Thiếu thế hệ kế cận, Tuồng Thạch Lỗi đứng trước nguy cơ mai một

Những người gắn bó với nghệ thuật Tuồng cổ ở xã Thạch Lỗi (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) còn không nhiều, hiện cả xã chỉ còn khoảng 30 người chủ yếu là người cao tuổi còn giữ lại được hát Tuồng cổ.
Thiếu thế hệ kế cận, Tuồng Thạch Lỗi đứng trước nguy cơ mai một ảnh 1Hai thành viên Câu lạc bộ hát Tuồng Thạch Lỗi đang nhập vai trong vở diễn tuồng cổ. (Ảnh: Tiến Vĩnh/TTXVN)

Nghệ thuật tuồng đã có mặt tại xã Thạch Lỗi (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) từ rất lâu và nổi tiếng trong vùng.

Tuy nhiên, trong thời kỳ chiến tranh kháng chiến, dân cư di tản khiến hoạt động biểu diễn văn nghệ tại đây bị ngừng lại.

Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật hát Tuồng Thạch Lỗi

Năm 1960, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã hỗ trợ người dân trong xã phục dựng lại nghệ thuật Tuồng cổ.

Tuy nhiên, những người gắn bó với nghệ thuật Tuồng cổ ở đây còn không nhiều. Hiện cả xã chỉ còn khoảng 30 người chủ yếu là người cao tuổi còn giữ lại được hát Tuồng cổ.

Những người này thường xuyên trăn trở về việc truyền nghề cho lớp trẻ để gìn giữ nghệ thuật truyền thống này. Mặc dù đã tìm kiếm nhiều năm, nhưng việc tìm được người trẻ vừa có giọng hát, vừa đam mê mà lại tâm huyết với Tuồng là rất khó.

[Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng và Giáo sư Hoàng Châu Ký]

Những người cao niên gắn bó với Tuồng cổ Thạch Lỗi rất mong mỏi tìm được người tâm huyết để truyền nghề.

Tuy nhiên, nghệ thuật Tuồng có đặc điểm là một loại hình sân khấu tổng thể. Hát tuồng vừa mang yếu tố ca hát, vũ nhạc được phát triển hài hòa trong nghệ thuật biểu diễn.

Tuồng là sự kết hợp yếu tố của sân khấu cổ điển và hiện đại, mang trong mình giá trị nghệ thuật, văn hóa tinh thần đặc trưng của dân tộc.

Năm 2018, xã Thạch Lỗi đã đưa môn học này vào trường học để giảng dạy ở các buổi ngoại khóa cho học sinh Tiểu học và Trung học Cơ sở.

Sau một thời gian học, các học sinh không được trau dồi, biểu diễn thường xuyên nên phần lớn đã quên và không nhớ được lời hát.

Đến 9/2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Cẩm Giàng tổ chức chương trình sưu tầm, tư liệu hóa và truyền dạy nghệ thuật hát Tuồng xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng.

Ban chủ nhiệm chương trình đã tổ chức sưu tầm, tư liệu hóa các tài liệu liên quan đến di sản văn hóa nghệ thuật hát Tuồng tại xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng qua phỏng vấn, ghi âm, quay phim tư liệu từ những cá nhân đang thực hành di sản văn hóa hiện đang sinh sống tại xã Thạch Lỗi.

Đồng thời phối hợp với các nghệ nhân cùng cộng đồng xây dựng chương trình và tổ chức lớp truyền dạy những kỹ năng thực hành trong nghệ thuật hát Tuồng cho người dân xã Thạch Lỗi, đặc biệt hướng đến lớp trẻ kế cận.

Hiện nay, lớp trẻ thường thích những loại hình văn hóa sôi động, hấp dẫn khác nên không còn mặn mà với nghệ thuật hát Tuồng tại quê hương.

Để bảo tồn nghệ thuật hát Tuồng cổ truyền thống của xã, năm 2022, Thạch Lỗi đã thành lập Câu lạc bộ hát Tuồng Thạch Lỗi với 26 thành viên là những người đam mê với Tuồng cổ.

Thiếu thế hệ kế cận, Tuồng Thạch Lỗi đứng trước nguy cơ mai một ảnh 2Các thành viên câu lạc bộ Tuồng Thạch Lỗi luyện tập cảnh binh lính trong vở tuồng cổ. (Ảnh: Tiến Vĩnh/TTXVN)

Phần lớn hoạt động của Câu lạc bộ Tuồng là nguồn kinh phí tự túc nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc đào tạo và thu hút thế hệ trẻ tham gia.

Ông Hoàng Đình Qúy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuồng Thạch Lỗi cho biết đây là bộ môn vừa khó học mà lại rất kén khán giả xem. Câu lạc bộ vẫn cố gắng duy trì mỗi tuần hai buổi sinh hoạt hát Tuồng.

Để mọi thành viên có thể cùng tham gia, Câu lạc bộ cũng chọn những vở phù hợp với nhiều thành viên để mọi người cùng có sân chơi chung trong các vở tuồng.

Xây dựng nghệ thuật tuồng thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Tỉnh Hải Dương đang xây dựng hồ sơ đề nghị đưa nghệ thuật tuồng tại xã Thạch Lỗi (Cẩm Giàng) và Thống Kênh (Gia Lộc) vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Việc nghiên cứu các giá trị nghệ thuật tuồng tại xã Thạch Lỗi (Cẩm Giàng), Thống Kênh (Gia Lộc) nhằm mục đích tiếp tục bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Từ tháng 7-11/2023, Sở sẽ tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, tổng hợp tư liệu và các hoạt động có liên quan để xây dựng hồ sơ; tháng 12/2023 hoàn thiện hồ sơ, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Hồ sơ khoa học được lập với các nội dung khảo sát điền dã nghiên cứu, sưu tầm tư liệu về các làn điệu, kịch bản tuồng cổ và mới, các vở, trích đoạn đang được trình diễn; tiểu sử, sự nghiệp của các cá nhân, nghệ nhân, các tác giả kịch bản...

Chụp ảnh tư liệu về di sản, lựa chọn ảnh đưa vào hồ sơ; ghi hình, dựng phim giới thiệu về di sản; xây dựng bản đồ phân bố di sản văn hóa nghệ thuật tuồng.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục