Trong lịch trình đầy ắp các hoạt động của Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội diễn ra những ngày qua, công chúng Thủ đô dễ dàng nhận ra một người phụ nữ nước ngoài cao lớn, với nụ cười cởi mở, duyên dáng trong trang phục áo dài truyền thống Việt Nam. Bà là Katherine Muller Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội.
Bà chia sẻ: "Tôi cảm thấy thật may mắn khi năm đầu tiên trong nhiệm kỳ công tác của tôi trùng hợp một cách diệu kỳ với dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Tuần này là một tuần lễ đầy xúc cảm. Tôi và bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO đã được tận hưởng không khí lễ hội, màn trình diễn pháo hoa, hòa vào đám đông dạo bước quanh thành phố, cố tìm cách qua đường giữa một rừng xe máy, thăm hỏi nhiều gia đình và mua sắm trong khu phố cổ..."
Vui mừng khi Con đường gốm sứ ven sông Hồng được ghi vào kỷ lục Guinness thế giới là bức tranh ghép gốm lớn nhất, bà Muller Marin coi đây là bằng chứng cụ thể về sự gắn kết xã hội, sự tham gia và niềm tự hào của cộng đồng.
Bà tin rằng trong tương lai, bức tường này sẽ tiếp tục khơi dậy niềm tự hào cùng ý thức về một bản sắc chung trong hàng triệu người dân Hà Nội cũng như du khách.
Mong muốn được ở lại làm việc lâu dài tại Việt Nam, dành thời gian để học tiếng Việt, bà bày tỏ mỗi người khi rời khỏi đất nước mình sinh ra để đến một đất nước khác làm việc đều để lại gia đình, bạn bè và những người thân. Khi rời Việt Nam, bà cũng có cảm giác đã để lại cả gia đình, bạn bè và luôn mong muốn phải làm gì đó cho Việt Nam. Với bà, “Việt Nam như nhà mình, như quê hương thứ hai vậy.”
Không riêng bà Muller Marin, Đại sứ Palestine tại Việt Nam - Saadi Salama, người vừa được trao giải đặc biệt cuộc thi quốc tế tìm hiểu về Thăng Long-Hà Nội mang tên “Hà Nội - Điểm hẹn của bạn” năm 2010, cũng cảm thấy rất may mắn được trở lại Việt Nam công tác đúng dịp nhân dân Việt Nam đang tưng bừng chào đón Đại lễ.
Là người Palestine từng học tập và làm việc tại Hà Nội từ thập kỷ 80 của thế kỷ 20, ông có rất nhiều kỷ niệm đẹp về Hà Nội; nói rất thạo tiếng Việt và có vốn hiểu biết sâu về Việt Nam.
Ông đánh giá cao sáng kiến tổ chức cuộc thi quốc tế tìm hiểu về Thăng Long-Hà Nội bởi đây là hình thức giới thiệu cho người nước ngoài giao tiếp trực tiếp hoặc gián tiếp với mảnh đất và con người nơi đây.
Ông cho rằng đó là cơ hội không thể bỏ lỡ của những người nước ngoài như ông, để thể hiện tình cảm với Hà Nội, nơi mà ông đã coi là quê hương thứ hai của mình.
Với Đại sứ Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam Pekka Hyvonen, cách để ông thể hiện tình cảm với Hà Nội là ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng về cảnh sắc và con người Hà Nội-Việt Nam.
"Tôi thường đi thăm thú Hà Nội bằng xe máy và đặc biệt thích cuộc sống ở thôn quê hay những cảnh thiên nhiên nơi đây. Hà Nội đã để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng và đã khơi gợi trong tôi vô vàn nguồn cảm hứng. Thế giới xung quanh chúng ta luôn thay đổi từng ngày, nhưng chỉ với một bức ảnh, những khoảnh khắc, cảnh vật sẽ mãi mãi còn lại với thời gian, còn lại trong ký ức. Sẽ thật tuyệt vời nếu có cơ hội được ngắm những bức ảnh của Hà Nội xưa. Hà Nội đẹp biết mấy, bất cứ ai trong chúng ta đều hy vọng Thủ đô ngàn năm tuổi sẽ được gìn giữ, bảo tồn cho thế hệ mai sau," ông chia sẻ.
Còn ông Philipe Chaplain, Chủ tịch Liên đoàn Di sản Pháp, người từng có cuộc triển lãm những bức ảnh cổ về Hà Nội năm 2009, thì nhận xét: "Đối với những người nước ngoài như chúng tôi, thật là kỳ diệu khi được đi bộ trong những con phố của Hà Nội để ngắm nhìn, lắng nghe và cảm nhận.
Sau nhiều lần đến Việt Nam, ông đã sở hữu một số lượng ảnh khổng lồ về Việt Nam, đặc biệt là về Hà Nội. Ông là người nước ngoài đầu tiên lập trang web về những bức ảnh cổ Hà Nội, lưu giữ hình ảnh về 36 phố phường Hà Nội xưa, về cây cầu Long Biên những ngày đầu mới xây dựng, về những nghề cổ của Hà Nội.
Từ năm 2006 đến nay, ông liên tục tham gia và đoạt giải cao trong cuộc thi quốc tế "Hà Nội - Điểm hẹn của bạn" và đã dành toàn bộ tiền thưởng ủng hộ người nghèo, trẻ mồ côi và bệnh nhân HIV/AIDS tại Hà Nội.
Kể về mối “duyên nợ” với cuộc thi tìm hiểu về Thăng Long-Hà Nội, ông cho biết lần đầu tiên đến Hà Nội năm 2005, ông đã tới thăm Thành Cổ Loa và rất hứng thú. Khi trở về Pháp, biết được thông tin về cuộc thi, ông đã tham gia với cảm xúc cảm nhận được từ lần đến Cổ Loa thành năm ấy.
Với ông, cuộc thi là cách tốt nhất để xây dựng nên cây cầu hữu nghị giữa bạn bè thế giới và Hà Nội-Việt Nam.
“Trong tôi không còn khoảng cách 10.000km từ Paris mà chỉ còn tình yêu với Hà Nội,” ông nói.
Không chỉ yêu mến Hà Nội, ở thời khắc lịch sử Thăng Long-Hà Nội tròn nghìn tuổi, những người bạn nước ngoài còn gửi gắm nhiều ý tưởng, giải pháp hay, với mong muốn Hà Nội ngày càng đẹp hơn, hiện đại hơn, nhưng vẫn giữ trong mình những nét cổ kính đáng yêu của một Thủ đô có truyền thống ngàn năm văn hiến.
Đại sứ Palestine cho rằng để phát huy giá trị Thăng Long-Hà Nội 1.000 năm tuổi, vấn đề cơ bản là tiếp tục giáo dục con người, bởi theo ông ý thức con người rất quan trọng, là yếu tố quyết định sự văn minh của một Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Bên cạnh đó cũng cần phải tuyên truyền, nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường; quảng bá các di tích danh thắng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau để du khách từ khắp nơi trên thế giới có thể dễ dàng tìm hiểu về lịch sử của Hà Nội.
Bà Xorotova Ludmila, Phó Thị trưởng thành phố Yaroxlavl (Liên bang Nga) nêu ý kiến là cần khơi gợi niềm tự hào dân tộc về đất nước, Thủ đô và di sản ngay từ trong nhà trường; chú ý đặc biệt đến du lịch, tuyên truyền quảng bá di sản lịch sử; xây dựng hệ thống thông tin để phát triển du lịch và ấn hành các sản phẩm trực quan bằng nhiều ngôn ngữ; phát triển mạng lưới chuyên hóa các cửa hàng đồ mỹ nghệ dân gian, quán càphê và khách sạn, sẽ là những địa điểm trực tiếp quảng bá văn hóa Thủ đô Hà Nội và đất nước nói chung.
Liên quan đến việc bảo tồn tốt hơn di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho biết UNESCO hiện đang hợp tác chặt chẽ với Hà Nội, nhằm hỗ trợ việc bảo tồn. Một kế hoạch quản lý đang được xây dựng để đáp ứng nhu cầu của khu di sản cũng như của du khách đến thăm nơi đây.
Các chuyên gia đang nghiên cứu những cách thức bảo tồn các hiện vật một cách tốt hơn, phù hợp với thời tiết và chất đất tại địa điểm này. Việc khuyến khích người dân tới thăm khu di sản và tìm hiểu về tầm quan trọng của việc giữ gìn di sản cũng là điều quan trọng.
Hà Nội có thể tăng cường công tác bảo tồn các di sản văn hóa bằng cách nâng cao nhận thức về ý nghĩa quan trọng của việc giữ sạch thành phố để bảo vệ các địa điểm và tài sản văn hóa./.
Bà chia sẻ: "Tôi cảm thấy thật may mắn khi năm đầu tiên trong nhiệm kỳ công tác của tôi trùng hợp một cách diệu kỳ với dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Tuần này là một tuần lễ đầy xúc cảm. Tôi và bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO đã được tận hưởng không khí lễ hội, màn trình diễn pháo hoa, hòa vào đám đông dạo bước quanh thành phố, cố tìm cách qua đường giữa một rừng xe máy, thăm hỏi nhiều gia đình và mua sắm trong khu phố cổ..."
Vui mừng khi Con đường gốm sứ ven sông Hồng được ghi vào kỷ lục Guinness thế giới là bức tranh ghép gốm lớn nhất, bà Muller Marin coi đây là bằng chứng cụ thể về sự gắn kết xã hội, sự tham gia và niềm tự hào của cộng đồng.
Bà tin rằng trong tương lai, bức tường này sẽ tiếp tục khơi dậy niềm tự hào cùng ý thức về một bản sắc chung trong hàng triệu người dân Hà Nội cũng như du khách.
Mong muốn được ở lại làm việc lâu dài tại Việt Nam, dành thời gian để học tiếng Việt, bà bày tỏ mỗi người khi rời khỏi đất nước mình sinh ra để đến một đất nước khác làm việc đều để lại gia đình, bạn bè và những người thân. Khi rời Việt Nam, bà cũng có cảm giác đã để lại cả gia đình, bạn bè và luôn mong muốn phải làm gì đó cho Việt Nam. Với bà, “Việt Nam như nhà mình, như quê hương thứ hai vậy.”
Không riêng bà Muller Marin, Đại sứ Palestine tại Việt Nam - Saadi Salama, người vừa được trao giải đặc biệt cuộc thi quốc tế tìm hiểu về Thăng Long-Hà Nội mang tên “Hà Nội - Điểm hẹn của bạn” năm 2010, cũng cảm thấy rất may mắn được trở lại Việt Nam công tác đúng dịp nhân dân Việt Nam đang tưng bừng chào đón Đại lễ.
Là người Palestine từng học tập và làm việc tại Hà Nội từ thập kỷ 80 của thế kỷ 20, ông có rất nhiều kỷ niệm đẹp về Hà Nội; nói rất thạo tiếng Việt và có vốn hiểu biết sâu về Việt Nam.
Ông đánh giá cao sáng kiến tổ chức cuộc thi quốc tế tìm hiểu về Thăng Long-Hà Nội bởi đây là hình thức giới thiệu cho người nước ngoài giao tiếp trực tiếp hoặc gián tiếp với mảnh đất và con người nơi đây.
Ông cho rằng đó là cơ hội không thể bỏ lỡ của những người nước ngoài như ông, để thể hiện tình cảm với Hà Nội, nơi mà ông đã coi là quê hương thứ hai của mình.
Với Đại sứ Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam Pekka Hyvonen, cách để ông thể hiện tình cảm với Hà Nội là ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng về cảnh sắc và con người Hà Nội-Việt Nam.
"Tôi thường đi thăm thú Hà Nội bằng xe máy và đặc biệt thích cuộc sống ở thôn quê hay những cảnh thiên nhiên nơi đây. Hà Nội đã để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng và đã khơi gợi trong tôi vô vàn nguồn cảm hứng. Thế giới xung quanh chúng ta luôn thay đổi từng ngày, nhưng chỉ với một bức ảnh, những khoảnh khắc, cảnh vật sẽ mãi mãi còn lại với thời gian, còn lại trong ký ức. Sẽ thật tuyệt vời nếu có cơ hội được ngắm những bức ảnh của Hà Nội xưa. Hà Nội đẹp biết mấy, bất cứ ai trong chúng ta đều hy vọng Thủ đô ngàn năm tuổi sẽ được gìn giữ, bảo tồn cho thế hệ mai sau," ông chia sẻ.
Còn ông Philipe Chaplain, Chủ tịch Liên đoàn Di sản Pháp, người từng có cuộc triển lãm những bức ảnh cổ về Hà Nội năm 2009, thì nhận xét: "Đối với những người nước ngoài như chúng tôi, thật là kỳ diệu khi được đi bộ trong những con phố của Hà Nội để ngắm nhìn, lắng nghe và cảm nhận.
Sau nhiều lần đến Việt Nam, ông đã sở hữu một số lượng ảnh khổng lồ về Việt Nam, đặc biệt là về Hà Nội. Ông là người nước ngoài đầu tiên lập trang web về những bức ảnh cổ Hà Nội, lưu giữ hình ảnh về 36 phố phường Hà Nội xưa, về cây cầu Long Biên những ngày đầu mới xây dựng, về những nghề cổ của Hà Nội.
Từ năm 2006 đến nay, ông liên tục tham gia và đoạt giải cao trong cuộc thi quốc tế "Hà Nội - Điểm hẹn của bạn" và đã dành toàn bộ tiền thưởng ủng hộ người nghèo, trẻ mồ côi và bệnh nhân HIV/AIDS tại Hà Nội.
Kể về mối “duyên nợ” với cuộc thi tìm hiểu về Thăng Long-Hà Nội, ông cho biết lần đầu tiên đến Hà Nội năm 2005, ông đã tới thăm Thành Cổ Loa và rất hứng thú. Khi trở về Pháp, biết được thông tin về cuộc thi, ông đã tham gia với cảm xúc cảm nhận được từ lần đến Cổ Loa thành năm ấy.
Với ông, cuộc thi là cách tốt nhất để xây dựng nên cây cầu hữu nghị giữa bạn bè thế giới và Hà Nội-Việt Nam.
“Trong tôi không còn khoảng cách 10.000km từ Paris mà chỉ còn tình yêu với Hà Nội,” ông nói.
Không chỉ yêu mến Hà Nội, ở thời khắc lịch sử Thăng Long-Hà Nội tròn nghìn tuổi, những người bạn nước ngoài còn gửi gắm nhiều ý tưởng, giải pháp hay, với mong muốn Hà Nội ngày càng đẹp hơn, hiện đại hơn, nhưng vẫn giữ trong mình những nét cổ kính đáng yêu của một Thủ đô có truyền thống ngàn năm văn hiến.
Đại sứ Palestine cho rằng để phát huy giá trị Thăng Long-Hà Nội 1.000 năm tuổi, vấn đề cơ bản là tiếp tục giáo dục con người, bởi theo ông ý thức con người rất quan trọng, là yếu tố quyết định sự văn minh của một Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Bên cạnh đó cũng cần phải tuyên truyền, nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường; quảng bá các di tích danh thắng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau để du khách từ khắp nơi trên thế giới có thể dễ dàng tìm hiểu về lịch sử của Hà Nội.
Bà Xorotova Ludmila, Phó Thị trưởng thành phố Yaroxlavl (Liên bang Nga) nêu ý kiến là cần khơi gợi niềm tự hào dân tộc về đất nước, Thủ đô và di sản ngay từ trong nhà trường; chú ý đặc biệt đến du lịch, tuyên truyền quảng bá di sản lịch sử; xây dựng hệ thống thông tin để phát triển du lịch và ấn hành các sản phẩm trực quan bằng nhiều ngôn ngữ; phát triển mạng lưới chuyên hóa các cửa hàng đồ mỹ nghệ dân gian, quán càphê và khách sạn, sẽ là những địa điểm trực tiếp quảng bá văn hóa Thủ đô Hà Nội và đất nước nói chung.
Liên quan đến việc bảo tồn tốt hơn di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho biết UNESCO hiện đang hợp tác chặt chẽ với Hà Nội, nhằm hỗ trợ việc bảo tồn. Một kế hoạch quản lý đang được xây dựng để đáp ứng nhu cầu của khu di sản cũng như của du khách đến thăm nơi đây.
Các chuyên gia đang nghiên cứu những cách thức bảo tồn các hiện vật một cách tốt hơn, phù hợp với thời tiết và chất đất tại địa điểm này. Việc khuyến khích người dân tới thăm khu di sản và tìm hiểu về tầm quan trọng của việc giữ gìn di sản cũng là điều quan trọng.
Hà Nội có thể tăng cường công tác bảo tồn các di sản văn hóa bằng cách nâng cao nhận thức về ý nghĩa quan trọng của việc giữ sạch thành phố để bảo vệ các địa điểm và tài sản văn hóa./.
Hồng Hạnh (TTXVN/Vietnam+)