Trong bài bình luận đăng trên thời báo Sydney Morning Herald, nhà báo kinh tế Stephen Bartholomeusz cho rằng thời khắc "dầu đạt đỉnh" đang ngày càng đến gần hơn.
Theo tác giả, khái niệm "dầu đạt đỉnh" đề cập đến thời điểm khi sản xuất bắt đầu giảm sút, đã tạo ra rất nhiều cuộc tranh luận trong vài thập niên qua. Tuy nhiên, ngày nay, khái niệm này được hiểu là khi nhu cầu về dầu mỏ bắt đầu giảm sút và thực tế thời khắc đó dường như đang dần hiện hữu.
Cuối tuần trước, Saudi Aramco - tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước của Saudi Arabia, đồng thời là tập đoàn dầu mỏ lớn nhất thế giới và là doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất thế giới - đã công bố bản cáo bạch của một cơ sở sản xuất dầu mỏ khổng lồ. Saudi Arabia có kế hoạch bán 2% hoặc 3% cổ phần của Saudi Aramco, trong một đợt tái cấu trúc và tăng vốn bắt đầu vào tuần tới. Dự kiến số cổ phần này có giá trị được tập đoàn định giá trong khoảng 1.300-1.700 tỷ USD.
Bản cáo bạch bao gồm các dự báo từ một nhà tư vấn công nghiệp có uy tín, IHS Markit, đánh giá nhu cầu về dầu mỏ thế giới sẽ đạt "đỉnh" vào năm 2035. Ngoài ra, bản cáo bạch cũng đề cập tới một kịch bản, khi mà cầu về dầu mỏ có thể đạt "đỉnh" sớm nhất vào đầu những năm 2020.
Tuần trước, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) - một hiệp hội chuyên quản lý và định giá dầu mỏ do Saudi Arabia dẫn đầu - đã công bố báo cáo Triển vọng Dầu Thế giới hàng năm, đánh giá nhu cầu về dầu mỏ vẫn gia tăng, nhưng tốc độ đang giảm dần cho đến khi gần như không đáng kể vào khoảng năm 2040.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết dầu đạt "đỉnh" có thể xảy ra sớm nhất vào cuối những năm 2020 hoặc những năm 2030.
Tập đoàn Dầu mỏ Shell dự báo nhu cầu về dầu mỏ sẽ suy giảm vào cuối những năm 2020, trong khi BP, một gã khổng lồ trong ngành dầu khí, lại tiên đoán thời điểm dầu đạt "đỉnh" rơi vào những năm 2030. Một công ty dầu khác, BHP, tại buổi thuyết trình dầu khí hôm đầu tuần này, cũng có quan điểm tương đồng với BP.
Những dự đoán nêu trên cho thấy nhu cầu về dầu mỏ của các thành viên OPEC, bao gồm cả các nền kinh tế phát triển nhất thế giới, đã chuyển dịch từ sự tăng trưởng nhu cầu sang suy giảm dài hạn trong tiêu thụ dầu mỏ, bắt đầu từ thế kỷ 21.
Dự kiến, đến năm 2040, nhu cầu về dầu mỏ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) sẽ thấp hơn gần 10 triệu thùng dầu/ngày so với giai đoạn năm 2018. Bù đắp cho sự suy giảm đó sẽ là tăng trưởng nhu cầu từ các nước ngoài OECD, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc, với khoảng 12 triệu thùng dầu/ngày.
Tuy nhiên, mức gia tăng hàng năm trong tổng cầu về dầu mỏ dự kiến sẽ chậm lại khoảng 2/3, bắt đầu từ năm 2018 cho tới những năm 2020 và tiếp tục giảm tốc nhanh hơn nữa cho tới năm 2040.
Việc dầu đạt "đỉnh" sớm hay muộn phụ thuộc nhiều vào phản ứng của các nền kinh tế phát triển đối với biến đổi khí hậu - liệu các nước này có theo đuổi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và cam kết giữ cho nhiệt độ toàn cầu gia tăng ít hơn 2 độ C so với mức tiền công nghiệp trong thế kỷ này hay không - và đặc biệt là tốc độ giao thông đường bộ sẽ được điện khí hóa như thế nào.
[Nga và Saudi Arabia ký thỏa thuận hợp tác chủ chốt về dầu mỏ]
Thực tế cho thấy vận tải đường bộ chiếm hơn 40% tổng cầu về dầu mỏ, trong khi toàn bộ lĩnh vực giao thông chiếm khoảng 60% tổng cầu.
Các nước phát triển trên thế giới đang ngày càng có xu hướng ưa chuộng sản xuất ôtô tiết kiệm và sử dụng ít nhiêu liệu hơn. Hầu hết các nhà sản xuất ôtô lớn trên thế giới đều đang chế tạo ôtô điện. Đã có những cải tiến nhanh chóng trong lĩnh vực sản xuất pin năng lượng Mặt Trời và xuất hiện nhiều khoản đầu tư đáng kể vào lĩnh vực công nghệ pin nhiên liệu.
Sự phát triển của các loại máy bay thế hệ mới, tiết kiệm năng lượng hay sử dụng xăng sinh học, cũng có thể tác động đến nhu cầu về dầu mỏ. Hàng không là phân khúc phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực giao thông vận tải và được củng cố bởi các tầng lớp trung lưu đang ngày càng phát triển, đặc biệt tại khu vực châu Á.
Quá trình tiếp nối giai đoạn tăng trưởng yếu và kéo dài của nền kinh tế thế giới do khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu của dầu mỏ và sự thay thế của các loại nhiên liệu khác, đặc biệt là khí đốt tự nhiên.
Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng cung-cầu của dầu mỏ là giá cả. Nếu giá dầu tiếp tục giảm đáng kể, giúp cải thiện khả năng cạnh tranh của giá dầu với nhiên liệu thay thế, thì nhu cầu về dầu mỏ có thể giữ vững vị trí lâu hơn dự kiến.
Khi giá giảm, hệ lụy của nó là đầu tư cho sản xuất trong tương lai cũng sẽ có khả năng giảm mạnh, tác động đến phía cung cấp hàng hóa trong hệ phương trình cân bằng cung-cầu và đặt ra một mức giá sàn chung.
Có một sự đánh đổi khá thú vị cho Saudi Arabia và Saudi Aramco, với tư cách là nhà sản xuất có chi phí rẻ nhất thế giới, tập đoàn này có thể duy trì hoặc tăng sản lượng - nhưng gần như chắc chắn Saudi Aramco sẽ tăng thị phần từ mức hiện tại lên khoảng 10% - thậm chí kể cả khi tổng thị trường cung cấp bị thu hẹp và/hoặc giá dầu sẽ giảm.
Điều này đang diễn ra trên thực tế. Và sự thật là tập đoàn này đang tiếp tục sản xuất bất chấp giá dầu đã yếu đi. Sau các cuộc tấn công vào một cơ sở sản xuất chính của Saudi Aramco hồi tháng Chín năm nay, Saudi Arabia rất muốn đa dạng hóa nguồn thu và giảm nguy cơ dễ bị tổn thương của quốc gia bằng cách giảm dần sự phụ thuộc gần như hoàn toàn vào doanh thu từ dầu mỏ.
Sẽ là một quá trình lâu dài để có thể tạo ra quy mô lớn cho Saudi Aramco, bởi việc này liên quan tới khả năng của các cổ đông và sự sẵn sàng "hấp thụ" một số lượng lớn các cổ phiếu tài sản dầu khí khổng lồ, trong bối cảnh nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng yếu đi ở thế giới phát triển.
Tuy nhiên, sự khởi đầu của quá trình đó, trong những trường hợp không thuận lợi, báo hiệu rằng Saudi Arabia không sẵn sàng đặt cược tương lai của nước này trước khả năng dầu đạt "đỉnh" - khi nhu cầu đạt ngưỡng cao nhất thay vì sản xuất - có thể xảy ra sớm hơn dự đoán./.