Thiếu kinh phí trong điều trị nghiện bằng Methadone

Thử nghiệm thuốc điều trị thay thế methadone cho thấy những thành công nhất định, nhưng để mở rộng phương pháp này còn nhiều khó khăn.

Thử nghiệm thuốc điều trị thay thế methadone cho thấy những thành công nhất định, nhưng để mở rộng phương pháp này còn nhiều khó khăn.
 
VBH, 36 tuổi, ở phường An Biên, Lê Chân (Hải Phòng) nghiện heroin 8 năm, HIV dương tính, đã cai nghiện 3 lần nhưng đều tái nghiện. Trước điều trị, bệnh nhân cân nặng 53 kg, da xám, thể trạng yếu; tâm trạng luôn buồn chán và mặc cảm; không việc làm, ly thân với vợ; mỗi ngày dành 200.000 đồng mua heroin.
 
Sau 3 tháng điều trị với methadone, bệnh nhân tăng 3 kg, da sáng, ăn ngủ tốt, thể trạng chung tốt, biết chú ý tới trang phục bề ngoài, luôn biết quan tâm đến sức khỏe bản thân, được gia đình tin tưởng cho sử dụng xe máy để đi lại và đến cơ sở điều trị uống thuốc; đang tìm việc làm để ổn định cuộc sống.
 
Tương tự, bệnh nhân NTA, 26 tuổi, xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) từng nghiện heroin 6 năm. Sau 2 tháng điều trị với methadone, bệnh nhân tăng 3 kg và đã cùng bạn mở hiệu cắt tóc để có thêm thu nhập.
 
Bác sĩ - Thạc sĩ Peter Banys, Đại học California, San Francisco (một trong 5 chuyên gia tư vấn kỹ thuật của chương trình thử nghiệm methadone) đánh giá 5 phòng khám tại Việt Nam đang triển khai thí điểm chương trình thử nghiệm thuốc điều trị thay thế rất thành công, được vận hành một cách an toàn và thông minh bởi một đội ngũ nhiệt tình, có năng lực.
 
Nỗi lo “hậu chương trình”
 
Kết quả bước đầu tuy khả quan nhưng để mở rộng, rất nhiều khó khăn còn đó.
 
Ông Trần Xuân Sắc, Trưởng phòng 06, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội nói: “Nếu mở rộng Chương trình methadone thay thế ma túy, việc kiểm soát thị trường thuốc là một thách thức lớn”. Ông Sắc cũng cho biết tại một số nước, đã có bệnh nhân tự bớt liều để lấy methadone đem bán lấy tiền tiêu.
 
Bản thân liều sử dụng cũng cần được tiếp tục theo dõi trên từng người tham gia thử nghiệm thuốc. Mặc dù cho tới nay, hướng dẫn của Bộ Y tế được xây dựng khá tốt nhưng mỗi cá nhân vẫn cần bác sĩ theo dõi lâm sàng để chỉnh liều khi cần thiết.
 
Phó giáo sư - Tiến sĩ Trần Viết Nghị, Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam cho rằng: “Qua theo dõi nghiên cứu 10 năm tại Viện Sức khỏe tâm thần, chúng tôi thấy liệu pháp điều trị thay thế bằng methadone cần phải được phối hợp với tư vấn giáo dục và liệu pháp tâm lý nhận thức hành vi”. Đây là điều khó khăn vì số chuyên gia tư vấn tâm lý tại các trung tâm cai nghiện hiện đang rất thiếu.
 
Trên thực tế, việc mở rộng điều trị sẽ làm nảy sinh nhu cầu tuyển dụng thêm tư vấn viên. Hiện nay ở mỗi phòng khám thí điểm chỉ có hai nhân viên tư vấn trong khi lượng bệnh nhân là 250 người. Thêm vào đó, đội ngũ nhân viên tư vấn này cũng đang quá tải khi phải làm việc liên tục 7 ngày/tuần.
 
Nếu tình trạng này kéo dài, chắc chắn chất lượng dịch vụ sẽ giảm.
 
Khó khăn là kinh phí
 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết: “Chương trình điều trị bằng methadone được triển khai thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng với số lượng người nghiện chích ma túy được tham gia rất hạn chế (khoảng 1.500 người), chi phí khá đắt (chi phí năm đầu tiên cho một điểm điều trị 250 bệnh nhân là 3 tỷ đồng - mỗi bệnh nhân hết 11,7 triệu đồng, ước tính từ năm thứ hai là 2,2 tỷ đồng, mỗi bệnh nhân hết 8,9 triệu đồng). Nguồn kinh phí vận hành hiện nay đều do các tổ chức quốc tế tài trợ”.
 
Theo ông Sắc, sau khi hết hỗ trợ quốc tế thì kinh phí sẽ là điều khó khăn với hoạt động điều trị cai nghiện bằng methadone, nhất là khi Việt Nam chưa chủ động sản xuất được loại thuốc này và phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường thế giới.
 
Để duy trì và mở rộng chương trình can thiệp giảm tác hại nói chung và chương trình điều trị bằng methadone nói riêng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng cường đầu tư kinh phí cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS; cho phép Bộ Y tế xây dựng đề án tách dự án phòng, chống HIV thành chương trình mục tiêu quốc gia riêng để đảm bảo tăng cường nguồn lực, chỉ đạo.
 

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục