Thế giới cần cuộc cách mạng mới về năng lượng

Thế giới cần cuộc cách mạng về năng lượng để giảm nguy cơ nảy sinh từ biến đổi khí hậu thông qua phổ cập năng lượng sạch, bền vững.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hợp tác và có cam kết mạnh mẽ hơn để vượt qua các thách thức về năng lượng toàn cầu.

Tại Hội nghị Nhóm cấp cao về năng lượng bền vững cho tất cả mọi người, diễn ra ngày 21/9 bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 66 ở New York, Mỹ,  ông Ban Ki-moon đã nhấn mạnh việc có tới 2,4 tỷ người trên thế giới hiện không được tiếp cận các nguồn năng lượng sạch hoặc chỉ tiếp cận các nguồn năng lượng không đáng tin cậy, đã làm phương hại các nỗ lực toàn cầu chống đói nghèo và dịch bệnh.

Năng lượng bền vững có tầm quan trọng thiết yếu đối với tiến bộ của con người về y tế, giáo dục, tạo việc làm và cạnh tranh kinh tế. Thế giới đã đến lúc cần một cuộc cách mạng mới về năng lượng để giảm đến mức thấp nhất các nguy cơ nảy sinh từ biến đổi khí hậu thông qua phổ cập năng lượng sạch và bền vững.

Liên hợp quốc và khu vực kinh tế tư nhân toàn cầu đã thiết lập nhóm cấp cao gồm các nhà lãnh đạo kinh doanh, chính phủ và xã hội dân sự trên toàn cầu để tìm kiếm các phương thức phổ cập tiếp cận năng lượng bền vững và các dịch vụ năng lượng hiện đại vào năm 2030, trước mắt nhằm cải thiện 40% hiệu quả năng lượng và sản xuất 30% tổng nguồn năng lượng thế giới từ các nguồn năng lượng tái sinh.

Các nước được yêu cầu có cam kết mạnh mẽ hơn và phát triển quan hệ đối tác giữa khu vực công và tư để tăng đầu tư tư nhân vào phát triển các ngành năng lượng mũi nhọn.

Cùng ngày, trong thông điệp gửi Hội nghị cấp cao quốc tế lần thứ 2 về an ninh toàn cầu diễn ra tại thành phố Yekaterinburg của Nga, Tổng Thư ký Ban Ki-moon kêu gọi thế giới tăng cường hợp tác quốc tế để loại trừ các mối đe dọa an ninh xuyên quốc gia, trong bối cảnh các tổ chức tội phạm gia tăng việc sử dụng công nghệ mới để thực hiện các hành động tội phạm xuyên quốc gia.

Tổng Thư ký nhấn mạnh Liên hợp quốc đang thúc đẩy chiến lược ngoại giao phòng ngừa, vì vậy cần sự hợp tác toàn cầu của các nước thành viên để đảm bảo thành công trong cuộc chiến ngăn chặn và làm giảm tác động của các cuộc xung đột vũ trang đối với mỗi con người và xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục