Hai doanh nghiệp tư nhân đã quyết định “bắt tay” thực hiện dự án thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia ở vùng Caribe để ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết, trong bối cảnh khu vực này đang ghi nhận số ca sốt xuất huyết tăng cao chưa từng có.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, Công ty Orbit Services Partners Inc của Barbados và Công ty Công nghệ Y tế Verily có trụ sở tại San Francisco, Mỹ, vừa công bố quyết định nêu trên và cho biết đã gặp gỡ quan chức của nhiều chính phủ trong khu vực với hy vọng có thể khởi động dự án vào đầu năm 2024.
Giám đốc Orbit Services Partners Inc, ông Anthony Da Silva, cho biết các quốc gia tham gia dự án là Barbados, Guyana, Jamaica, Saint Kitts & Nevis, Saint Martin (Hà Lan), Suriname, Cộng hòa Dominica và Haiti.
Ý tưởng hợp tác đã được hai công ty nghiên cứu từ 3 năm trước nhưng đại dịch COVID-19 đã khiến kế hoạch này bị chậm trễ.
Kể từ đầu năm đến nay, các quốc gia thuộc khu vực Mỹ Latinh và Caribe đã ghi nhận hơn 4 triệu trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, con số cao nhất kể từ khi bắt đầu có hồ sơ ghi chép về căn bệnh này năm 1980.
Tổ chức Y tế Liên Mỹ đã ban hành cảnh báo dịch tễ học, trong khi Cơ quan Y tế Công cộng Caribe cho biết đang theo dõi sát sao xu hướng gia tăng liên tục của căn bệnh này trong khu vực và bày tỏ lo ngại về những rủi ro đối với sức khỏe của người dân và nền kinh tế địa phương.
Các chuyên gia y tế dự báo một đợt bùng phát nghiêm trọng trong năm nay với số ca mắc cao chưa từng có, trong bối cảnh mùa mưa đến làm gia tăng các trường hợp mắc sốt xuất huyết và các bệnh lây truyền khác do muỗi vằn như virus zika và chikungunya, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, du lịch và sự phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia.
Cơ quan Y tế Công cộng Caribe khuyến nghị các nước trong khu vực nỗ lực tối đa, huy động các nguồn lực cần thiết và duy trì cảnh giác để tránh bùng phát các ổ dịch sốt xuất huyết.
Chính phủ Indonesia chi 1 triệu USD cho các thí nghiệm ngăn chặn sốt xuất huyết
Giới y khoa đánh giá vi khuẩn Wolbachia có thể ngăn chặn sự lây lan của virus sốt xuất huyết vì vi khuẩn này có khả năng tranh giành dinh dưỡng với virus và vi khuẩn trong tế bào muỗi.
Số liệu của tổ chức này cho thấy số ca bệnh sốt xuất huyết từ đầu mùa mưa năm nay đã tăng 15% so với năm 2022.
Wolbachia là dự án thả trứng muỗi hoặc muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia để kiểm soát bệnh sốt xuất huyết. Đây là vi khuẩn tự nhiên hiện diện ở khoảng 60% số loài côn trùng như chuồn chuồn, ruồi giấm, bươm bướm và muỗi.
Muỗi mang vi khuẩn Wolbachia hoàn toàn không phải là muỗi biến đổi gene do đó an toàn cho người, động vật và môi trường.
Sau khi được thả ra, muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia sẽ giao phối với muỗi hoang dã tại địa phương và giúp truyền Wolbachia trong đàn muỗi.
Bằng cách này, nhóm muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia trong tự nhiên sẽ được nhân lên ngày càng nhiều, từ đó giúp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh sốt xuất huyết và các bệnh nguy hiểm do muỗi vằn.
Biện pháp này đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết ở 14 quốc gia, trong đó có Brazil, Australia và Singapore./.