Thời tiết cực đoan đe dọa đến sản lượng ngũ cốc toàn cầu

Thời tiết cực đoan đi kèm với tình hình hạn hán ngày càng nghiêm trọng tại một số nước đã tác động đến triển vọng và sản lượng ngũ cốc, nhất là lúa mỳ, của toàn thế giới trong mùa vụ 2018.
Thời tiết cực đoan đe dọa đến sản lượng ngũ cốc toàn cầu ảnh 1Cảnh khô hạn tại thị trấn Walgett, Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các đợt nắng nóng tại Bắc Mỹ, châu Âu và cả châu Á đang khiến cuộc sống của người dân ở những khu vực này bị đảo lộn. Không chỉ dừng ở đó, thời tiết cực đoan đi kèm với tình hình hạn hán ngày càng nghiêm trọng tại một số nước đã tác động đến triển vọng và sản lượng ngũ cốc, nhất là lúa mỳ, của toàn thế giới trong mùa vụ 2018.

Nắng nóng tác động tới sản lượng lúa mì

Tại châu Âu, nhiệt độ cao ở mức kỷ lục đã tác động tới nhiều cánh đồng lúa mì ở khu vực phía Bắc. Thêm vào đó là hiện tượng thời tiết khô hạn và mưa lớn tại các nước ở khu vực Biển Đen đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ mất mùa, đẩy giá loại ngũ cốc này tăng cao.

Trước thực tế nhiều nước châu Âu sắp bước vào mùa thu hoạch, giới chuyên gia đã phải hạ dự báo sản lượng thu hoạch lúa mì tại các nước Liên minh châu Âu (EU) do tác động của thời tiết khắc nghiệt.

Cơ quan tư vấn và nghiên cứu thị trường nông nghiệp Strategie Grains đã hạ dự báo sản lượng thu hoạch lúa mì trong niên vụ 2018-2019 tại EU xuống dưới 130 triệu tấn.

Đây là mức thấp nhất được ghi nhận trong vòng sáu năm qua và thấp hơn nhiều so với mức sản lượng của niên vụ trước là 141,8 triệu tấn.

Sản lượng của những nước sản xuất lúa mì hàng đầu của châu Âu cũng dự kiến giảm trong vụ mùa này. Cụ thể, Pháp - nước sản xuất lúa mì đứng đầu khu vực - dự báo sẽ chứng kiến sản lượng giảm từ 36,6 triệu tấn hồi năm 2017 xuống còn 34 triệu tấn trong năm nay.

Sản lượng của nhà sản xuất lùa mì lớn thứ hai EU là Đức cũng dự kiến giảm xuống 20,7 triệu tấn trong năm nay, do ảnh hưởng từ đợt nắng nóng gay gắt nhất kể từ năm 1881. Thậm chí, Đức còn có thể sẽ phải nhập khẩu lúa mì trong năm tới do sản lượng trong nước sụt giảm mạnh.

[3 năm không có mưa, nông dân Afghanistan khốn đốn vì hạn hán]

Trong khi đó, sản lượng lúa mì của Romania, nhà xuất khẩu lúa mì lớn thứ ba châu Âu, cũng được dự báo sẽ giảm ít nhất 20% so với cùng kỳ năm 2017. Theo các quan chức ngành nông nghiệp của nước này, sự sụt giảm còn có thể lớn hơn nữa do những cơn mưa vẫn chưa chấm dứt khiến tình trạng tại các đồng lúa mì ngày càng tồi tệ hơn.

Còn tại Nga, cơ quan tư vấn Strategie Grains dự báo sản lượng lúa mì của nước này ước giảm 18% sau khi đã có một năm 2017 bội thu với sản lượng kỷ lục 85,7 triệu tấn.

Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng mà người nông dân Nga phải đối mặt chính là chất lượng của lúa mì tại nước này. Theo các chuyên gia, sản lượng lúa mì của Nga vẫn khá lớn nhưng sản lượng của những loại lúa mì đủ chất lượng để sử dụng trong thực phẩm có thể sẽ suy giảm.

Đối với Australia, nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ ba thế giới, sản lượng trong niên vụ năm 2018-2019 ước vào khoảng 21 triệu tấn, giảm nhẹ so với mức 21,2 triệu tấn ghi nhận trong niên vụ 2017-2018, chủ yếu do tình trạng khô hạn kéo dài và lượng mưa thấp.

Tuy nhiên, giới chức nông nghiệp của Australia vẫn cảnh báo con số này có thể sẽ còn giảm nhiều hơn nữa nếu không có mưa trong thời gian tới. Một số công ty dự báo độc lập còn đưa ra một kịch bản bi quan hơn khi ước tính sản lượng lúa mì của Australia có thể chỉ đạt 13 triệu tấn, thấp nhất kể từ sau đợt hạn hạn kỷ lục năm 2008.

Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) mới đây cũng đưa ra dự báo tổng sản lượng ngũ cốc toàn cầu sẽ chỉ đạt 2.059 triệu tấn trong niên vụ 2018-2019, giảm so với ước tính đưa ra hồi đầu tháng Bảy là 2.077 triệu tấn và là mức thấp nhất trong vòng ba năm qua.

Thậm chí, IGC lưu ý rằng con số dự báo này còn có thể bị điều chỉnh giảm xuống trong tương lai trước những diễn biến khó lường của thời tiết.

Báo của IGC cho biết sản lượng lúa mì là yếu tố chính đẩy sản lượng ngũ cốc nói chung đi xuống khi bị điều chỉnh giảm từ 737 triệu tấn tổng cộng trong báo cáo trước, xuống còn 721 triệu tấn. Con số này thấp hơn 37 triệu tấn so với sản lượng ghi nhận trong niên vụ 2017-2018.

Chính phủ các nước hỗ trợ người nông dân

Giá lúa mì đã tăng hơn 20% trên thị trường châu Âu và Mỹ trong gần một tháng qua do lo ngại về nguồn cung sụt giảm. Giá lúa mì đã xay giao kỳ hạn tại sàn giao dịch Euronext đặt tại Paris (Pháp) kể từ đầu tháng Tám vẫn ở quanh mức cao nhất trong hơn 5 năm qua là 214,5 euro (249,36 USD)/tấn.

Trước những thực tế đáng lo ngại trên, chính phủ các nước đang đẩy mạnh tìm kiếm giải pháp hỗ trợ người nông dân trong mùa Hè này.

Ngày 2/8, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết người nông dân sẽ có thể được nhận trước các khoản thanh toán trực tiếp về phát triển nông thôn cùng sự linh hoạt hơn trong sử dụng các khu đất, vốn bình thường không được dùng cho mục đích sản xuất, để chăn nuôi gia súc.

Theo đó, người nông dân có thể nhận tới 70% các khoản thanh toán trực tiếp và 85% khoản hỗ trợ phát triển nông thôn vào giữa tháng 10 thay vì đến tháng 12 như thông lệ.

Cao ủy châu Âu phụ trách nông nghiệp Phil Hogan cho biết ông đã có các cuộc trao đổi với một số Bộ trưởng của các nước bị ảnh hưởng để thảo luận về tình hình và cập nhật các tác động tiêu cực do nạn hạn hán gây ra. Ông cho biết EC sẵn sàng hỗ trợ nông dân bị ảnh hưởng bằng cách sử dụng một số công cụ, như cấp các khoản thanh toán tạm ứng cao hơn hay đáp ứng các yêu cầu về môi trường.

Ngoài ra, các nước thành viên EU có kế hoạch hỗ trợ cho nông dân tới 80% thiệt hại do hạn hán gây ra mà không bị coi là hành vi trợ cấp bất hợp pháp. Hiện EC đang liên lạc với tất cả các quốc gia thành viên để cập nhật thông tin trước ngày 31/8 về tác động do hạn hán gây ra cho nông dân từ mùa Xuân tới nay.

Chính phủ Thụy Sỹ cho biết chính quyền liên bang sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu thức ăn gia súc và cung cấp các khoản vay không lãi suất để hỗ trợ người nông dân đối phó với hạn hán, trong bối cảnh thời tiết nắng nóng đang làm cá chết trên sông Rhine. Theo phát ngôn viên Cơ quan nông nghiệp Thụy Sỹ, mức thuế nhập khẩu đối với cỏ khô và ngô khô sẽ giảm từ 3 franc Thụy Sỹ/100 kg xuống còn bằng 0.

Chính quyền Liên bang Thụy Sỹ cho rằng tình hình hạn hán liên tiếp tác động xấu đến nhiều phân khúc trong ngành nông nghiệp. Trong một thông báo khác, Chính phủ Thụy Sỹ nhấn mạnh sẽ đưa ra các biện pháp bổ sung và các bước thực hiện theo hướng dẫn riêng rẽ của từng bang.

Các biện pháp hỗ trợ người nông dân được Chính phủ Thụy Sỹ đưa ra trong bối cảnh thời tiết nắng nóng đã đẩy nhiệt độ sông Rhive tăng lên trên mức 27 độ C và làm chết hàng nghìn con cá trên sông Rhine.

Chính phủ Australia cũng đã công bố khoản cứu trợ trị giá 190 triệu AUD (tương đương 140,56 triệu USD) cho các vùng bị ảnh hưởng bởi thời tiết khô hạn, nâng tổng số tiền hỗ trợ của chính phủ lên con số 576 triệu AUD.

Trước đó, chính quyền bang New South Wales cũng đã cung cấp khoản tiền hơn 1 tỷ AUD cho người nông dân bị ảnh hưởng của bang này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục