Thay đổi ở Pháp, Hàn Quốc, Philippines: Những tác động với Trung Quốc

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tái đắc cử, tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhậm chức và ông Ferdinand Marcos Jr. được bầu làm Tổng thống Philippines đánh dấu sự thay đổi lãnh đạ
Thay đổi ở Pháp, Hàn Quốc, Philippines: Những tác động với Trung Quốc ảnh 1Từ trái qua: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (Nguồn: macaubusiness.com)

Theo trang mạng macaubusiness.com, việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tái đắc cử hồi cuối tháng 4/2022, tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhậm chức vào ngày 10/5, và ông Ferdinand Marcos Jr. được bầu làm Tổng thống mới của Philippines đã đánh dấu sự thay đổi lãnh đạo ở ba quốc gia có nhiều ảnh hưởng tới quan hệ của họ với Trung Quốc.

Chiến thắng của ông Macron trước bà Le Pen - một người theo chủ nghĩa dân tộc và hoài nghi châu Âu - được coi là một yếu tố ổn định, định hình tính liên tục trong chính sách đối ngoại của Pháp đối với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc.

Pháp có truyền thống áp dụng chính sách đối ngoại độc lập, bao gồm lập trường tương đối trung lập đối với xung đột Nga-Ukraine.

Chính sách đối ngoại độc lập do Pháp thông qua có nhiều điểm chung với chính sách do Trung Quốc thực hiện. Nhiều người dự đoán rằng chính phủ của Macron sẽ tăng cường hợp tác kinh tế và quan hệ đối tác với Trung Quốc.

[Philippines: Chính sách đối ngoại khác biệt của F.Marcos và R.Duterte]

Chiều 10/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Macron, trao đổi quan điểm về xung đột Nga-Ukraine.

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng Trung Quốc áp dụng phong cách riêng của mình trong việc thúc đẩy Nga và Ukraine tiến tới đối thoại. Ông cho rằng các khối cần né tránh đối đầu và sự đối đầu như vậy sẽ tạo thành mối đe dọa dai dẳng đối với hòa bình toàn cầu.

Ông Tập Cận Bình cũng nói rõ về việc Trung Quốc đánh giá cao quyền tự chủ chiến lược của Pháp. Ông đồng thời nói thêm rằng Pháp nên thúc đẩy EU hiểu chính xác lập trường của Bắc Kinh, đặc biệt là khi Paris giữ chức chủ tịch luân phiên của EU để thúc đẩy mối quan hệ lành mạnh giữa Trung Quốc và EU.

Đáp lại phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Macron nói rằng Pháp và Trung Quốc có nhiều đồng thuận về vấn đề Ukraine, rằng Paris sẵn sàng tăng cường hợp tác Bắc Kinh trên các khía cạnh song phương.

Ông Macron cho biết Pháp ủng hộ ý tưởng duy trì một chiến lược độc lập và tự chủ và đồng ý với Trung Quốc rằng nước này sẽ không tham gia vào bất kỳ cuộc đối đầu nào giữa các khối chính trị.

Với việc Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi cả hai bên tận dụng các sự kiện lớn, chẳng hạn như Lễ kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao Trung-Pháp và Thế vận hội Paris sẽ diễn ra vào năm 2024, để tăng cường giao lưu nhân dân và giao lưu văn hóa, cả hai nước đều dự kiến sẽ tăng cường hợp tác dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Macron. Ổn định và liên tục là những điểm nổi bật của quan hệ Trung-Pháp sau khi ông Macron tái đắc cử.

Trong khi đó, vào ngày 10/5, khi ông Yoon Suk-yeol tuyên thệ nhậm chức tổng thống mới của Hàn Quốc, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn là đại diện đặc biệt của Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự lễ nhậm chức của ông.

Ông Vương Kỳ Sơn đã chuyển lời chúc tốt đẹp nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới ông Yoon Suk-yeol và nói thêm rằng Trung Quốc và Hàn Quốc là những nước láng giềng tốt và là đối tác hợp tác quan trọng.

Do những thay đổi nhanh chóng của thế giới và sự kéo dài của đại dịch COVID-19, cả Trung Quốc và Hàn Quốc cần tăng cường hợp tác và thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược của họ lên cấp độ cao hơn.

Ông Vương Kỳ Sơn đã đưa ra các đề xuất để tăng cường quan hệ Trung-Hàn.

Thứ nhất, hai bên tăng cường liên lạc chiến lược và trao đổi, đối thoại cấp cao.

Thứ hai, cả hai bên nên làm sâu sắc hơn hợp tác thực tế trong các lĩnh vực chính và hợp tác của họ tại các thị trường của bên thứ ba, theo đó nâng cao tiêu chuẩn hợp tác.

Thứ ba, Trung Quốc và Hàn Quốc nên tăng cường giao lưu văn hóa và ngoại giao nhân dân, truyền năng lượng tích cực vào các mối quan hệ giữa người dân hai nước.

Thứ tư, cả hai bên cần trao đổi nhiều hơn và tăng cường phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế, đồng thời bảo vệ chủ nghĩa đa phương và hệ thống thương mại tự do để duy trì sự thịnh vượng của khu vực và toàn cầu.

Thứ năm, cả hai bên cần củng cố hợp tác trong các vấn đề Bắc-Nam ở bán đảo Triều Tiên, thúc đẩy hợp tác và giải quyết mọi tranh chấp, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy hòa bình bền vững.

Tuy nhiên, một trở ngại cản trở mối quan hệ thân thiết hơn giữa Trung Quốc và Hàn Quốc là lập trường ngày càng thân Mỹ được Yoon Suk-yeol áp dụng. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông cam kết sẽ triển khai thêm hệ thống tên lửa THAAD từ Mỹ để tăng cường khả năng phòng thủ của Hàn Quốc nếu đắc cử.

Hiện vẫn còn phải xem liệu Yoon Suk-yeol có tiến hành như vậy hay không. Tuy nhiên, hành động như vậy sẽ vấp phải sự phản đối và phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc và Triều Tiên.

Ngày 4/5, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã chỉ trích Yoon Suk-yeol không chỉ “thân Mỹ” mà còn mang tư tưởng “đối đầu.”

Ông Yoon Suk-yeol đã thể hiện quan điểm trung thành ủng hộ Mỹ vào ngày 10/5, khi ông gặp Douglas Emhoff, phu quân của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và phái đoàn Mỹ.

Ông Yoon Suk-yeol đã gọi liên minh Mỹ-Hàn là “trục cốt lõi” của “hòa bình và thịnh vượng Đông Bắc Á.”

Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng đưa ra ý tưởng về sự tham gia tích cực của Hàn Quốc vào Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu.

Hơn nữa, ông tiết lộ rằng Hàn Quốc quan tâm đến việc tham gia Nhóm Bộ tứ do Mỹ dẫn đầu gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản.

Nhóm Bộ tứ được coi là một liên minh nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Do đó, bất kỳ động thái nào của Hàn Quốc gia nhập Nhóm Bộ tứ đều có thể làm xấu đi mối quan hệ giữa Seoul và Bắc Kinh.

Trên thực tế, Tổng thống Yoon Suk-yeol có một lựa chọn khác trong chính sách đối ngoại của mình. Thay vì triển khai THAAD - điều sẽ khiến Triều Tiên và Trung Quốc phẫn nộ, và thay vì tham gia Nhóm Bộ tứ, ông và các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của mình có thể tận dụng mối quan hệ thân thiết hơn với Trung Quốc như một chất keo để tăng cường quan hệ của Hàn Quốc với Triều Tiên.

Nếu Hàn Quốc có thể nâng cao quyền tự chủ của mình so với Mỹ trong khi tận dụng Trung Quốc làm trung gian để củng cố quan hệ với Triều Tiên, thì triển vọng phi hạt nhân hóa ở bán đảo Triều Tiên có thể sẽ có một bước đột phá tiềm năng.

Tại Philippines, tân Tổng thống Marcos có thể sẽ duy trì sự cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ. Năm 2016, Tòa Trọng tài ở La Haye đã ra phán quyết có lợi cho Philippines chống lại yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc đối với các tuyến đường biển ở Biển Đông.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Marcos đã nói rằng phán quyết này vô hiệu vì Trung Quốc không công nhận nó.

Thay vào đó, ông Marcos có thể sẽ tìm cách đạt được một thỏa thuận song phương với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp lãnh thổ - một cách tiếp cận mà nếu được thông qua, sẽ mang tính ngoại giao hơn định hướng chống Trung Quốc của cố Tổng thống Benigno Aquino III.

Tổng thống Rodrigo Duterte đã gạt phán quyết sang một bên và áp dụng một chính sách ngoại giao thân thiện hơn đối với Trung Quốc trong khi tăng cường quyền tự chủ của chính quyền ông khỏi Mỹ.

Nhiều khả năng Tổng thống Marcos sẽ duy trì tính liên tục trong chính sách đối ngoại của ông Duterte, nhưng ông sẽ đạt được sự cân bằng mong manh giữa một bên là quan hệ thân thiện hơn với Trung Quốc và một bên là quan hệ quân sự thân thiết với Mỹ.

Vào tháng 3/2022, Mỹ và Philippines đã tổ chức một cuộc tập trận chung và quy mô lớn với sự tham gia của 8.900 binh sỹ (bao gồm 5.000 quân nhân Mỹ) - một cuộc tập trận cho thấy chính phủ Duterte đã chuyển sang áp dụng lập trường thân Mỹ hơn so với thời kỳ đầu cầm quyền tổng thống của ông.

Với sự quan tâm đặc biệt của quân đội ở Philippines nhằm tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với quân đội Mỹ, Tổng thống Marcos có thể sẽ tiếp tục liên minh quân sự với Mỹ.

Tuy nhiên, Tổng thống Marcos có khả năng sẽ dựa vào đầu tư của Trung Quốc để thúc đẩy nền kinh tế của Philippines, giống như người cha quá cố của ông, Ferdinand Edralin Marcos, người đã can dự với Trung Quốc sau khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1975.

Với một cộng đồng người gốc Hoa khá lớn và có ảnh hưởng kinh tế trong Philippines, việc xây dựng mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc, nơi mà các Sáng kiến “Vành đai và Con đường” chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế Philippines, sẽ là điều sáng suốt với Tổng thống Marcos./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục