Thu nhập của người lao động ở Mỹ tiếp tục giảm

Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ phục hồi trì trệ sau suy thoái, người tiêu dùng nước này tiếp tục phải sống chật vật do thu nhập giảm.
Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ phục hồi trì trệ sau suy thoái, người tiêu dùng nước này tiếp tục phải sống chật vật do thu nhập giảm trong năm thứ hai liên tiếp.

Phóng viên TTXVN tại Canada dẫn báo cáo hàng năm của Cục Điều tra dân số Mỹ công bố ngày 12/9 cho biết trong năm 2011, thu nhập trung bình của các hộ gia đình Mỹ là hơn 50.000 USD - giảm 1,5% so với năm 2010 và giảm tới 8,1% so với năm 2007, thời điểm trước suy thoái kinh tế. Thu nhập của những lao động toàn thời gian năm 2011 cũng giảm 2,5% so với một năm trước đó.

Trong khi đó, chênh lệch thu nhập giữa người giàu và người nghèo tiếp tục gia tăng. Cụ thể, có 6% số người thuộc tầng lớp thượng lưu (hiện chỉ chiếm 1% dân số Mỹ) báo cáo thu nhập tăng, trong khi thu nhập của tầng lớp lao động (chiếm 40% dân số Mỹ) về cơ bản là không thay đổi.

Cũng theo báo cáo, tỷ lệ nghèo đói tại nền kinh tế số một thế giới cũng không được cải thiện. Trong năm 2011, Mỹ có khoảng 46,2 triệu người sống trong cảnh nghèo túng, tức là cứ 6 người thì có một người sống dưới chuẩn nghèo. Mặc dù giảm nhẹ từ mức 15,1% trong năm 2010 xuống còn 15%, song đây vẫn là mức cao kỷ lục trong hơn nửa thế kỷ qua. Tỷ lệ nghèo đói ở trẻ em dưới 18 tuổi cũng tăng lên tới 21,9%.

Báo cáo được công bố trong bối cảnh chưa đầy hai tháng nữa là tới cuộc bầu cử tổng thống quan trọng ở Mỹ, và đương kim Tổng thống nước này Barack Obama đang nỗ lực vận động cử tri để có thể tái cử nhiệm kỳ thứ hai. Điều hành nền kinh tế yếu kém khiến nợ công và tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ cao kỷ lục là nguyên nhân khiến uy tín của ông chủ đương quyền Nhà Trắng sụt giảm.

Do hậu quả của cuộc đại khủng hoảng 2007-2009, khoản nợ quốc gia của Mỹ trong gần 4 năm cầm quyền vừa qua của Tổng thống Obama đã tăng tổng cộng hơn 6.000 tỷ USD, tăng nhanh gấp 4 lần so mức tăng 1.400 tỷ USD trong 4 năm cầm quyền (2001-2004) của Tổng thống George W. Bush và nhanh gấp hơn 5 lần so với mức tăng 1.200 tỷ USD trong 4 năm cầm quyền (1993-1996) của Tổng thống Bill Clinton. Vì vậy, vấn đề kinh tế là mối quan tâm hàng đầu của cử tri và cả hai ứng cử viên tổng thống đều hiểu đây sẽ là một trong những chìa khóa giúp họ thành công trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay.

Giới phân tích nhận định các số liệu trên có những tác động rõ ràng đối với Canada, quốc gia đang phụ thuộc nặng nề vào nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ đối với các mặt hàng xuất khẩu của nước này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục