Thêm ca tử vong vì H7N9

Thêm một ca tử vong do virus H7N9 tại Thượng Hải

Chiều 11/4, Trung Quốc thông báo có thêm 3 ca nhiễm virus cúm H7N9 ở thành phố Thượng Hải, trong đó 1 trường hợp đã tử vong.
Theo Tân Hoa xã, chiều 11/4, Trung Quốc thông báo có thêm 3 ca nhiễm virus cúm H7N9 tại thành phố Thượng Hải, trong đó 1 trường hợp đã tử vong.

[Trung Quốc công bố nguồn gốc chủng virus cúm H7N9]

Trường hợp tử vong nói trên là một bệnh nhân nam 74 tuổi, có xét nghiệm dương tính với virus H7N9 vào tối 10/4. Hai trường hợp nhiễm virus đang được điều trị tích cực và theo dõi chặt chẽ. Các bệnh nhân ban đầu nhập viện đều có triệu chứng viêm phổi.

Trước đó, cùng ngày, tỉnh Giang Tô cũng ghi nhận thêm 2 trường hợp nhiễm virus cúm H7N9.

Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình quốc gia Trung Quốc cho biết tính đến chiều 11/4 đã có tổng cộng 38 ca nhiễm virus H7N9 trên cả nước, trong đó 10 trường hợp đã tử vong. Tất cả các trường hợp nhiễm virus được phát hiện đều ở miền Đông Trung Quốc.

Hiện nguyên nhân lây nhiễm chưa được xác minh, song các mẫu xét nghiệm gia cầm lấy từ các chợ buôn bán gia cầm sống đều có kết quả dương tính với virus H7N9.

Theo ủy ban trên, hiện chưa phát hiện mối liên hệ giữa các bệnh nhân nhiễm H7N9, trong khi những người từng tiếp xúc với bệnh nhân đều được theo dõi đặc biệt và chưa phát hiện các dấu hiệu bất thường.

Tính đến nay, riêng thành phố Thượng Hải đã ghi nhận tổng cộng 18 ca nhiễm, trong đó có 6 trường hợp tử vong. Tỉnh Giang Tô có 12 ca nhiễm, 1 trường hợp tử vong. Các bệnh nhân khác thuộc các tỉnh An Huy và Chiết Giang, đều ở miền Đông Trung Quốc. Giới chức y tế cho biết hiện chưa có bằng chứng virus H7N9 có cơ chế lây từ người sang người.

Cùng ngày, Tổ chức Lương-Nông Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo nguy cơ virus H7N9 có thể lan rộng ra ngoài Trung Quốc.

Giám đốc phụ trách trung tâm khẩn cấp về các bệnh lây nhiễm qua động vật của FAO tại châu Á, ông Subhash Morzaria, cho biết virus H7N9 gây những triệu chứng bệnh rõ rệt ở người, trong khi ở gia cầm gần như không có dấu hiệu bệnh hoặc biểu hiện rất nhẹ, vì vậy việc xác định nguồn truyền bệnh càng khó khăn hơn. FAO lo ngại trường hợp các gia cầm nhiễm bệnh được vận chuyển qua biên giới và có thể làm lây lan nhanh chóng loại virus chết người này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục