Thổ Nhĩ Kỳ: Thắng lợi quân sự đã không tạo nên thành tựu chính trị

Chiến dịch ngừng bắn tại tỉnh Idlib ở Syria đến nay không mang lại hiệu quả mong muốn; một lần nữa Ankara đã thất bại trong việc đưa thắng lợi quân sự trở thành một thành tựu chính trị.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) tại cuộc gặp ở Moskva, Nga, ngày 5/3 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) tại cuộc gặp ở Moskva, Nga, ngày 5/3 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thỏa thuận đạt được tại Moskva giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 5/3 vừa qua về việc ngừng bắn tại tỉnh Idlib nhiều khả năng mang tính tạm thời.

Đụng độ giữa hai nước liên quan đến tương lai của khu vực này có thể sẽ một lần nữa xảy ra trong tương lai không xa. Tuy nhiên, việc Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhập các điều kiện của Nga (bao gồm chuyến thăm của ông Erdogan tới Moskva, trong khi Putin phớt lờ một lời mời trước đó từ Thổ Nhĩ Kỳ) cho thấy thế yếu của nước này.

Hơn nữa, mặc dù Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ coi việc trở lại thỏa thuận Sochi năm 2018 là một mục tiêu chính trị và quân sự, nhưng các thỏa thuận đạt được tại Moskva thực sự phá hỏng điều đó: thỏa thuận ngừng bắn tại Idlib là một bước hướng tới sự trao trả tỉnh này cho chế độ Assad.

Các nhà nghiên cứu Gallia Lindenstrauss, Daniel Rakov và Remi Daniel vừa qua đã có bài phân tích về vấn đề này trên trang mạng của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel.

Theo bài phân tích, tại cuộc gặp kéo dài 6 tiếng đồng hồ vào đầu tháng Ba vừa qua ở Moskva, Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã nhất trí chấm dứt đụng độ dọc theo chiến tuyến ở Idlib, thiết lập môt hành lang rộng 6km về hai phía đường cao tốc M4, và lực lượng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành tuần tra chung dọc theo đường cao tốc này.

Với các điều khoản này, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngừng Chiến dịch Lá chắn Mùa Xuân (bắt đầu triển khai ngày 27/2 vừa qua) mà không đạt được mục đích của mình - khiến lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad phải rút khỏi phạm vi các trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ tại Idlib tới đường ranh giới được ông Erdogan và Putin vạch ra ở Sochi năm 2018.

Trên thực tế, Ankara đã đồng ý cho sự tái hiện diện của chế độ Assad tại tỉnh Idlib. Tương lai của các trạm quan sát Thổ Nhĩ Kỳ ở tỉnh này không được bảo đảm và Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng phải sớm sơ tán một số trong đó.

Đụng độ tại Idlib trong những tuần gần đây cho thấy xung đột lợi ích rõ rệt giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, nhưng cũng cho thấy cả hai bên đều không muốn đối đầu kéo dài - mặc dù tình huống đó cho phép Nga hướng tất cả các bên vào thúc đẩy lợi ích của nước này.

Nga được cho là đã cho phép tình hình leo thang để chế độ Assad có thể giành lại quyền kiểm soát các bộ phận trong khu vực và kéo hỏa lực của phe nổi dậy ra khỏi bộ chỉ huy quân sự Nga tại căn cứ Khmeimim.

[Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thực thi thỏa thuận tuần tra chung ở Idlib]

Mặt khác, bất chấp những dấu hiệu về các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, tương tự như các lệnh trừng phạt từng được áp dụng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay chiến đấu của Nga hồi năm 2015, Nga đã kiềm chế trước những tổn thất lớn của lực lượng Syria và một số cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào Hezbollah và các lực lượng ủy nhiệm khác của Iran.

Những sự kiện này là lời nhắc nhở về ảnh hưởng hạn chế của Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh nước này nỗ lực triển khai một chính sách ngoại giao độc lập, đồng thời cân bằng giữa Nga và phương Tây.

Bất chấp những tuyên bố về lợi ích chung với châu Âu và Mỹ liên quan đến Idlib, cũng như nỗ lực gây áp lực đối với Liên minh châu Âu thông qua việc đưa hàng nghìn người tị nạn tới biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, ông Erdogan vẫn không thể giành được sự ủng hộ đáng kể từ phía các nước châu Âu hay từ NATO.

Lời đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa biên giới cho người tị nạn đang tìm cách vào Liên minh châu Âu (EU) từng được đưa ra trước đây, và được Ankara coi là quân bài để các nước châu Âu khó có thể từ chối yêu cầu của mình.

Tuy nhiên, hiệu quả của những lời đe dọa này trên thực tế không lớn và chuyến thăm của ông Erdogan tới Brussels ngày 9/3 vừa qua không mang lại kết quả mong muốn cho Ankara: truyền thông đưa tin EU chỉ sẵn sàng cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ 500 triệu euro để hỗ trợ người tị nạn Syria.

Châu Âu có khả năng sử dụng COVID-19 để biện minh cho các hành động khắt khe nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn tại biên giới và phớt lờ những phản ứng gay gắt của lực lượng an ninh Hy Lạp.

Mặc dù ủng hộ bằng lời đối với hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Idlib, nhưng Mỹ đến nay chưa có phản ứng nào trước yêu cầu của Ankara triển khai các khẩu đội tên lửa đất đối không Patriot tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Quan điểm của chính quyền Mỹ nên được hiểu trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Trừ phi Ankara thay đổi kế hoạch, các hệ thống này sẽ được đưa vào vận hành trong tháng Tư tới và tạo ra căng thẳng nghiêm trọng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh NATO.

Hơn nữa, việc Mỹ không có hành động thực tế nào đã củng cố quan điểm rằng ít nhất là trong tương lai gần, Washington sẽ chỉ đóng một vai trò hạn chế trong định hình tương lai của Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ: Thắng lợi quân sự đã không tạo nên thành tựu chính trị ảnh 1Xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cuộc tuần tra chung với Nga trên tuyến đường M4 nối Latakia và Aleppo của Syria ngày 15/3 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Do đó, vai trò trung tâm của Nga so với vai trò không đáng kể của Mỹ đã hạn chế không gian hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ chống chế độ Assad, đồng thời gia tăng sự yếu kém của Thổ Nhĩ Kỳ trong phối hợp với Nga. Hiện tại, Nga có vẻ là nhân tố quốc tế duy nhất có thể kiềm chế Ankara.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với thách thức từ làn sóng người tị nạn từ Idlib do các cuộc xung đột gần đây, với nguy cơ tăng thêm 1 triệu người ngoài con số 3,5 triệu người tị nạn hiện đang ở nước này, cho dù biên giới Nga-Thổ được đóng lại.

Bất mãn trong dân chúng tại Ankara trước sự hiện diện của những người tị nạn ngày một tăng. Biện pháp duy nhất để ngăn chặn dòng người tị nạn tiếp tục đổ về là khoanh vùng tại miền Bắc Idlib cho những người phải rời bỏ nhà cửa, nhưng điều kiện sống tại đây nhiều khả năng sẽ đặc biệt khó khăn.

Một khả năng khác là đưa họ từ Idlib tới Đông Bắc Syria, nhưng điều này sẽ không giúp đưa người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ trở lại Syria. Trong trường hợp nào đi nữa, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ cần sự hỗ trợ từ các quốc gia hoặc tổ chức quốc tế để giải quyết thách thức này.

Một vấn đề quan trọng khác trong bối cảnh hiện nay là khả năng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong việc sử dụng máy bay không người lái tấn công.

Mặc dù còn nghi ngờ về thông tin do Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra về thương vong của quân đội Syria, nhưng lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ thực sự đã gây thiệt hại lớn cho quân đội Syria nhờ sử dụng hơn 100 máy bay loại này.

Tương tự Israel, Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công các hệ thống phòng không SA-22 của quân đội Syria do Nga sản xuất, nhằm chứng tỏ rằng các hệ thống này không phải là mối đe dọa đối với sự tự do hành động quân sự nhằm làm bẽ mặt Nga.

Thông qua các bài báo phổ biến và được điều phối tốt về kết quả các cuộc tấn công này trên truyền thông và các mạng xã hội, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ muốn chứng tỏ mình là quốc gia duy nhất gây tổn thất lớn cho lực lượng của Assad trong cuộc chiến, qua đó nhân được sự ủng hộ của các nước phương Tây.

Tuy nhiên, chiến dịch này đến nay không mang lại hiệu quả mong muốn. Một lần nữa Ankara đã thất bại trong việc đưa thắng lợi quân sự trở thành một thành tựu chính trị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục