Vượt qua những tổn thất trong giai đoạn đại dịch COVID-19, các hãng hàng không Đông Nam Á đang tích cực ký kết các hợp đồng mua máy bay lớn trong cuộc đua đáp ứng nhu cầu du lịch của khách hàng.
Đáng chú ý, hãng hàng không Thai Airways cho biết hãng dự kiến sẽ hoàn thành việc tái cấu trúc vào cuối năm 2024, sớm hơn một năm so với dự kiến nhờ tình hình tài chính được cải thiện. Điều này sẽ cho phép hãng hàng không này niêm yết trở lại trên sàn giao dịch chứng khoán Thái Lan.
Thai Airways đã ký hợp đồng với Boeing và các nhà cung cấp khác để mua tổng cộng 45 máy bay. Kế hoạch là tăng cường đội bay từ 70 chiếc vào cuối năm 2023 lên 96 chiếc vào năm 2033. Trước đại dịch COVID-19, hãng có 103 máy bay vào năm 2019.
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí hàng không Mỹ hồi tháng 5/2024, ông Chai Eamsiri, Giám đốc điều hành Thai Airways, cho biết hãng vẫn cần cải thiện hơn nữa về phần cứng, chẳng hạn như đầu tư vào ghế ngồi, thiết bị và tân trang, nâng cấp máy bay cùng với máy bay mới.
Vốn phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực du lịch, khu vực Đông Nam Á đã bị tác động mạnh bởi hạn chế đi lại trong giai đoạn đại dịch. Trong năm 2020, Thái Lan đã đón tiếp 6,7 triệu lượt du khách, giảm hơn 80% so với năm trước đó.
Thai Airways đã lỗ ròng 28 tỷ baht (tương đương 762 triệu USD theo tỷ giá hiện tại) trong nửa đầu năm 2020. Gánh khoản nợ vượt trên giá trị tài sản ròng, hãng hàng không này đã nộp đơn tái cấu trúc doanh nghiệp theo luật phá sản của Thái Lan.
Nhiều hãng hàng không ở khu vực Đông Nam Á đã không nhận được nhiều hỗ trợ của chính phủ như các đối tác lớn ở Mỹ và châu Âu. Do tình hình tài chính không bền vững như các hãng hàng không Nhật Bản, lợi nhuận giảm sút buộc nhiều hãng hàng không phải trải qua quá trình tái cấu trúc quy mô lớn. Theo kế hoạch phục hồi, Thai Airways đã phải triển khai 400 sáng kiến cắt giảm chi phí kể từ năm 2021. Kết quả là, đến tháng 6/2023, hãng đã giảm gần 50% lực lượng lao động và số máy bay. Việc cắt giảm chi phí đã mang lại hiệu quả khi môi trường kinh doanh được cải thiện nhờ nhu cầu phục hồi gần đây. Trong năm 2023, Thai Airways đã báo cáo đạt lợi nhuận ròng đầu tiên trong hai năm là 28 tỷ baht.
Trong thời gian từ tháng 1-4, Thái Lan đã đón tiếp 12 triệu lượt du khách nước ngoài, phục hồi gần 90% so với cùng kỳ năm 2019. Trong tháng 6, Chính phủ Thái Lan đã mở rộng chương trình du lịch miễn thị thực (visa) từ 57 quốc gia lên 93 quốc gia, tạo thêm động lực cho ngành hàng không.
Các hãng hàng không khác cũng đang tích cực đầu tư mở rộng năng lực. Hãng hàng không Philippine Airlines đang tăng gấp ba lần vốn đầu tư cho năm tài chính kết thúc vào tháng 12 lên 450 triệu USD để nâng cấp và bảo dưỡng đội bay. Hãng sẽ đặt hàng 22 máy bay mới cho các tuyến Bắc Mỹ và các tuyến khác.
Hãng hàng không Garuda của Indonesia cũng sẽ bổ sung thêm 8 máy bay mới trong năm nay, nâng tổng đội bay hoạt động lên 80 chiếc vào cuối năm.
Ngoài việc thu nhập phục hồi, tiềm năng tăng trưởng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trong khu vực đang khiến các hãng hàng không lạc quan.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự kiến nhu cầu vận chuyển hành khách, đo bằng số khách hàng nhân số kilomet bay, tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng 17% trong năm 2024. Đây sẽ là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới.
Hãng hàng không Singapore Airlines mới đây đã thông báo đạt lợi nhuận ròng hơn 2,67 tỷ SGD (1,97 tỷ USD) trong năm tài chính kết thúc tháng 3/2024, tăng 24% so với năm tài chính trước và cũng là mức kỷ lục trong hai năm liên tiếp.
Thành tích ấn tượng của Singapore Airlines cũng đang kích thích sự thèm khát đầu tư của các đối thủ cạnh tranh. Chính phủ Singapore là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á dỡ bỏ một phần lệnh cấm du lịch từ nước ngoài vào tháng 9/2021.
Để giành lại thị phần từ các đối thủ cạnh tranh châu Âu và Mỹ, những hãng hàng không được hưởng lợi từ việc dỡ bỏ sớm các hạn chế đi lại, Singapore Airlines đã phải nhanh chóng tăng số lượng chuyến bay.
Ngoài ra, thiếu hụt lao động cũng là vấn đề của tất cả các hãng hàng không. Hãng hàng không Cathay Pacific của Hong Kong (Trung Quốc) đã cắt giảm 30% lực lượng lao động trong quá trình tái cấu trúc thời kỳ đại dịch, nhưng kể từ cuối năm 2023, hãng phải giảm các chuyến bay do thiếu phi công.
Do nhu cầu vận chuyển hành khách bằng đường hàng không phục hồi, các hãng hàng không Đông Nam Á đang phải tranh giành phi công với các đối thủ châu Âu và Mỹ, những hãng cung cấp mức lương cao hơn./.
Lộ diện hãng hàng không tốt nhất thế giới trong năm 2024
Nếu có lúc nào đó bạn phải đi lại bằng máy bay, hãy giúp bản thân có những trải nghiệm tốt nhất bằng cách bay cùng hãng Qatar Airways.