Thị trường lao động vùng kinh tế phía Nam: Nhiều cơ hội việc làm mới

Những tháng còn lại của năm 2022, thị trường lao động tiếp tục khởi sắc với nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, đáp ứng đơn hàng dịp cuối năm dương lịch và Tết Nguyên đán.
Thị trường lao động vùng kinh tế phía Nam: Nhiều cơ hội việc làm mới ảnh 1Người lao động đăng ký tìm việc làm. (Ảnh: TTXVN)

Nỗ lực phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng lao động, tạo cơ hội việc làm cho người lao động trong những tháng cuối năm 2022.

Nhiều ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng

Ghi nhận tại các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cho thấy, trong những tháng còn lại của năm 2022, thị trường lao động tiếp tục khởi sắc với nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, đáp ứng đơn hàng dịp cuối năm dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức: Thành phố là địa phương có quy mô về lực lượng lao động rất lớn. Với việc phục hồi hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, nhu cầu thị trường lao động của doanh nghiệp đang gia tăng, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động đến từ các địa phương trong cả nước.

Đại diện Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Trong quý 4 năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh cần 69.500-77.100 chỗ làm việc, tập trung ở các ngành công nghiệp trọng yếu của Thành phố như chế biến lương thực-thực phẩm, hóa chất-cao su-nhựa, cơ khí, điện tử-xây dựng và các ngành dịch vụ như thương nghiệp, vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, thông tin truyền thông, tài chính ngân hàng, kinh doanh bất động sản, giáo dục và đào tạo...

Trong khi đó, theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai, 31 khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thu hút lượng lớn công nhân lao động.

Hiện nay, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong duy trì, phát triển sản xuất do nhiều yếu tố như nhu cầu thị trường thế giới sụt giảm, đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu. Song nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động, đáp ứng hoạt động sản xuất dịp cuối năm và sẵn sàng nguồn nhân lực đến đầu năm 2023.

[TP Hồ Chí Minh: Thiếu lao động phổ thông, nhân viên văn phòng]

Các phiên giao dịch việc làm được tổ chức từ tháng 10 đến cuối năm, góp phần đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của những ngành đang gia tăng nhu cầu tuyển dụng với các vị trí việc làm khác nhau.

Xu hướng tuyển dụng những tháng cuối năm rất đa dạng, trong đó tập trung ở các ngành, nghề liên quan đến thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, công nghệ thông tin, dệt may...

Gần đây nhất, tại phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai tổ chức vào giữa tháng 10, các doanh nghiệp thông báo nhu cầu tuyển dụng mới gần 2.800 lao động, tập trung ở các lĩnh vực như may mặc, bất động sản, bảo hiểm, xuất nhập khẩu. Trong khi đó chỉ có khoảng 280 lao động có nhu cầu việc làm đến tìm hiểu thông tin và tham gia phiên dịch.

Lao động có kỹ năng, đã qua đào tạo là lợi thế

Đề cập về thị trường lao động ở nước ta hiện nay, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng: Thị trường lao động hiện đã có nhiều chuyển biến, khởi sắc.

Tuy nhiên, lực lượng lao động có chứng chỉ, bằng cấp vẫn còn thấp, chất lượng nhân lực vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Thị trường lao động còn tình trạng thiếu lao động cục bộ, thiếu nhân lực chất lượng cao, dẫn đến năng suất lao động thấp.

Thị trường lao động vùng kinh tế phía Nam: Nhiều cơ hội việc làm mới ảnh 2Ảnh minh họa. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Liên quan đến những bất lợi đối với những lao động không có đủ kỹ năng hoặc chưa qua đào tạo, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương thông tin: Tại tỉnh Bình Dương, thống kê trong 9 tháng năm 2022, số lao động phổ thông chiếm hơn 91% tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Nguyên nhân thất nghiệp chủ yếu là do hết hạn hợp đồng hoặc hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động do trong quá trình làm việc người sử dụng lao động và lao động không đạt được các thỏa thuận như: Thời gian làm việc, môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ, tiền lương. Lao động thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, không có bằng cấp và chứng chỉ nghề chuyên môn, hoạt động trong các ngành may, điện tử, giày da, đồ gỗ...

Trong khi đó, đối với nhu cầu tuyển dụng tại Thành phố, theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, trong những tháng cuối năm nhu cầu tuyển lao động đã qua đào tạo chiếm gần 85% tổng nhu cầu tuyển dụng, nhu cầu tuyển lao động chưa qua đào tạo chỉ chiếm hơn 15%.

Thực tế này cho thấy, để có việc làm ổn định, thu nhập cao, có lợi thế khi tham gia thị trường lao động, người lao động cần tích cực học tập, trau dồi các kỹ năng liên quan đến nghề nghiệp chuyên môn và các kỹ năng “mềm” như tính kỷ luật, khả năng thích nghi...

Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nhân lực, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, với thị trường lao động hiện nay cũng như trong tương lai, những ngành nghề sử dụng nhiều lao động, kỹ năng thấp sẽ mất dần lợi thế cạnh tranh. Những lao động kỹ năng thấp sẽ rất dễ bị mất việc làm, bị đào thải do sức cạnh tranh trên thị trường lao động thấp.

Cùng với đó, theo các chuyên gia, địa phương có nhu cầu thu hút lao động, doanh nghiệp, cần tiếp tục có giải pháp, đầu tư hạ tầng cơ bản để phục vụ người lao động như nhà ở, khu khám, chữa bệnh, khu vui chơi cho con em công nhân, giúp người lao động yên tâm, gắn bó lâu dài, hạn chế tình trạng xáo trộn, "bị động" về nguồn nhân lực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục