Thế giới có gần 249 triệu ca nhiễm COVID-19, hơn 5 triệu ca tử vong

Ukraine ghi nhận 23.000 ca nhiễm mới và 720 ca tử vong - số ca nhiễm mới trong ngày cao thứ ba thế giới, sau Mỹ và Nga; trong khi Triều Tiên đề phòng nguy cơ dịch bệnh vào mùa Đông.
Thế giới có gần 249 triệu ca nhiễm COVID-19, hơn 5 triệu ca tử vong ảnh 1Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Lviv, Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới 14h ngày 4/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 248.851.999 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó 5.037.735 người đã tử vong và 225.462.761 ca đã hồi phục.

Ukraine ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng mạnh trong khi tỷ lệ tiêm chủng thấp

Ukraine đã chứng kiến số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng mạnh do biến thể Delta siêu lây nhiễm, trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng ở nước này ở mức thấp và nhiều người dân vẫn hoài nghi về hiệu quả của vaccine.

Quốc gia Đông Âu có dân số gần 40 triệu người này ngày 3/11 ghi nhận 23.000 ca nhiễm mới và 720 ca tử vong. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày cao thứ ba thế giới, sau Mỹ và Nga. Nhiều bệnh viện ở nước này đang trong tình trạng thiếu ôxy cho các bệnh nhân nặng.

Giám đốc Bệnh viện Số 1 ở Kiev, bà Tetiana Mostepan cho biết trong số những bệnh nhân phải nhập viện, chỉ có 3-4% đã tiêm phòng. Trong khi đó, các bác sỹ tại Bệnh viện Số 4 ở Kiev cho biết việc người dân hoài nghi về hiệu quả của vaccine khiến công việc điều trị tại bệnh viện ngày càng khó khăn.

Theo một bác sỹ tại khoa chăm sóc đặc biệt của bệnh viện này, tỷ lệ tử vong tại đây đã tăng từ 30 % lên 48 % kể từ đầu năm 2021.

Hiện ba loại vaccine ngừa COVID-19 đã được phê duyệt sử dụng tại Ukraine là vaccine của các hãng AstraZeneca (Anh/Thụy Điển), Pfizer/BioNTech (Mỹ/Đức) và CoronaVac (Trung Quốc). Mặc dù chính phủ hối thúc người dân tiêm chủng ngừa COVID-19 và áp dụng các quy định hạn chế đối với những người chưa tiêm vaccine, tỷ lệ tiêm chủng ở Ukraine hiện chỉ đạt 20% dân số.

Tại thủ đô Kiev, chính quyền đã mở khoảng 180 trung tâm tiêm chủng, trong đó có các địa điểm tại các trung tâm mua sắm và ga tàu chính.

Tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi người dân nước này tránh tiếp cận các thông tin hoài nghi về vaccine COVID-19 trên internet và sớm tiêm chủng đầy đủ.

Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho biết nước này bắt đầu triển khai tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho người dân đã tiêm hai mũi vaccine của Pfizer.

Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp với hội đồng khoa học của Bộ Y tế, ông Koca cho biết chiến dịch tiêm mũi vaccine tăng cường sẽ được bắt đầu từ ngày 4/11, ưu tiên người cao tuổi, những người bị bệnh mãn tính, nhân viên y tế và những người trong nhóm có nguy cơ cao khác.

[Dịch bùng phát trở lại, số ca mắc COVID-19 ở Pháp và Anh tăng vọt]

Theo ông Koca, khoảng 59% dân số Thổ Nhĩ Kỳ đã được tiêm đủ hai mũi vaccine và cần phải đạt 70% để miễn dịch cộng đồng. Trước đó, hơn 11,2 triệu người đã hoàn thành hai mũi tiêm vaccine của hãng Sinovac đã được tiêm mũi tăng cường.

Theo dữ liệu từ Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 3/11 nước này ghi nhận 29.764 ca mắc mới và 246 người tử vong do COVID-19.

Canada không bắt buộc các nhân viên y tế phải tiêm vaccine ngừa COVID-19

Tại Canada, hai tỉnh đông dân nhất và chịu tác động mạnh nhất của đại dịch COVID-19 là Ontario và Quebec ngày 3/11 cho biết sẽ không bắt buộc các nhân viên y tế phải tiêm vaccine ngừa COVID-19, thay vào đó, họ có thể lựa chọn xét nghiệm COVID-19 thường xuyên.

Quyết định trên được đưa ra sau khi cơ quan y tế hai tỉnh nhận định việc các nhân viên y tế chưa tiêm chủng phải nghỉ việc hàng loạt sẽ gây khó khăn cho các bệnh viện trong bối cảnh đại dịch chưa có dấu hiệu bớt căng thẳng.

Tỉnh Quebec ban đầu ấn định hạn chót để các nhân viên y tế tiêm chủng đầy đủ là vào giữa tháng 10, sau đó lùi thời hạn đến ngày 15/11 để có thêm nhiều người tiêm.

Người đứng đầu ngành y tế của tỉnh Quebec, ông Christian Dube cho biết hiện chỉ còn khá ít, khoảng 14.000 người - tương đương 3% nhân viên y tế tại tỉnh này, có thể lựa chọn xét nghiệm COVID-19 thường xuyên thay vì tiêm chủng.

Thế giới có gần 249 triệu ca nhiễm COVID-19, hơn 5 triệu ca tử vong ảnh 2Nhân viên y tế Canada lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong khi đó, Thủ hiến bang Ontario Doug Ford đưa ra quyết định không bắt buộc tiêm vaccine sau khi cân nhắc khả năng nghỉ việc của hàng chục nghìn nhân viên y tế từ chối tiêm vaccine ngừa COVID-19 hiện nay ở các bệnh viện trong tỉnh. Ông Doug Ford nói thêm rằng các quyết định phụ thuộc vào từng bệnh viện.

Liên quan vấn đề trên, kể từ ngày 1/11, các hãng hàng không Air Canada và WestJet của Canada và cơ quan vận chuyển của Toronto đã tạm cho nghỉ việc không lương tổng cộng hơn 1.200 nhân viên vì chưa tiêm phòng.

Triều Tiên đề phòng nguy cơ dịch bệnh vào mùa Đông

Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, ngày 3/11 có bài viết kêu gọi người dân tăng cường áp dụng các biện pháp phòng dịch COVID-19 trong mùa Đông năm nay.

Bài viết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh và giải pháp là nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Theo bài viết, đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để quyết định Triều Tiên có đạt được tiến bộ trong năm đầu tiên thực hiện chiến lược kinh tế giai đoạn năm năm của đất nước hay không.

Tháng Một vừa qua, tại Đại hội lần thứ VIII đảng Lao động Triều Tiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã công bố kế hoạch phát triển mới chủ trương phát huy năng lực tự cường, trong bối cảnh nước này siết chặt bảo vệ biên giới đề phòng dịch COVID-19 và đang gánh chịu các biện pháp trừng phạt về kinh tế. Triều Tiên cho đến nay chưa ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 nào.

Nhật Bản: Keidanren kêu gọi xem xét lại biện pháp kiểm soát nhập cảnh

Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) đang lên kế hoạch kêu gọi chính phủ nước này xem xét lại các biện pháp kiểm soát nhập cảnh nhằm khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội.

Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh theo thống kê của Chính phủ Nhật Bản, hơn 72% dân số nước này đã được tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19.

Keidanren - tổ chức vận động hành lang lớn nhất Nhật Bản, cho biết đang soạn thảo các đề xuất liên quan để đệ trình chính phủ, trong đó sẽ kiến nghị thực hiện các chính sách dựa trên quan điểm khoa học và xem xét lại các biện pháp kiểm soát nhập cảnh nhằm cho phép nối lại hoạt động đi lại vì mục đích kinh doanh.

Thế giới có gần 249 triệu ca nhiễm COVID-19, hơn 5 triệu ca tử vong ảnh 3Một nhân viên y tế được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Keidanren cho rằng cần miễn cách ly đối với những người đã tiêm vaccine COVID-19, đồng thời kêu gọi chính phủ rút ngắn thời gian làm thủ tục nhập cảnh. Bên cạnh đó, Keidanren cũng kêu gọi Chính phủ Nhật Bản đẩy nhanh các cuộc thảo luận nhằm cho phép các bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ được chữa trị ở các bệnh viện thông thường với điều kiện phải sử dụng thuốc điều trị COVID-19.

Mặt khác, Keidanren dự định đề nghị chính phủ tập trung xây dựng hệ thống y tế linh hoạt hơn để có thể ứng phó tốt hơn nếu số ca mắc mới tăng trở lại và cần xem xét lại mục tiêu giảm số lượng người đi lại. Dự kiến, tổ chức này sẽ công bố các đề xuất với chính phủ vào tuần tới.

Hong Kong tiêm mũi vaccine tăng cường cho hai nhóm ưu tiên

Kể từ ngày 11/11, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) sẽ triển khai tiêm mũi vaccine thứ 3 ngừa COVID-19 cho 2 nhóm đối tượng ưu tiên.

Nhóm một là những người có khả năng miễn dịch yếu (bệnh nhân ung thư, bệnh nhân ghép tạng, bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối và những người đang dùng thuốc tăng cường hệ miễn dịch), mũi tiêm thứ ba phải cách mũi tiêm thứ hai ít nhất 4 tuần.

Nhóm hai là người có nguy cơ lây nhiễm cao đã được tiêm hai liều vaccine của hãng Sinovac, bao gồm người cao tuổi từ 60 trở lên, các nhân viên y tế, những người làm công tác vận chuyển xuyên biên giới…, mũi tiêm thứ ba phải cách mũi tiêm thứ hai ít nhất 6 tháng.

Người dân có thể lựa chọn loại vaccine cho mũi thứ ba khác loại hai mũi tiêm trước đó, tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, nếu tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech thì phản ứng miễn dịch có thể tốt hơn.

Chính quyền Hong Kong ước tính có khoảng 1,86 triệu người đủ điều kiện tiêm mũi thứ 3, trong khi Đặc khu này vẫn còn khoảng 1,7 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech, nếu cần thiết sẽ xem xét mua bổ sung loại vaccine này.

Những người đủ điều kiện có thể bắt đầu đặt lịch hẹn tiêm mũi thứ ba từ ngày 5/11 hoặc có thể đến tiêm tại các trung tâm vaccine và 9 bệnh viện công lập từ thứ ngày 11/11.

Theo thống kê, kể từ khi chính thức khởi động kế hoạch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 từ ngày 26/2 đến ngày 2/11, tổng cộng khoảng 4,63 triệu người Hong Kong đã tiêm mũi một vaccine ngừa COVID-19, chiếm 68,7% số người đủ điều kiện tiêm chủng miễn phí; khoảng 4,43 triệu người dân đã tiêm mũi hai, chiếm 65,8% số người đủ điều kiện tiêm chủng miễn phí./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục