Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 22/10 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận gần 41,5 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 1.135.637 ca tử vong.
Số bệnh nhân phục hồi là 30.852.179 người, trong khi vẫn còn hơn 74.000 ca nguy kịch.
Mỹ vẫn quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, với 8.581.674 ca nhiễm và 227.349 ca tử vong. Trong 24 giờ qua nước này ghi nhận hơn 60.000 ca mắc mới, cao nhất thế giới, và 1.165 ca tử vong.
[Nhiều nước châu Âu ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong một ngày]
Tiếp sau Mỹ là Ấn Độ có 7.705.158 ca nhiễm và 116.653 ca tử vong. Trong 24 giờ qua Ấn Độ ghi nhận gần 56.000 ca mắc mới, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ.
Brazil đứng thứ ba thế giới, nhưng đứng đầu khu vực Nam Mỹ về số ca mắc COVID-19. Với 25.832 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, đến nay Brazil đã ghi nhận tổng cộng 5.300.649 ca mắc và 155.459 ca tử vong.
Ngày 21/10, giới chức y tế Brazil thông báo một tình nguyện viên tham gia chương trình thử nghiệm lâm sàng vắcxin ngừa COVID-19 do tập đoàn dược AstraZeneca và trường Đại học Oxford phát triển đã tử vong.
Đây là trường hợp tử vong đầu tiên được ghi nhận trong nhiều chương trình thử nghiệm lâm sàng các loại vắcxin ngừa COVID-19 đang được triển khai ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân tử vong của tình nguyện viên này là do vắcxin hay giả dược.
Châu Âu tiếp tục là khu vực điểm nóng khi số ca mắc mới theo ngày tại nhiều nước tăng mạnh. Nga đứng thứ tư thế giới và đứng đầu châu Âu về số ca mắc COVID-19, với 1.447.335 ca mắc, tăng 15.700 ca trong 24 giờ qua, và 24.952 ca tử vong.
Các nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Italy là những quốc gia tiếp theo có số ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua tăng mạnh, trong đó Anh tăng 26.668 ca lên tổng cộng 789.229 ca; Pháp tăng 26.276 lên 957.421 ca, Tây Ban Nha tăng 16.973 ca lên 1.046.641 ca.
Italy trong vòng 24 giờ qua ghi nhận 15.199 ca mắc mới, cao nhất từ trước đến nay và nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 449. 648 ca. Mặc dù tổng số ca mắc tại Đức không cao như một số nước, song tình hình đại dịch COVID-19 ở nước này đang tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, theo đó trong 24 giờ qua ghi nhận 10.457 ca mắc mới - con số cao nhất từ khi dịch bắt đầu bùng phát.
Trước tình trạng số ca mắc mới COVID-19 tại Italy tiếp tục tăng cao trong những ngày qua, một số vùng của nước này, như Lombardia, Campania và Lazio (nơi có thủ đô Rome) đã ban hành lệnh giới nghiêm nhằm hạn chế các hoạt động đi lại và tụ tập vào ban đêm.
Mọi hoạt động đi lại trong thời gian giới nghiêm bị nghiêm cấm, ngoại trừ các trường hợp đi lại do yêu cầu công việc hoặc các tình huống cấp thiết khác.
Vương quốc Bỉ là một trong số những quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới tính trên đầu người. Tính đến hết ngày 21/10, nước này ghi nhận tổng cộng 240.159 ca nhiễm và 10.489 ca tử vong.
Ireland đã trở thành quốc gia đầu tiên tại châu Âu thực hiện lệnh tái phong tỏa toàn quốc. Thủ tướng Ireland Michael Martin đã thông báo lệnh phong tỏa toàn quốc bắt đầu vào đêm 21/10 và sẽ kéo dài 6 tuần.
Toàn bộ các cửa hàng không thiết yếu sẽ phải đóng cửa, các quán bar và nhà hàng chỉ phục vụ các đồ ăn mang về, tuy nhiên, các trường học vẫn được mở cửa.
Xứ Wales của Anh cũng đã thông báo phong tỏa khu vực trong 2 tuần và đồng thời thực hiện các biện pháp phòng COVID-19 nghiêm ngặt nhất của Anh.
Thủ tướng xứ Wales, ông Mark Drakeford tuyên bố biện pháp này là tốt nhất để xứ Wales kiểm soát được dịch bệnh và tránh một đợt phong tỏa dài ngày và tốn kém hơn.
Trong khi đó, tình hình lây nhiễm mới và số ca nhập viện tiếp tục tăng nhanh tại Cộng hòa Séc khiến chính phủ nước này phải họp khẩn cấp để đưa ra quyết định hạn chế đi lại và kinh doanh dịch vụ.
Theo quyết định này, các biện pháp hạn chế mới có hiệu lực từ 6h00 ngày 22/10 đến ngày 3/11.
Trong thời gian này, Chính phủ Séc cấm các hoạt động tiếp xúc không cần thiết. Người dân chỉ được phép đi làm, đi mua sắm các nhu yếu phẩm, thăm thân, đi khám bác sỹ trong trường hợp cần thiết, đến công viên hoặc tham quan vùng nông thôn cùng với không quá một người khác.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang tác động tiêu cực đến nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, ngày 21/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á, theo đó dự báo khu vực này sẽ suy giảm 2,2% trong năm nay. Trước đó, hồi tháng 7 vừa qua, IMF dự báo kinh tế châu Á sẽ suy giảm 1,6% trong năm nay.
Tuy nhiên, ông Jonathan D.Ostry, quyền Giám đốc bộ phận khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IMF, cho biết báo cáo Triển vọng Kinh tế khu vực mới nhất của IMF cho thấy nền kinh tế khu vực bắt đầu phục hồi trong quý 3, mặc dù các động lực tăng trưởng ở các nước trong khu vực không đồng đều, theo đó tốc độ phục hồi kinh tế khác nhau.
Theo ông Ostry, các nền kinh tế phát triển gồm Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản và New Zealand được đánh giá sẽ phục hồi tích cực hơn so với dự báo sau khi thoát khỏi tình trạng phong tỏa.
Trung Quốc, vốn là quốc gia hứng chịu tác động của dịch COVID-19 sớm nhất, cũng đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa được áp đặt trong quý đầu tiên của năm, với mức tăng trưởng dự báo là 1,9% trong năm nay.
Đây được xem là "một con số tích cực hiếm hoi" trong bức tranh kinh tế khu vực với nhiều gam màu xám./.