Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nhận F-35 bất chấp sự phản đối của Thượng viện Mỹ

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Mike Andrews cho biết Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ nhận máy bay chiến đấu F-35 mặc dù Thượng viện Mỹ thông qua dự luật ngăn chặn việc bán các máy bay này.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nhận F-35 bất chấp sự phản đối của Thượng viện Mỹ ảnh 1Máy bay F-35. (Nguồn: f35.com)

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Mike Andrews ngày 20/6 cho biết, mặc dù Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua dự luật ngăn chặn việc bán các máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, song Ankara vẫn sẽ nhận được những máy bay này tại một lễ kỷ niệm diễn ra trong tuần ở bangTexas.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên kênh truyền hình CNN, người phát ngôn trên cho hay, Tập đoàn Lockheed Martin sẽ tổ chức một buổi lễ giới thiệu mẫu máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ ở Fort Worth vào ngày 21/6 và 2 chiếc phản lực F-35 sẽ được đưa tới căn cứ không quân Luke ở Arizona vào ngày hôm sau.

[Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích dự luật của Mỹ cấm bán máy bay cho Ankara]

Ông Mike Andrews cũng nói rằng các phi công và nhân viên bảo trì loại máy bay chiến đấu F-35 của Thổ Nhĩ Kỳ đã tới căn cứ không quân Luke và sẽ sớm bắt đầu tham gia khóa huấn luyện bay.

Tuyên bố trên được ông Mike Andrews đưa ra trong bối cảnh trước đó ngày 18/6, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật chính sách quốc phòng trị giá 716 tỷ USD, trong đó có điều khoản bổ sung cấm bán máy bay F-35 cho Ankara. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng chỉ trích động thái này của Thượng viện Mỹ khi cho rằng nó đi ngược lại tinh thần quan hệ đối tác chiến lược.

Theo kế hoạch, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mua hơn 100 máy bay chiến đấu F-35 của hãng Lockheed Martin và đang đàm phán với Washington về việc mua tên lửa Patriot.

Tuy nhiên, tháng 12 năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận với Nga mua hệ thống tên lửa đất đối không S-400, coi đây như một phần trong kế hoạch của Ankara nhằm tăng cường khả năng phòng thủ giữa lúc các cuộc xung đột tại khu vực biên giới với Syria và Iraq gia tăng thời gian qua.

Động thái của Ankara mua S-400 đã gây khó chịu cho các nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục