Thủ tướng mới của Sri Lanka Ranil Wickremesinghe tuyên thệ nhậm chức

Nghị sỹ đối lập Wickremesinghe đã tuyên thệ nhậm chức thủ tướng, thay thế ông Mahinda Rajapaksa, người đã từ chức vào đầu tuần này để mở đường cho việc thành lập Nội các mới.
Thủ tướng mới của Sri Lanka Ranil Wickremesinghe tuyên thệ nhậm chức ảnh 1Ông Ranil Wickremesinghe (trái) tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Sri Lanka trước sự chứng kiến của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa (phải) tại Dinh Tổng thống ở Colombo ngày 12/5/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 12/5, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã bổ nhiệm nghị sỹ đối lập Ranil Wickremesinghe giữ chức Thủ tướng trong nỗ lực mang lại sự ổn định cho quốc gia Nam Á đang chìm trong khủng hoảng.

Ông Wickremesinghe đã tuyên thệ nhậm chức thủ tướng, thay thế ông Mahinda Rajapaksa, người đã từ chức vào đầu tuần này để mở đường cho việc thành lập Nội các mới.

Ông Wickremesinghe là một chính khách kỳ cựu, từng 5 lần giữ chức thủ tướng của quốc gia Nam Á này. Ông Wickremesinghe sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ khi độc lập, dẫn tới các cuộc biểu tình phản đối trên diện rộng.

[Tìm lối thoát khủng hoảng, Sri Lanka chuẩn bị có thủ tướng mới]

Việc bổ nhiệm ông Wickremesinghe giữ chức thủ tướng được xem là một nỗ lực của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực do cuộc khủng hoảng tài chính gây ra và khôi phục uy tín quốc tế trong bối cảnh Chính phủ Sri Lanka đang đàm phán về gói cứu trợ và các kế hoạch tái cơ cấu nợ với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Sri Lanka đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Bạo lực đã bùng phát tại Sri Lanka từ ngày 9/4 khi liên tiếp xảy ra các vụ đụng độ bên ngoài văn phòng tổng thống.

Thống kê cho thấy ít nhất 9 người đã thiệt mạng và hơn 200 người bị thương kể từ khi đụng độ bùng phát.

Trong diễn biến mới nhất, một tòa án Sri Lanka ngày 12/5 đã ban hành lệnh cấm cựu Thủ tướng Mahinda Rajapaksa và con trai chính trị gia này - cựu Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Namal Rajapaksa, cùng 15 nhân vật thân cận, rời khỏi đất nước do liên quan tới các vụ xung đột giữa các nhóm ủng hộ chính phủ với nhóm người biểu tình yêu cầu ông Mahinda từ chức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục