Trước tình trạng ô nhiễm môi trường không khí diễn biến phức tạp, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã thống nhất 10 giải pháp cấp bách và lâu dài để kiểm soát, cải thiện môi trường trong thời gian tới.
Các giải pháp này được đưa ra trong cuộc họp khẩn để tìm các giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng không khí diễn ra vào chiều 19/12.
6 giải pháp trước mắt, 4 giải pháp lâu dài
Theo đó, giải pháp đầu tiên được Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất là Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cần ưu tiên bố trí ngay nguồn lực đầu tư, lắp đặt bổ sung hệ thống các trạm quan trắc môi trường để tăng các trạm quan trắc, bảo đảm cập nhật, cung cấp thông tin kịp thời về các chỉ số môi trường không khí. Bộ Y tế nghiên cứu, ban hành ngay khuyến cáo chính thức để người dân dự phòng, bảo vệ sức khỏe theo mức độ ô nhiễm môi trường không khí.
Giải pháp thứ hai mà các địa phương cần triển khai ngay là tổ chức và duy trì hoạt động phun nước rửa đường nhiều lần trong ngày tại các trục, tuyến đường giao thông chính của các đô thị. Thu gom triệt để rác, bụi bẩn trên các trục, tuyến, giải phân cách đường giao thông.
Thứ ba, ban hành quy định kiểm soát chặt chẽ yêu cầu bảo vệ môi trường của các công trình xây dựng. Thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trường hợp cần thiết yêu cầu ngừng ngay hoạt động sửa chữa, xây dựng nếu không bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Giải pháp tiếp theo là xây dựng và triển khai ngay kế hoạch vận động, hỗ trợ các hộ gia đình, hộ kinh doanh hạn chế, không sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt, tiến tới kiên quyết cấm sử dụng toàn bộ than tổ ong làm nguyên liệu đốt từ năm 2021.
[Ô nhiễm không khí: Nhận diện nguyên nhân để giải quyết triệt để]
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất các địa phương cần hỗ trợ các hộ dân sử dụng rơm rạ sau thu hoạch vào mục đích hiệu quả thay cho việc đốt không đúng quy định. Riêng với các trường hợp đốt chất thải vi phạm, gây ô nhiễm môi trường, cần xử lý nghiêm.
Cuối cùng, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các thành phố cần thực hiện điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài gây ô nhiễm môi trường. Đối với các xe ngoại tỉnh vào nội đô cần được chia làn, rửa xe, che chắn để hạn chế bụi.
Về lâu dài, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị 4 giải pháp. Đó là việc tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, đưa các điều khoản sửa đổi về bảo vệ môi trường không khí, giám sát, kiểm soát, đánh giá chất lượng môi trường không khí trong sửa đổi Luật bảo vệ môi trường năm 2014; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường; thiết lập các “hàng rào” kỹ thuật môi trường, tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới.
Cùng với đó, các địa phương đẩy mạnh lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với các phương tiện giao thông, áp dụng công cụ kinh tế để hạn chế việc sử dụng các phương tiện cũ, lạc hậu tại các khu vực đô thị. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải cần đẩy nhanh tiến độ hơn và mức cao hơn nhiều so với các tỉnh, thành phố khác.
Ngoài ra cần xây dựng kế hoạch, lộ trình tăng cường, phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng, thân thiện môi trường để thay thế việc sử dụng xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm xe phương tiện cá nhân, tiến tới loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu gây ô nhiễm môi trường. Trong nội đô cần tăng cường sử dụng các loại xe điện và thu hồi, loại bỏ xe cũ nát không đủ tiêu chuẩn.
Giải pháp cuối cùng là rà soát, đánh giá lại công tác quy hoạch tại các đô thị bảo đảm tính hợp lý, chú trọng quy hoạch cây xanh, mặt nước trong đô thị; trồng nhiều cây xanh tạo thành các vành đai xanh, khu phố xanh, thành phố xanh.
Di dời cơ sở sản xuất phát thải cao ra khỏi nội thành
Trong diễn biến liên quan, ngày 19/12, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để hạn chế, giảm thiểu nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí.
Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh - nơi có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất đặt trong nội thành, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh việc xây dựng kế hoạch và thực hiện di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm, có nguồn phát thải cao ra khỏi khu vực đô thị hoặc khu dân cư tập trung.
[Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi: Siết quản lý các nguồn thải khí bụi]
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, đánh giá toàn diện chất lượng môi trường không khí trên địa bàn; thực hiện các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, lắp đặt bổ sung các trạm quan trắc môi trường, hoàn thiện hệ thống cung cấp thông tin về môi trường để làm cơ sở cảnh báo, khuyến cáo người dân về chất lượng môi trường không khí.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục bố trí nguồn lực, tăng cường thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025.
Trong phạm vi thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao, các địa phương chủ động ban hành quy định kiểm soát chặt chẽ ngay từ nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường không khí, nhất là từ các phương tiện giao thông vận tải, hoạt động của các ngành công nghiệp, xây dựng và hoạt động dân sinh đảm bảo phù hợp với điều kiện của địa phương.
Cùng với đó, các địa phương triển khai các giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn, trong đó chú trọng kiểm soát chặt chẽ bụi, khí thải nói riêng, các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nói chung từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường../.