Thiên chức làm vợ cản trở phụ nữ tham gia vào thị trường lao động

Định kiến về thiên chức làm vợ, chăm sóc con cái, gia đình là nhiệm vụ chính của phụ nữ đang cản trở những nỗ lực của họ khi tham gia vào thị trường lao động và cơ hội tiếp cận các dịch vụ công.
Thiên chức làm vợ cản trở phụ nữ tham gia vào thị trường lao động ảnh 1(Ảnh minh hoạ: PV/Vietnam+)

Đây là nhận định được đưa ra tại tọa đàm chính sách về bình đẳng giới với chủ đề: “Tăng cường an sinh xã hội và các dịch vụ công nhằm thúc đẩy phụ nữ tham gia thị trường lao động” do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức ngày 7/3 tại Hà Nội.

['Lấy hạnh phúc, sự an toàn của phụ nữ, trẻ em là mục tiêu hành động']

Tọa đàm chính sách nằm trong chủ đề “Suy nghĩ bình đẳng, xây dựng thông minh, sáng tạo để thay đổi” của Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay. Nội dung tọa đàm tập trung vào những cách thức mới để thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt là trong các lĩnh vực an sinh xã hội, tiếp cận các dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng bền vững.

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc tăng cường khung pháp lý và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội và tiếp cận dịch vụ công cho người dân. Tuy nhiên, phụ nữ phụ nữ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khi chính sách an sinh xã hội và các dịch vụ công chưa phản ánh đúng nhu cầu của họ. Ngoài những rủi ro mà nam giới cũng gặp phải như bệnh tật, thất nghiệp và yếu đuối do tuổi già, phụ nữ phải đối mặt với việc sinh nở và công việc chăm sóc không được trả lương, cản trở những nỗ lực của họ khi tham gia thị trường lao động.

Thiên chức làm vợ cản trở phụ nữ tham gia vào thị trường lao động ảnh 2Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại toạ đàm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, hiện nay lao động nữ chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp, khu vực phi chính thức, không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật, năng suất thấp với điều kiện lao động kém, thu nhập không ổn định. Thu nhập của lao động nữ thấp hơn lao động nam.

“Những yêu về trình độ đào tạo, kiến thức, năng lực… ngày càng cao hơn cùng với sự thay đổi của phát triển kinh tế trong thời đại mới. Trong khi đó, chức năng làm mẹ, chăm sóc con cái và gia đình vẫn luôn được cho là nhiệm vụ chủ yếu, trách nhiệm của phụ nữ đang ảnh hưởng không nhỏ đến sự tham gia vào thị trường lao động và cơ hội tiếp cận các dịch vụ công của phụ nữ.” Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Action Aid Việt Nam với sự tham gia của gần 8.000 người (năm 2015) cho thấy một phụ nữ ở tỉnh Hà Giang có thể tiết kiệm 56 ngày làm việc mỗi năm nếu gia đình họ được cung cấp nước sạch. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nghiên cứu do UN Women thực hiện năm 2016 cho thấy dịch vụ giao thông công cộng chưa phù hợp với nhu cầu an toàn của phụ nữ và trẻ em gái đã hạn chế khả năng di chuyển trong công việc và từ đó hạn chế sự tham gia các hoạt động kinh tế xã hội khác của họ.

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhận định: “Hệ thống an sinh xã hội, dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng bền vững là những lĩnh vực không thể thiếu để thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và Chương trình Nghị sự 2030 về các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Đầu tư vào lĩnh vực này là thiết yếu để giải phóng thời gian của phụ nữ, hỗ trợ việc di chuyển của họ, tăng cường việc tiếp cận các cơ hội giáo dục, y tế, kinh tế, và tăng khả năng chống chọi với những khó khăn trong cuộc sống.”

Kết quả trao đổi thảo luận của tọa đàm sẽ góp phần thúc đẩy đề xuất chính sách và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào thị trường lao động, đồng thời đóng góp vào việc thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động của Chính phủ về Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030. Các thông tin chia sẻ và khuyến nghị tại cuộc tòa đàm sẽ đóng góp vào báo cáo của Việt Nam tại Khóa họp lần thứ 63 của Ủy ban địa vị phụ nữ được Liên Hợp Quốc tổ chức vào trung tuần tháng 3 tại New York, Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục