Thay đổi hành vi để thúc đẩy giá trị phụ nữ, chấm dứt chọn giới tính

Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara cho rằng điều quan trọng là phải thay đổi thái độ và hành vi của tất cả mọi người đối với lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.
Thay đổi hành vi để thúc đẩy giá trị phụ nữ, chấm dứt chọn giới tính ảnh 1Ảnh minh họa.

Chiều 17/10, hơn 300 sinh viên của trường Đại học Lao động-Xã hội đã tham gia chương trình tọa đàm với thanh niên có chủ đề “Là con gái để tỏa sáng” nhằm thảo luận về giá trị đích thực của người phụ nữ trong bối cảnh Việt Nam tăng cường bình đẳng giới, hướng tới chấm dứt lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.

Tọa đàm do Đại học Lao động-Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) tổ chức và là một phần trong khuôn khổ Dự án “Giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và các thực hành có hại tại Việt Nam” do Chính phủ Na Uy tài trợ, giai đoạn 2020-2022.

Bình đẳng giới ở Việt Nam đã được cải thiện trong những thập kỷ qua. Tuy nhiên, bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực gia đình với các hành vi có hại, bao gồm cả việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn tồn tại ở Việt Nam.

Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, "tỷ số giới tính khi sinh" của Việt Nam hiện được ước tính là 111,5 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái được sinh ra.

Nhằm góp phần ngăn chặn hành vi lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và tâm lý ưa thích con trai, đồng thời tôn vinh vai trò và giá trị của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình và xã hội, cần thay đổi thái độ và hành vi của tất cả mọi người đối với lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết tại Việt Nam, bình đẳng giới là một chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước; đồng thời cũng là nhiệm vụ trọng tâm chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, xây dựng quốc gia ổn định, đồng thuận và phát triển bền vững.

Hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ ngày càng hoàn thiện, đặc biệt là quy định liên quan đến các giải pháp để thúc đẩy bình đẳng giới như: chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ phụ nữ trong khởi nghiệp…

Đáng chú ý, gần đây, Việt Nam đã sửa đổi Bộ Luật Lao động theo hướng chuyển từ tiếp cận bảo vệ lao động nữ sang đảm bảo quyền đối với mọi người lao động cả nam và nữ. Các hoạt động có liên quan đến nữ trong lao động việc làm cũng được chi phối bằng một chương riêng cho lao động nữ trong Bộ Luật.

Bên cạnh đó, lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một chương trình truyền thông riêng cho bình đẳng giới, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và từng bước xóa bỏ định kiến giới trong xã hội.

[Chính phủ sẽ xây dựng chính sách để đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ]

Những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận là cơ sở thuận lợi để phụ nữ Việt Nam hiện nay phát huy những giá trị tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử; tiếp tục thể hiện được vai trò vị thế và khả năng của mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trong lĩnh vực chính trị, Việt Nam có những thành tựu đáng khích lệ như tỷ lệ nữ là đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, xếp thứ 62/190 quốc gia, hay có nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên.

Trong nghiên cứu khoa học, từ năm 2015 đến nay, Việt Nam có 3 nhà khoa học nữ được UNESCO vinh danh là Nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới.

Ở lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ những năm gần đây có xu hướng tăng lên và có những đóng góp rất to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội. Ngay ở lĩnh vực thể thao, vốn là lĩnh vực thường nghiêng nhiều về nam giới trong đạt được các thành tích, lần đầu tiên Việt Nam có đội tuyển bóng đá nữ giành được vé tham dự Vòng chung kết Giải vô địch Bóng đá nữ thế giới năm 2023 (World Cup 2023), và các vận động viên nữ Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào những thành tích của quốc gia tại SEA Games…

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định những thành tích mà phụ nữ Việt Nam đạt được thời gian qua đã nâng cao vị thế của người phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara cho rằng bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực gia đình và các hành vi có hại, bao gồm cả việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn tồn tại ở Việt Nam. Nguyên nhân của vấn đề này thường là do phong tục thích sinh con trai làm cho địa vị của nam giới và trẻ em trai cao hơn, được ưu tiên hơn so với nữ giới.

Để ngăn chặn hành vi lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và tâm lý ưa thích con trai, đồng thời tôn vinh vai trò và giá trị của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình và xã hội, bà Naomi Kitahara cho rằng điều quan trọng là phải thay đổi thái độ và hành vi của tất cả mọi người đối với lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.

“Đã đến lúc cần có một cái nhìn công bằng hơn rằng phụ nữ và nam giới đều có giá trị, vai trò của riêng mình và có khả năng đóng góp cho gia đình, xã hội một cách bình đẳng. Tất cả mọi người không phân biệt giới tính hay tuổi tác, công việc hay địa vị xã hội, đều xứng đáng được ghi nhận, đánh giá cao về những giá trị, đóng góp của họ cho cuộc sống này," bà Naomi Kitahara nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục