Đại diện Tông cục Môi trường cho biết trong khoảng thời gian giãn cách xã hội từ ngày 13/4 đến nay, chất lượng không khí tại đa số các đô thị đều ở mức tốt và trung bình.
Tuy nhiên, tại các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn có những ngày giá trị thông số bụi mịn PM2,5 tăng cao, vượt ngưỡng Quy chuẩn Việt Nam.
Theo đó, tại Hà Nội có 3/7 ngày có giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ vượt ngưỡng giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù không có ngày nào giá trị thông số PM2.5 trung bình 24 giờ vượt Quy chuẩn Việt Nam, nhưng cũng có những ngày giá trị PM2.5 tăng khá cao, nhất là ngày 13-15/4.
[10 loại công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn từ ngày 1/6]
“Xem xét tới những yếu tố tác động cho thấy Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có giá trị PM2.5 tăng cao đều là những ngày lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tại khu vực nội đô cũng gia tăng,” đại diện Tổng cục Môi trường nhấn mạnh.
Theo kết quả quan trắc tại các trạm quan trắc không khí trong nội thành Hà Nội, giá trị trung bình 24 giờ của thông số PM2.5 có sự thay đổi rất lớn giữa các ngày. Ngày 13/4, giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ đều rất thấp ở tất cả các trạm.
Tuy nhiên, từ ngày 15-16/4, ô nhiễm bụi PM2.5 tăng khá cao, hầu hết các trạm đều có giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 vượt giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam. Đây cũng là khoảng thời gian chỉ số ô nhiễm không khí ở mức cao nhất.
Ngoài ra, kết quả tính toán chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) ngày tại các trạm cũng cho thấy trong các ngày 15 và 16/4, chất lượng không khí duy trì ở mức kém (AQI từ 101-150) tại đa số các trạm ở trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Từ ngày 17-19/4, mức độ ô nhiễm bụi PM2.5 tại Thủ đô đã giảm, chất lượng không khí được đánh giá ở mức trung bình.
Tại một số đô thị khác khác như Việt Trì, Hạ Long, Huế, Khánh Hòa, về cơ bản chất lượng không khí vẫn duy trì ở mức tốt và trung bình./.