Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất cách tháo gỡ tình trạng thiếu lương thực ở châu Phi

Tổng thống Erdogan nhấn mạnh ngũ cốc của Nga sẽ được chuyển giao miễn phí tới các quốc gia như Mali, Djibouti, Sudan và Somalia, và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ góp sức cho hoạt động vận chuyển này.
Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất cách tháo gỡ tình trạng thiếu lương thực ở châu Phi ảnh 1Tàu chở lúa mỳ cập cảng của Djibouti ngày 30/8/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 17/11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho rằng mặt hàng ngũ cốc xuất khẩu của Nga có thể được chế biến thành dạng bột mỳ tại Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó vận chuyển sang châu Phi để giúp tháo gỡ tình trạng thiếu lương thực tại khu vực này.

Phát biểu trên chuyến bay trở về từ Bali (Indonesia) sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Tổng thống Erdogan nhấn mạnh ngũ cốc của Nga sẽ được chuyển giao miễn phí tới các quốc gia như Mali, Djibouti, Sudan và Somalia, và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ góp sức cho hoạt động vận chuyển này.

[Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine]

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ: "Chúng tôi đã có thỏa thuận tương tự. Hy vọng mặt hàng lúa mỳ này sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ, chế biến thành dạng bột mỳ sau đó vận chuyển sang châu Phi. Đây là hoạt động cứu trợ lớn lao cho các nước châu Phi."

Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen chúc mừng Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Tổng thống Erdogan vì các nỗ lực giúp gia hạn thành công thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc có tên Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen.

Ngoại trưởng Anh James Cleverly cùng nhiều quan chức phương Tây khác cũng hoan nghênh thông tin thỏa thuận trên được gia hạn thêm 4 tháng.

Trước đó cùng ngày, Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine cho biết thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc có tên Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen đã được nhất trí gia hạn  120 ngày "theo các điều khoản hiện hành."

Nga cũng đã xác nhận việc gia hạn này.

Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được Nga và Ukraine ký riêng rẽ với Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 22/7, tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết vấn đề cung cấp lương thực và phân bón ra thị trường toàn cầu.

Thỏa thuận này có hiệu lực trong vòng 120 ngày, theo đó sẽ hết hạn vào ngày 19/11.

Ngoài ra còn có một bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng Nga và Liên hợp quốc về việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga với thời hạn 3 năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục