Ngày 7/10, thế giới cùng nhìn lại một năm nổ ra cuộc xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza và Israel trong bối cảnh tiến trình đàm phán về một lệnh ngừng bắn và trao trả con tin vẫn bế tắc, trong khi người dân ở Gaza tiếp tục sống trong cảnh khủng hoảng nghiêm trọng.
Cuộc xung đột cũng đã đẩy khu vực Trung Đông, vốn được mệnh danh là "chảo lửa," tiếp tục lún sâu hơn vào vòng xoáy bạo lực khi có thêm sự tham gia của lực lượng Hezbollah ở Liban, Houthi ở Yemen và gần đây nhất là cả Iran.
Trong tuyên bố đưa ra đúng ngày tròn một năm xung đột Hamas-Israel, Tổng thống Israel Isaac Herzog kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ để đem lại hòa bình và tương lai tươi sáng hơn cho Trung Đông. Ông Herzog cho rằng đây chính là con đường để ngăn vòng xoáy bạo lực tiếp tục leo thang.
Tổng thống Herzog đã cùng người dân Israel dành một phút mặc niệm vào lúc 6 giờ 29 sáng 7/10, thời điểm Hamas mở cuộc tấn công quy mô lớn đầy bất ngờ vào Kibbutz Reim, địa điểm diễn ra lễ hội âm nhạc Nova và cũng là nơi đã có ít nhất 370 người thiệt mạng trong cuộc tấn công này.
Ngoài ra, người dân Israel cũng tổ chức nhiều hoạt động tưởng niệm khác cho những nạn nhân không may thiệt mạng.
Dự kiến sẽ có một cuộc tuần hành tại Kibbutz Beeri để kêu gọi trả tự do cho các con tin vẫn đang bị giam giữ ở Dải Gaza.
Còn tại Tel Aviv, người thân của các con tin và những người ủng hộ cũng có kế hoạch tuần hành kêu gọi ngừng bắn.
Trong khi đó, cùng ngày, lực lượng Hezbollah ở Liban thông báo đã bị mất đi nhiều chỉ huy và thủ lĩnh cấp cao, trong khi nhiều người dân Liban cũng bị thiệt mạng hoặc mắc kẹt trong cuộc xung đột.
Hezbollah khẳng định hoàn toàn có đủ năng lực ứng phó trong trường hợp Israel vẫn tiếp tục có các hành động quân sự.
Nhân dịp này, các nhà lãnh đạo trên thế giới khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực không mệt mỏi để đem lại hòa bình cho Trung Đông và xoa dịu những mất mát mà người dân nơi đây đã và đang phải gánh chịu.
Thủ tướng Anh Keir Starmer kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza và Liban, cũng như loại bỏ mọi rào cản để mở đường cho công tác viện trợ nhân đạo cho người dân ở dải đất ven Địa Trung Hải này.
Trên mạng xã hội X, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ sự chia sẻ tới các nạn nhân và người thân của họ.
Tại Mỹ, Nhà Trắng thông báo sẽ tổ chức lễ cầu nguyện cho các con tin Israel chưa được trả tự do. Trong khi đó, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump dự kiến sẽ tham dự một sự kiện tưởng niệm ở thành phố Miami, bang Florida, do các nhà lãnh đạo cộng đồng Do Thái tổ chức.
Liên hợp quốc ước tính mất 14 năm để dọn dẹp đống đổ nát ở Gaza
Hơn 42 triệu tấn gạch đá đổ nát tại Gaza trong đó có những tòa nhà bị hư hại nặng hoặc đã bị san phẳng, gấp 14 lần lượng gạch đá đổ nát tích tụ ở Gaza từ năm 2008 đến khi xung đột bùng phát.
Tại Australia, Thủ tướng Anthony Albanese dự kiến sẽ tham dự một sự kiện vào tối 7/10 tại thành phố Melbourne (bang Victoria), trong khi một buổi cầu nguyện thắp nến được lên kế hoạch tại Sydney để thể hiện sự ủng hộ đối với người dân Palestine sau một năm mất mát và đau thương vì xung đột.
Người dân trên thế giới đã xuống đường bày tỏ sự ủng hộ đối với những nạn nhân trong các cuộc xung đột và lên tiếng kêu gọi chấm dứt đổ máu ở Trung Đông.
Tại Đức sẽ diễn ra cuộc biểu tình ở thành phố Frankfurt. Trước đó, khoảng 500 người đã tham gia tuần hành ở gần cổng Brandenburg, một trong những địa danh mang tính biểu tượng ở thủ đô Berlin, trong khi hơn 1.000 người tham gia một cuộc tuần hành khác cũng ở Berlin.
Tại Pháp và Thụy Sĩ, hàng nghìn người cũng tập trung tại thủ đô Paris và Geneva để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ tấn công.
Còn ở châu Á, đông đảo sinh viên đã tập trung ở New Delhi, kêu gọi hòa bình và tự do cho người dân Palestine.
Tại Nhật Bản, tối 5/10, khoảng 200 người đã đến chùa Zojoji ở thủ đô Tokyo, cùng nhau thắp 600 ngọn nến đèn led và dành 1 phút mặc niệm để tưởng nhớ những người thiệt mạng do xung đột ở Gaza, đồng thời cầu nguyện cho hòa bình và kêu gọi ngừng bắn ở dải đất này./.