Thử nghiệm lâm sàng vaccine thứ 2 ngừa sốt rét cho kết quả khả quan

Theo các nhà nghiên cứu, vaccine R21 duy trì hiệu quả phòng bệnh khi được tiêm nhắc lại 1 năm sau đó, dù khả năng bảo vệ giảm dần theo thời gian. Cuộc thử nghiệm vẫn đang diễn ra.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa sốt rét cho trẻ em tại Cape Coast, Ghana ngày 30/4/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa sốt rét cho trẻ em tại Cape Coast, Ghana ngày 30/4/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Vaccine ngừa sốt rét do Đại học Oxford của Anh và Viện Serum của Ấn Độ bào chế có khả năng phòng ngừa hơn 70% số ca mắc bệnh sốt rét có triệu chứng ở trẻ nhỏ trong năm đầu tiên sau khi tiêm.

Đây là kết quả cuộc thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn được công bố trên tạp chí The Lancet ngày 1/2.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm giai đoạn cuối đối với vaccine R21 ở 4.800 trẻ em tại một số nước châu Phi.

Kết quả thử nghiệm cho thấy vaccine giúp phòng ngừa 75% ca sốt rét ở trẻ ở độ tuổi từ 5-36 tháng tại các khu vực có người dân được tiêm 3 liều vaccine trước khi mùa sốt rét lên tới đỉnh điểm.

Vaccine cũng giúp phòng ngừa 68% số ca mắc bệnh sốt rét ở những khu vực virus gây sốt rét lây lan quanh năm.

Theo các nhà nghiên cứu, vaccine R21 duy trì hiệu quả phòng bệnh khi được tiêm nhắc lại 1 năm sau đó, dù khả năng bảo vệ giảm dần theo thời gian. Cuộc thử nghiệm vẫn đang diễn ra.

Vaccine R21 đã được cơ quan chức năng tại một số nước Tây Phi và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép sử dụng.

Đây là vaccine thứ hai được WHO khuyến nghị để phòng ngừa bệnh sốt rét. Vaccine đầu tiên RTS,S - do hãng dược phẩm GSK của Anh bào chế - đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng tại Cameroon đầu tháng 1 này.

Sốt rét thường gây sốt, đau đầu và ớn lạnh. Bệnh này có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong nếu không được điều trị. Năm 2021, WHO thống kê có hơn 600.000 người tử vong trên thế giới vì căn bệnh này, trong đó đa số ở châu Phi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục