Thép nội tăng giá kéo thép ngoại tràn vào

Cùng với gói kích cầu của Chính phủ có hiệu quả, sức tiêu thụ thép xây dựng trên thị trường trong vài tháng qua liên tiếp có đà tăng trưởng sau thời gian dài ảm đạm. Tuy nhiên, lượng thép bán ra tăng mạnh cũng là thời điểm để các doanh nghiệp trong nước tăng giá bán sản phẩm.
 
Việc tăng giá bán thép trong nước lên cao sẽ là cơ hội để thép ngoại giá rẻ tràn vào, gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Cùng với gói kích cầu của Chính phủ có hiệu quả, sức tiêu thụ thép xây dựng trên thị trường trong vài tháng qua liên tiếp có đà tăng trưởng sau thời gian dài ảm đạm. Tuy nhiên, lượng thép bán ra tăng mạnh cũng là thời điểm để các doanh nghiệp trong nước tăng giá bán sản phẩm.
 
Việc tăng giá bán thép trong nước lên cao sẽ là cơ hội để thép ngoại giá rẻ tràn vào, gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
 
Không nên tăng giá thép cuộn
 
Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, nếu như trong tháng 4 và tháng 5, mỗi tháng thép xây dựng tiêu thụ được khoảng 400.000 tấn thì bước sang tháng 6, con số này chỉ ở mức 330.000 tấn. Mặc dù sức tiêu thụ thép giảm nhưng giá bán lại tăng thêm từ 800.000 đến 1 triệu đồng/tấn so với tháng 4. Hiện giá bán thép xây dựng tại nhà máy ở mức thép cuộn phi 6, phi 8 từ 10,6 triệu đến 10,8 triệu đồng/tấn; thép cây từ 10,9 triệu đến 11,3 triệu đồng/tấn (chưa có VAT).
 
Đến thời điểm này tổng tiêu thụ thép 6 tháng đầu năm 2009 đã gần cân bằng với lượng tiêu thụ của 6 tháng đầu năm 2008 (2,2 triệu tấn). Ngoài ra, lượng thép tồn kho cũng giảm mạnh, sản xuất tại các nhà máy phần nào đã hồi phục.
 
Theo Hiệp hội Thép, do suy giảm kinh tế, các doanh nghiệp thép trong nước đã phải hạ giá sản phẩm để kích cầu, nay gói kích cầu đã hiệu quả cùng với giá phôi nhập khẩu đã tăng từ 20USD đến 30USD/tấn, giá thép phế nhập khẩu cũng tăng từ 15USD đến 20USD/tấn, thuế nhập khẩu phôi tăng thêm 3% và chênh lệch tỷ giá USD và VND nên việc tăng giá bán sản phẩm hiện nay là điều khó tránh khỏi.
 
Trong khi đó, ngoài thị trường không xảy ra hiện tượng “cháy hàng” nhưng nhiều đại lý, cửa hàng bán lẻ thép kêu thiếu nguồn cung nên đã tăng thêm từ 2 đến 3 triệu đồng/tấn, lên mức 14 đến 15 triệu đồng/tấn, tùy loại và tùy đại lý. Lý do tăng giá thép theo các doanh nghiệp sản xuất, đại lý là do chưa bù đắp chi phí sản xuất, giá xăng tăng làm tăng chi phí vận chuyển.
 
Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường nhận định, các đại lý kêu thiếu hàng để tăng giá trong khi sức mua giảm sút là hiện tượng bất thường, thị trường này đang có biểu hiện găm hàng để tăng giá. Nếu tình trạng này kéo dài có thể khiến doanh nghiệp trong nước mất thị phần vào tay thép ngoại giá rẻ.
 
Với mức giá bán thép hiện nay tại các nhà máy, thép cuộn nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á đang rẻ hơn thép cuộn cùng loại trong nước từ 500.000 đến 700.000 đồng/tấn. Một số doanh nghiệp thương mại không quan tâm đến lợi ích chung, chỉ quan tâm lợi nhuận của mình đã nhập khẩu thép ngoại ồ ạt về bán rẻ, đẩy các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước vào tình thế khó khăn.
 
Do đó, VSA đang khuyến cáo các doanh nghiệp không nên nâng giá thép cuộn lên cao nữa, vì như vậy sẽ tạo điều kiện cho thép ASEAN nhập vào Việt Nam càng nhiều hơn.
 
30 chủng loại thép đang chờ vào Việt Nam
 
Ông Cường cũng cho biết thêm, do giá thép trong nước tăng cao, từ tuần đầu tháng 6 đến nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh sắt thép Trung Quốc đang tiếp cận với một số đối tác Việt Nam để chào bán khoảng 30 chủng loại thép, trong đó khoảng 1/3 là thép xây dựng với giá trung bình 3.680 NDT/tấn (tương đương 538 USD).
 
Theo tính toán, giá thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào khoảng 9,8 triệu đồng/tấn. Nếu cộng thêm các loại chi phí như thuế nhập khẩu, cước vận chuyển, VAT, lãi suất vay vốn, lợi nhuận chắc chắn không cạnh tranh được với thép nội chứ chưa nói đến chất lượng.
 
Tuy nhiên, việc các loại thép gia công sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đã giảm giá từ 7% đến 10% so với đầu quý I/2009 và quốc gia này đang tìm cách giảm thuế, giảm giá để đẩy mạnh xuất khẩu trong khi các doanh nghiệp Việt Nam tăng giá bán sản phẩm thì trong thời gian tới, thép Trung Quốc cũng sẽ là đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất.
 
Theo các chuyên gia, mặc dù thép trong nước đang chịu nhiều tác động của khủng hoảng kinh tế, nhưng nhờ tác động từ các gói kích thích kinh tế của Chính phủ nên hàng loạt dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư bất động sản, xây dựng nhà cho đối tượng có thu nhập thấp, nhà ở nông thôn, nhà ở sinh viên... đã được khởi động, làm cho nhu cầu thép tăng lên, hướng tới mục tiêu kích thích sản xuất, phục hồi hoạt động của ngành thép trong nước.
 
Tuy nhiên, trước tình trạng thép cuộn từ các nước, nhất là từ các nước ASEAN tràn vào, Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng các cơ quan chức năng cần kiểm tra chặt chẽ xuất xứ các lô hàng khi nhập khẩu, phải đạt mức nội địa hóa 40% trở lên; đủ công nghệ hai bước (luyện phôi - cán thép) mới được hưởng thuế ưu đãi.
 
Nếu thép cuộn nhập khẩu ồ ạt làm đình trệ sản xuất trong nước, VSA sẽ cân nhắc tới việc đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, tăng cường kiểm soát, chỉ cho nhập khẩu số lượng thép cuộn theo “hạn ngạch” nhất định và vẫn có thể áp mức thuế cao hơn khi sản xuất thép trong nước bị đe dọa.
 
Theo quy định của luật pháp quốc tế, nếu việc nhập khẩu một sản phẩm tăng đột biến với sản lượng lớn từ một nước khác, dẫn đến gây đình trệ cho sản xuất trong nước thì được phép dùng các biện pháp tự vệ.
 
Tuy nhiên, trong khi đang cần phải bảo vệ sản xuất trong nước, trong đó có ngành thép, để sớm vượt qua khó khăn, thì một số doanh nghiệp thép chưa thật sự nhận thức đúng vấn đề này. Giá phôi thép thế giới mới nhích lên, nhu cầu thép trong nước vừa tăng, một số doanh nghiệp đã vội điều chỉnh tăng giá bán liên tục, gây bất ổn cho thị trường. Bởi vậy, rất cần sự kiểm soát chặt chẽ từ phía các cơ quan chức năng./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục