Ngày 10/5, các nhà kinh tế thế giới đã cảnh báo cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp có nguy cơ lan rộng toàn cầu và kêu gọi cộng đồng thế giới cùng châu Âu hành động khẩn cấp để ngăn chặn nguy cơ này và duy trì tốc độ phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn hoan nghênh Liên minh châu Âu (EU) lập quỹ chống khủng hoảng 750 tỷ euro (gần 1 nghìn tỷ USD), trong đó có 250 tỷ euro từ nguồn IMF, cho các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp đe doạ sự ổn định của các thị trường tài chính toàn cầu.
Ông Strauss-Kahn cho rằng biện pháp mạnh trên sẽ giúp khôi phục các nền kinh tế châu Âu và nhấn mạnh IMF sẽ thực hiện đầy đủ vai trò của mình để đối phó với các thách thức tài chính toàn cầu mới, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ chương trình điều chỉnh và phục hồi kinh tế của các nước châu Âu.
Ông Eswar Prasad, cựu quan chức cấp cao của IMF và là giáo sư kinh tế trường Đại học Cornell của Mỹ, cho rằng chiến lược này của EU và IMF nhằm thuyết phục thị trường thế giới về khả năng giải quyết được cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu.
Kế hoạch cứu trợ đã làm dịu lo ngại về nguy cơ khủng hoảng lan ra toàn cầu. Các thị trường chứng khoán châu Á đã tăng điểm trở lại trong ngày 10/5 và nay EU có thể tập trung giải quyết khó khăn của các thành viên khác có nguy cơ rơi vào khủng hoảng nợ như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italy.
Thị trường chứng khoán Phố Wall ngày 10/5 cũng tăng điểm mạnh với chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng gần 4%, chỉ số tổng hợp Nasdaq tăng 4,8% và chỉ số Standard & Poor's 500 tăng 4,4%.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde cũng cho rằng châu Âu đã tránh được một "thảm họa" nhờ quỹ cứu trợ gần 1 nghìn tỷ USD cho kinh tế khu vực đồng euro. Ông cho rằng đây là hành động mang tính "bước ngoặt lịch sử" vì nhiều người đã nghĩ đến khả năng bùng nổ khủng hoảng tài chính như khi tập đoàn tài chính Lehman Brothers của Mỹ sụp đổ cuối năm 2008, nếu EU không nhanh chóng đạt thoả thuận về lập quỹ này.
Trong khi đó, "Nhật báo Phố Wall" của Mỹ dẫn lời các nhà phân tích kinh tế cho rằng số tiền cứu trợ khổng lồ dành cho các nền kinh tế châu Âu cho thấy sự trầm trọng của cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực này và sự lo ngại về nguy cơ cuộc khủng hoảng này sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào cuộc khủng hoảng mới.
Sau khi châu Âu thông qua kế hoạch cứu trợ, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo mở lại các dịch vụ trao đổi tiền tệ để ngân hàng trung ương các nước châu Âu tiếp cận dễ dàng hơn các nguồn tài chính bằng đồng USD.
Thủ tướng Phần Lan Matti Vanhanen ngày 10/5 cho rằng quỹ bình ổn của châu Âu sẽ ngăn chặn được một đợt suy thoái mới. Ông cho rằng gói cứu trợ này thể hiện sức mạnh tổng thể của EU và khả năng kiềm chế tình hình hiện nay. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng các nước EU vẫn phải hành động hơn nữa để giảm nợ công, ổn định tài chính và khôi phục lòng tin.
Tại Hy Lạp, chính phủ nước này ngày 10/5 đã thông qua dự thảo cải cách hệ thống an sinh xã hội và lương hưu. Theo dự thảo này, số năm làm việc tối thiểu để được hưởng lương hưu ở Hy Lạp sẽ tăng từ 37 năm lên 40 năm và nếu ai về hưu sớm trước tuổi 65 sẽ bị giảm 6% lương hưu.
Trong hàng thập kỷ trước đây, người Hy Lạp, đặc biệt là phụ nữ, có thể nghỉ hưu khi mới 40 tuổi. Những thay đổi này sẽ được thực hiện dần từ năm 2015.
Dự thảo trên, dự kiến được quốc hội thông qua trong tuần này, là một phần trong chiến lược "thắt lưng buộc bụng" mà Chính phủ Hy Lạp đã đề ra để chống khủng hoảng. Tuy nhiên, kế hoạch cải cách này đang vấp phải sự phản đối từ các tổ chức công đoàn với những cảnh báo rằng họ sẽ tiếp tục phát động những cuộc tổng đình công mới.
Số liệu thống kê công bố ngày 10/5 cho thấy thâm hụt ngân sách của Hy Lạp từ tháng Một đến tháng 4/2010 đã giảm khoảng 28%, củng cố những hy vọng rằng Athens có thể vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế đang có nguy cơ lan ra ngoài biên giới nước này./.
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn hoan nghênh Liên minh châu Âu (EU) lập quỹ chống khủng hoảng 750 tỷ euro (gần 1 nghìn tỷ USD), trong đó có 250 tỷ euro từ nguồn IMF, cho các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp đe doạ sự ổn định của các thị trường tài chính toàn cầu.
Ông Strauss-Kahn cho rằng biện pháp mạnh trên sẽ giúp khôi phục các nền kinh tế châu Âu và nhấn mạnh IMF sẽ thực hiện đầy đủ vai trò của mình để đối phó với các thách thức tài chính toàn cầu mới, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ chương trình điều chỉnh và phục hồi kinh tế của các nước châu Âu.
Ông Eswar Prasad, cựu quan chức cấp cao của IMF và là giáo sư kinh tế trường Đại học Cornell của Mỹ, cho rằng chiến lược này của EU và IMF nhằm thuyết phục thị trường thế giới về khả năng giải quyết được cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu.
Kế hoạch cứu trợ đã làm dịu lo ngại về nguy cơ khủng hoảng lan ra toàn cầu. Các thị trường chứng khoán châu Á đã tăng điểm trở lại trong ngày 10/5 và nay EU có thể tập trung giải quyết khó khăn của các thành viên khác có nguy cơ rơi vào khủng hoảng nợ như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italy.
Thị trường chứng khoán Phố Wall ngày 10/5 cũng tăng điểm mạnh với chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng gần 4%, chỉ số tổng hợp Nasdaq tăng 4,8% và chỉ số Standard & Poor's 500 tăng 4,4%.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde cũng cho rằng châu Âu đã tránh được một "thảm họa" nhờ quỹ cứu trợ gần 1 nghìn tỷ USD cho kinh tế khu vực đồng euro. Ông cho rằng đây là hành động mang tính "bước ngoặt lịch sử" vì nhiều người đã nghĩ đến khả năng bùng nổ khủng hoảng tài chính như khi tập đoàn tài chính Lehman Brothers của Mỹ sụp đổ cuối năm 2008, nếu EU không nhanh chóng đạt thoả thuận về lập quỹ này.
Trong khi đó, "Nhật báo Phố Wall" của Mỹ dẫn lời các nhà phân tích kinh tế cho rằng số tiền cứu trợ khổng lồ dành cho các nền kinh tế châu Âu cho thấy sự trầm trọng của cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực này và sự lo ngại về nguy cơ cuộc khủng hoảng này sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào cuộc khủng hoảng mới.
Sau khi châu Âu thông qua kế hoạch cứu trợ, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo mở lại các dịch vụ trao đổi tiền tệ để ngân hàng trung ương các nước châu Âu tiếp cận dễ dàng hơn các nguồn tài chính bằng đồng USD.
Thủ tướng Phần Lan Matti Vanhanen ngày 10/5 cho rằng quỹ bình ổn của châu Âu sẽ ngăn chặn được một đợt suy thoái mới. Ông cho rằng gói cứu trợ này thể hiện sức mạnh tổng thể của EU và khả năng kiềm chế tình hình hiện nay. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng các nước EU vẫn phải hành động hơn nữa để giảm nợ công, ổn định tài chính và khôi phục lòng tin.
Tại Hy Lạp, chính phủ nước này ngày 10/5 đã thông qua dự thảo cải cách hệ thống an sinh xã hội và lương hưu. Theo dự thảo này, số năm làm việc tối thiểu để được hưởng lương hưu ở Hy Lạp sẽ tăng từ 37 năm lên 40 năm và nếu ai về hưu sớm trước tuổi 65 sẽ bị giảm 6% lương hưu.
Trong hàng thập kỷ trước đây, người Hy Lạp, đặc biệt là phụ nữ, có thể nghỉ hưu khi mới 40 tuổi. Những thay đổi này sẽ được thực hiện dần từ năm 2015.
Dự thảo trên, dự kiến được quốc hội thông qua trong tuần này, là một phần trong chiến lược "thắt lưng buộc bụng" mà Chính phủ Hy Lạp đã đề ra để chống khủng hoảng. Tuy nhiên, kế hoạch cải cách này đang vấp phải sự phản đối từ các tổ chức công đoàn với những cảnh báo rằng họ sẽ tiếp tục phát động những cuộc tổng đình công mới.
Số liệu thống kê công bố ngày 10/5 cho thấy thâm hụt ngân sách của Hy Lạp từ tháng Một đến tháng 4/2010 đã giảm khoảng 28%, củng cố những hy vọng rằng Athens có thể vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế đang có nguy cơ lan ra ngoài biên giới nước này./.
(TTXVN/Vietnam+)