Thời hạn đã hết, lao động chưa thấy về

Theo biên bản làm việc giữa Cục Lao động ngoài nước và Vietcom cùng thân nhân người lao động, ngày 25/4 Vietcom sẽ đưa 16 lao động về nước.

Như Vietnam+ đã đưa tin về vụ việc người lao động tại Nga của công ty  cổ phần cung ứng nhân lực và thương mại Vietcom gọi điện về nhà cầu cứu bị trả chậm lương 3 tháng và các chế độ làm việc không đảm bảo.

Theo như biên bản làm việc giữa Cục Lao động ngoài nước và công ty Vietcom cùng thân nhân người lao động, ngày 25/4 Vietcom sẽ đưa 16 lao động về nước.

Hôm nay, ngày 27/4, thời hạn đưa lao động về nước đã qua nhưng người vẫn chưa về…

Lao động bữa làm, bữa nghỉ

Tối 25/4, Vietnam+ đã liên lạc điện thoại với nhóm 16 lao động tại Nga của công ty Vietcom. Những người này cho biết, hiện tại công trình bệnh viện phụ sản Ropdom ở Dmitrov đã hoàn thành, từ thời gian đó tới nay là gần 1 tháng, họ đã chuyển tới 4 nơi làm mới theo yêu cầu của chủ lao động, nhưng không nơi nào ổn định…

Anh Trần Ngọc Doanh (quê Đồng Mít, Mỹ Đức, Hà Nội), cho biết hiện nay 16 người vẫn đang tạm trú tại Trung tâm thương mại Hà Nội (Matxcơva). Anh nói thêm: "Từ hôm rời công trình bệnh viện phụ sản, bữa làm bữa nghỉ, tiền lương 3 tháng công ty đối tác của Vietcom là APC vẫn chưa trả."

“Vào ngày 16/4, ông Trịnh Việt Cường, đại diện của Vietcom sang Nga đã gặp trực tiếp lao động, và tạm ứng trước cho mỗi lao động 1000 rup ( tương đương 500.000 đồng Việt Nam) để lo cuộc sống trước mắt,” Trần Ngọc Doanh cho biết.

Hiện tại, cả lao động và thân nhân có nguyện vọng Vietcom và công ty đối tác APC giải quyết đưa người lao động về nước càng nhanh càng tốt. Trao đổi với Vietnam+, anh Nguyễn Văn Trung, người thân của 2 trong 16 lao động ở Nga cho biết: “Trong trường hợp bất đắc dĩ, Vietcom và công ty đối tác không tìm được việc làm mới thì gia đình mong muốn đưa lao động về nước càng sớm càng tốt.”

Anh Trung cũng không loại trừ giải pháp Vietcom tìm được việc làm mới. Trong trường hợp đó, cả người lao động và thân nhân đều yêu cầu làm rõ tính hợp pháp của hợp đồng lao động mới. Hợp đồng khi ký ngoài lao động và chủ mới phải thông chứng nhận qua cơ quan quản lý lao động của Nga và đại sứ quán Việt Nam tại Nga.

Về phía Vietcom, giám đốc Lê Văn Quyền khẳng định: “Khi sang Nga, đại diện của công ty là ông Lê Văn Cường đã gặp gỡ với công ty đối tác APC và người lao động để tìm hướng giải quyết.  Đại diện Vietcom cũng đã lắng nghe ý kiến của lao động nhưng vấn đề tiền lương thì phụ thuộc một phần vào phía đối tác. Công ty APC còn tiền nợ 3 tháng tiền lương.”

Hai lần lỗi hẹn

Từ khi vụ việc phát sinh với việc phía đối tác là công ty APC chậm lương lao động, ngày 4/2, thân nhân của lao động đã có buổi làm việc với công ty Vietcom và nhận được lời hứa giải quyết trước ngày 20/2.

Lời hẹn 20/2 trôi qua, ngày 25/3 trong buổi làm việc có thanh tra cục Quản lý lao động ngoài nước, Vietcom đã cam kết giải quyết vấn đề, nếu lao động có yêu cầu về nước sẽ đưa người về sau 1 tháng.

Tới nay, thời hạn 25/4 đã qua, 16 lao động đã gặp được đại diện Vietcom nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Về quan điểm công ty đối tác nợ 3 tháng tiền lương, ông Quyền đưa ra hướng giải quyết: “Công ty APC phải ký nợ lương với lao động có chứng nhận của Đại sứ quán tại Nga.”

Ông nói thêm: “Chủ sở hữu lao động phải thanh toán tiền lương và tiền vé máy bay. Nếu công ty APC chưa có tiền lo vé máy bay thì Vietcom cho mượn, nhưng phải viết giấy nợ với người lao động.”

Khi được hỏi về khoảng thời gian lao động sẽ trở về, ông Quyền chỉ nói: “Công ty đang liên hệ vé máy bay. Có thể 16 lao động không về cùng đợt mà sẽ về rải rác, tùy vào giá vé ở từng thời điểm.”

Khi Vietnam+ liên lạc điện thoại với 16 lao động tại Nga, họ cho biết: “Hiện tại tâm lý của anh em đều rất chán nản, không ai nghĩ tới việc làm trước mắt nữa. Cuộc sống tại Matxcơva cũng không ổn định, chỉ muốn được công ty Vietcom và APC lo ngay vé máy bay về nước.”

Thông Chí (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục