi xảy ra nhiều vụ trộm, cướp.

Giải pháp của Chính phủ

Người phát ngôn Chính phủ Campuchia Phay Siphan đã nhanh chóng đưa ra tuyên bố nhằm hạ thấp những lo ngại và cho rằng chính phủ có sự chuẩn bị để giải quyết vấn đề này.

Ông Phay Siphan cho biết Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia đã chuẩn bị một gói ngân sách để giải quyết từng giai đoạn của vấn đề. Chính phủ đã giảm 50% chi tiêu cho đầu tư dự án cơ sở hạ tầng để có tiền giúp đỡ người lao động, trong khi Bộ Lao động và Đào tạo nghề cũng đang thúc đẩy cơ hội việc làm mới cho người dân.

Để giảm bớt cú sốc của đại dịch đối với kinh tế, Chính phủ Campuchia đã công bố ngân sách dự phòng trị giá 2 tỷ USD để giúp các trụ cột kinh tế của nước này tiếp tục đứng vững và giảm bớt căng thẳng tài chính cho lao động mất việc làm trong ngành dệt may và du lịch đang phải đối mặt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục