Thời kỳ đỉnh cao của mối quan hệ Nga-Trung có lẽ đã trôi qua?

Nếu Trung Quốc vượt Mỹ trở thành siêu cường lớn nhất thế giới trong tương lai, cán cân quyền lực toàn cầu sẽ thay đổi đáng kể, ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Nga.
Thời kỳ đỉnh cao của mối quan hệ Nga-Trung có lẽ đã trôi qua? ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: AFP)

Trang mạng thediplomat.com đưa tin những người bạn tốt nhất vẫn có thể trở thành những kẻ thù tồi tệ nhất. Trung Quốc có nên ghi nhớ câu nói này khi nhắc đến mối quan hệ giữa họ và Nga?

Hiện tại, khó có khả năng xảy ra hiềm khích giữa hai đối tác này, đặc biệt là sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công khai ca ngợi Bắc Kinh tại hội nghị Tuần lễ Năng lượng Nga vừa qua.

Tuy nhiên, bất chấp những tuyên bố công khai ôn hòa, quan hệ Nga-Trung có lẽ không thể che giấu hết những bức xúc ngày càng lớn của giới tinh hoa Nga đối với Bắc Kinh.

Bài báo mới nhất của Giáo sư Alexander Lukin trên tờ Washington Quarterly ghi nhận sự thay đổi này.

Trở lại năm 2018, cuốn sách "Trung Quốc và Nga: Tình hữu nghị mới" của ông đã thảo luận về cam kết hợp tác Nga-Trung. Ngược lại, giờ đây, Lukin thẳng thắn thừa nhận rằng “thời kỳ đỉnh cao của mối quan hệ Nga-Trung có lẽ đã trôi qua.”

Đây không phải là một quan điểm hiếm gặp của các học giả phương Tây hoặc các chuyên gia Nga thân với phương Tây.

Tuy nhiên, ông Lukin không thuộc hai nhóm đối tượng trên, và xuất thân của Lukin mang lại "sức nặng" đặc biệt cho lập luận của ông. Ông Lukin từng phục vụ trong Bộ Ngoại giao Liên Xô và Đại sứ quán Liên Xô tại Trung Quốc, đồng thời là Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Nga.

[Tàu chiến của Nga và Trung Quốc cùng tập trận trên biển Nhật Bản]

Ông Lukin sẽ không nắm giữ bất kỳ chức vụ nào kể trên nếu ông là một người theo chủ nghĩa tự do thân phương Tây.

Trái lại, những bài viết trước đây của ông Lukin cho thấy mối quan hệ sâu sắc giữa ông và cơ quan ngoại giao Nga. Trong các cuộc trả lời phỏng vấn của các chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc do Trung tâm Carnegie Moskva thực hiện, ông Lukin là một trong số ít người có thể khẳng định rằng các quan chức hàng đầu của Nga thường xuyên đọc các tác phẩm của ông.

Trong khi đó, ông Lukin cũng có uy tín lớn ở Trung Quốc. Ông đã nhận được huân chương của Chủ tịch Trung Quốc trước đây là Hồ Cẩm Đào vì đã có những “đóng góp lớn cho sự phát triển của mối quan hệ Nga-Trung.”

Ông cũng được nhận huy chương của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) nhân kỷ niệm 10 năm thành lập vì đã có những đóng góp vào sự thành lập và phát triển của SCO.

Ông cũng giữ chức vụ giáo sư tại Đại học Chiết Giang. Một lần nữa, tất cả những vinh dự này cho thấy Lukin vừa hoạt động trong giới ngoại giao Trung Quốc, vừa thân thiện với Trung Quốc.

Vì vậy, có thể nói, quan điểm của ông Lukin cho thấy sự thay đổi nhất định trong suy nghĩ của một số nhân vật trong giới tinh hoa Nga, những người không thể công khai nói lên mối quan ngại của họ do cần duy trì sự hài hòa bên ngoài của quan hệ Nga-Trung.

Nếu nhận xét của ông Lukin là đúng, thì đằng sau vẻ bề ngoài, giới tinh hoa Nga đang lo ngại về Trung Quốc.

Mặc dù có nhiều yếu tố tác động đến mối quan hệ này, nhưng một trong những điều mà Nga quan tâm nhất là ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở Trung Á.

Thương mại và đầu tư của Nga ở khu vực này kém hơn so với Trung Quốc, nhưng cả hai nước đều có thể hoan nghênh một Trung Á thịnh vượng, đổi lại, họ sẽ ít phải đối mặt với tình trạng khủng bố và chủ nghĩa cực đoan hơn.

Tuy nhiên, gần đây, sức mạnh đáng kể của Trung Quốc ở Trung Á đã và đang làm suy yếu các thể chế kinh tế và quân sự của Moskva, vốn được xây dựng để tái liên kết khu vực này với Nga sau khi Liên Xô tan rã.

Về kinh tế, sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc đã và đang làm lu mờ Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) do Nga dẫn dắt.

Bất chấp thỏa thuận về việc liên kết hai dự án, Bắc Kinh và các thành viên Trung Á ưu tiên đàm phán trên cơ sở song phương, làm suy yếu vai trò lãnh đạo EAEU của Nga.

Như lập luận của Benno Zogg, so với sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, “đặc biệt là lượng quỹ dành cho cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ BRI, Nga và các dự án Á-Âu cứng nhắc, thiên về chủ nghĩa bảo hộ và chính trị hóa ra rất mờ nhạt.”

Trong bối cảnh đó, tháng 6/2020, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã không tham dự hội nghị trực tuyến cấp bộ trưởng BRI do Bắc Kinh tổ chức mà thay vào đó cử một đại sứ. Đây là lần đầu tiên Nga cử một đại diện cấp thấp đến hội nghị BRI. Bản thân Putin trước đây đã 2 lần tham dự hội nghị thượng đỉnh BRI.

Sự vắng mặt của Ngoại trưởng Lavrov có thể được viện lý do là vì diễn biến bất ổn của đại dịch COVID-19, nhưng cũng có thể “khéo léo” ám chỉ sự không hài lòng của Moskva đối với Bắc Kinh.

Quan trọng hơn, giả định chung rằng Moskva chịu trách nhiệm chính về an ninh ở Trung Á cũng đã bị thay đổi.

Hiện tại, Bắc Kinh không chỉ cung cấp vũ khí và huấn luyện quân sự cho các nước Trung Á, mà còn gửi quân đội Trung Quốc tới đó. Căn cứ quân sự do Trung Quốc xây dựng ở Tajikistan - nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc ở Tân Cương - không làm suy giảm vai trò của Nga ở Trung Á.

Tuy nhiên, theo ông Alexander Gabuev, ban đầu, cả Bắc Kinh và Dushanbe đều không tham vấn với Moskva về căn cứ này - bất chấp thực tế rằng Tajikistan đã là đồng minh quân sự của Nga từ năm 1992, với tư cách là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga lãnh đạo.

Sự đồng ý sau đó của Moskva có thể báo hiệu rằng quyết tâm của Nga nhằm đối đầu với Bắc Kinh ở Trung Á đang dần suy yếu. Vai trò an ninh của Moskva ở Trung Á vẫn lớn hơn Bắc Kinh, nhưng sự thống trị đó đang bắt đầu bị xói mòn.

Thực tế trên cho thấy quyền lực mềm của Nga ở Trung Á vẫn phổ biến ở khắp mọi nơi, nhờ mối quan hệ tự nhiên trong lịch sử và lợi thế về ngôn ngữ.

Các chương trình truyền hình và văn hóa đại chúng của Nga đang thịnh hành ở Trung Á, trong khi công chúng địa phương hầu như không biết đến bất kỳ nghệ sĩ nào của Trung Quốc hiện nay.

Nghiêm trọng hơn, trong 2 năm qua, đã có hơn 40 chiến dịch chống lại “sự bành trướng của Trung Quốc” ở Trung Á.

Theo Phong vũ biểu Trung Á, 35% người Kyrgyzstan và 30% người Kazakhstan có thái độ tiêu cực đối với Trung Quốc và các chính sách của nước này. Những yếu tố trên giúp Nga duy trì ảnh hưởng ở Trung Á.

Tuy nhiên, về lâu dài, chính sách ngoại giao tập trung vào giáo dục của Trung Quốc có thể thay đổi viễn cảnh trên.

Bắc Kinh đã khởi xướng kế hoạch giáo dục 10 năm cho các thành viên SCO, gồm 4 trong số 5 nước Trung Á.

Theo kế hoạch, Bắc Kinh sẽ cung cấp 30.000 học bổng chính phủ, mời 10.000 giáo viên và sinh viên thuộc Viện Khổng Tử tại các nước trên đến Trung Quốc. Cách tiếp cận này đã cho thấy hiệu quả.

Dựa trên nghiên cứu của Julie Yu-Wen Chen và Soledad Jiménez Tovar, các sinh viên đại học Trung Á tin vào ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh đối với Moskva và đa số họ nghĩ rằng Trung Quốc mang lại lợi ích nhiều hơn là gây hại cho Trung Á.

Niva Yau báo cáo rằng ở Kyrgyzstan, một số trường học đã bắt đầu dạy tiếng Trung miễn phí và bắt buộc từ lớp 5. Nhiều học sinh đã cảm thấy thuyết phục trước hình ảnh tích cực của Trung Quốc.

Hiện nay, sự thay đổi này có lẽ không đáng kể, nhưng ảnh hưởng về địa chính trị có thể sẽ rất sâu rộng.

Nói cách khác, giới tinh hoa Nga có lý do để lo lắng về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Á.

Tuy nhiên, như ông Lukin lập luận, áp lực mà Mỹ và phương Tây đang gây ra đối với Nga là động lực chính sách mạnh mẽ hơn nhiều so với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.

Do đó, trong ngắn hạn, chính sách đối ngoại của Nga khó có thể thay đổi. Tuy nhiên, về lâu dài, người dân Nga và chủ nghĩa dân tộc của nước này vẫn có thể chấp nhận được nếu Moskva trở thành một đối tác nhỏ ở Trung Á.

Xét cho cùng, khu vực này vẫn tượng trưng cho quá khứ huy hoàng của Nga với tư cách là một siêu cường.

Nếu Trung Quốc vượt Mỹ trở thành siêu cường lớn nhất thế giới trong tương lai, cán cân quyền lực toàn cầu sẽ thay đổi đáng kể, ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Nga.

Trong trường hợp đó, tất cả quân bài sẽ bị hủy bỏ. Như ông Dmitri Likhachev - một trí thức Nga lỗi lạc của thế kỷ XX - đã nhận định, Nga là một quốc gia khó đoán, với truyền thống tạo ra những thay đổi đột ngột./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục