Thị trường hàng hóa 30/10: "Dư chấn" ngày càng lan rộng

Khép phiên giao dịch ngày 30/10, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 2.001,37 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,6% lên 2.011,20 USD/ounce.
Thị trường hàng hóa 30/10: "Dư chấn" ngày càng lan rộng ảnh 1Vàng miếng được bày bán tại Sàn giao dịch vàng ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Những người tham gia thị trường hiện đang mong chờ quyết định chính sách của Fed vào ngày 1/11. Mặc dù Fed được nhiều người kỳ vọng sẽ giữ nguyên lãi suất, nhưng trọng tâm sẽ là bình luận của Chủ tịch Jerome Powell về định hướng lãi suất trong thời gian tới.

Nhà phân tích cấp cao Matt Simpson của công ty tài chính City Index cho biết với một loạt dữ liệu kinh tế tương đối tích cực, Fed có thể sẽ duy trì chính sách tiền tệ "cứng rắn", bất chấp lo ngại gia tăng về xung đột ở Trung Đông.

Bộ Thương mại Mỹ ngày 27/10 cho biết chi tiêu tiêu dùng của Mỹ đã tăng mạnh, trong khi lạm phát giảm trong tháng 9/2023.

Sức ép lạm phát sẽ đè nặng lên nền kinh tế thế giới trong năm 2024, với khoảng 75% trong số hơn 200 nhà kinh tế được hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) thăm dò cho biết rủi ro chính là lạm phát cao hơn họ dự báo, cho thấy lãi suất cũng sẽ duy trì ở mức cao lâu hơn.

Giá vàng “neo” trên mốc 2.000 USD/ounce

Giá vàng châu Á giao dịch trên mốc 2.000 USD/ounce trong phiên 30/10 do căng thẳng Trung Đông thúc đẩy nhu cầu tài sản an toàn. Trong khi đó, nhà đầu tư thận trọng trước cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào cuối tuần này.

Khép phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 2.001,37 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,6% lên 2.011,20 USD/ounce.

Giá vàng đã chạm mức 2.009,29 USD/ounce trong phiên 27/10, lần đầu tiên vượt qua mức tâm lý quan trọng 2.000 USD/ounce kể từ giữa tháng 5/2023, khi các nhà đầu tư đổ xô tìm đến vàng như là kênh đầu tư an toàn.

Mặc dù vàng được coi là hàng rào chống lạm phát nhưng lãi suất cao hơn đã làm giảm sức hấp dẫn của vàng.

Theo nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của Reuters, giá vàng có thể phá vỡ ngưỡng kháng cự 2.006 USD/ounce và tăng lên phạm vi từ 2.019-2.036 USD/ounce.

Thị trường hàng hóa 30/10: "Dư chấn" ngày càng lan rộng ảnh 2Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Khartoum, Sudan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay đi ngang ở mức 23,12 USD/ounce. Giá bạch kim giảm 0,4% xuống 900,28 USD/ounce, còn giá palladium tăng 0,2% lên 1.123,97 USD/ounce.

Còn tại Việt Nam, vào 16 giờ 57 phút ngày 30/10, tại thị trường Hà Nội, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 69,90 - 70,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Giá dầu giảm trước lúc công bố số liệu kinh tế của Mỹ, Trung Quốc

Giá dầu châu Á giảm hơn 1% trong phiên ngày 30/10 trong bối cảnh nhà đầu tư thận trọng trước cuộc họp chính sách của Fed và số liệu sản xuất công nghiệp của Trung Quốc công bố trong tuần này, “lấn át” tác động từ căng thẳng tại Trung Đông.

Trong chiều 30/10, giá dầu Brent biển Bắc có lúc giảm 1% (97 xu) xuống 89,51 USD/thùng. Còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 1,3% (1,13 USD) xuống 84,41 USD/thùng.

Nhà phân tích Tina Teng của công ty tài chính CMC Markets cho biết tình hình Trung Đông cuối tuần qua không có dấu hiệu cho thấy một mở rộng thêm để trở thành một cuộc xung đột khu vực, khiến giá dầu giảm.

[Nỗi lo về lãi suất đẩy lùi đà tăng của chứng khoán thế giới]

Cả dầu Brent và WTI đã tăng 3% trong phiên 27/10 sau khi diễn biến mới ở Dải Gaza, làm dấy lên lo ngại rằng xung đột có thể lan rộng ở khu vực chiếm 30% sản lượng dầu toàn cầu.

Các nhà đầu tư đang theo dõi kết quả cuộc họp của Fed hôm 1/11, dữ liệu việc làm của Mỹ và báo cáo lợi nhuận từ “gã khổng lồ” công nghệ Apple Inc để biết các dấu hiệu suy thoái kinh tế có thể ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu ở quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới này.

Tuy nhiên, Fed được cho là sẽ giữ lãi suất không thay đổi, trong khi các ngân hàng trung ương của Anh và Nhật Bản cũng chuẩn bị xem xét lại chính sách của mình.

Thị trường hàng hóa 30/10: "Dư chấn" ngày càng lan rộng ảnh 3Giao dịch viên làm việc tại sàn chứng khoán New York (Mỹ) ngày 6/7/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trung Quốc sẽ báo cáo Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ tháng 10/2023 trong tuần này, trong khi các nhà đầu tư đang chờ đợi nhiều dấu hiệu hơn cho thấy nền kinh tế của quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới đang ổn định và nhu cầu nhiên liệu đang được cải thiện sau các biện pháp hỗ trợ của Bắc Kinh.

Thị trường chứng khoán đi ngược chiều

Các thị trường chứng khoán ở châu Á đi ngược chiều nhau phiên 30/10 trong bối cảnh nhà đầu tư “án binh” trước cuộc họp chính sách của các ngân hàng trung ương Nhật Bản và Mỹ, và do cuộc khủng hoảng ở Trung Đông gây sức ép lên thị trường.

Tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,95%, tương đương 294,73 điểm, xuống 30.696,96 điểm.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ kết thúc cuộc họp chính sách hai ngày hôm 31/10, còn Fed sẽ đưa ra quyết định lãi suất vào ngày 1/11.

Masayuki Kubota, chiến lược gia thuộc công ty chứng khoán Rakuten Securities cho hay các thị trường đều nhất trí cho rằng cả hai ngân hàng sẽ không tăng lãi suất, nhưng tùy thuộc vào thông điệp từ Thống đốc BoJ Kazuo Ueda và Chủ tịch Fed Jerome Powell, suy đoán lãi suất cao hơn có thể tăng mạnh hơn.

Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 7,63 điểm lên 17.406,36 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 3,77 điểm lên 3.021,55 điểm.

Đồng USD đứng ở mức 149,53 yen/USD so với mức 149,65 yen/USD tại New York phiên 27/10.

 Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 18,22 điểm (1,72%) xuống 1.042,40 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 6,7% (3,07%) xuống 211,34 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục